Thứ Sáu, 22/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 27/12/2018 9:13'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị

Lễ khai giảng Lớp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính khóa 65, hệ không tập trung năm học 2018 -2019

Lễ khai giảng Lớp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính khóa 65, hệ không tập trung năm học 2018 -2019

Công tác giáo dục lý luận chính trị là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng và nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị là yêu cầu vừa cấp bách, vừa thường xuyên của Đảng. Thông qua công tác giáo dục lý luận chính trị, từng bước góp phần nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ, đảng viên ở địa bàn cơ sở. Sự nghiệp đổi mới đất nước, xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã và đang làm thay đổi nhanh chóng các mặt của đời sống xã hội và không ít khó khăn, thách thức từ thực tiễn... Từ đó, đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở nói riêng.

Thiết thực đưa các Nghị quyết Đại hội IX, X, XI, XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vào cuộc sống, trong những năm qua, chất lượng giáo dục lý luận chính trị của Trường Chính trị tỉnh Đăk Nông trong thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kỹ năng lãnh đạo quản lý; về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính quyền nhà nước một số lĩnh vực nghiệp vụ công tác khác đã không ngừng được nâng lên. Trong đó, việc nâng cao chất lượng các hoạt động quản lý, phục vụ dạy và học, các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn có bước phát triển đột phá; chất lượng học tập, nghiên cứu lý luận chính trị của học viên được nâng cao, kết quả xếp loại tốt nghiệp ra trường tỷ lệ khá, giỏi ngày càng tănggóp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở của tỉnh.

Từ năm 2004 đến năm 2018, Trường Chính trị tỉnh Đăk Nông đã 

- Tổ chức đào tạo được 66 lớp, với 3.978 học; 5 lớp trung cấp ngắn hạn với 244 học viên; 2 lớp Trung cấp quân sự với 94 học viên; 6 Trung cấp chuyên môn nghiệp vụ với 327 học viên;

- Phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chính Minh khu vực 2 (Thành phố Hồ Chí Minh), khu vực 3 (Đà Nẵng) mở 13 khóa học cao cấp lý luận chính với 1.170 học viên; liên kết với Học viện Chính trị quốc gia Hồ chính Minh đào tạo 2 lớp thạc sĩ, với 75 học viên; phối hợp với Học viện Hành chính quốc gia mở một lớp Đại học hành chính với 84 học viên.

-  Tổ chức 6 lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên viên chính với 427 học viên; 234 lớp chuyên viên với 1.775 học viên; các lớp bồi dưỡng ngắn hạn 69 lớp với 4.636 học viên; 5 lớp cập nhật kiến thức với 619 học viên.   

Đạt được kết quả nêu trên, là do nhà trường đã tiến hành rà soát, nhận xét, đánh giá, thực hiện quy hoạch đối với cán bộ, giảng viên có trình độ năng lực, có phẩm chất đạo đức cách mạng vào các chức danh lãnh đạo quản lý của nhà trường, quan tâm tạo điều kiện cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo nâng cao trình độ năng lực chuyên môn. Đội ngũ giảng viên lý luận chính trị của nhà trường có 26 giảng viên: trong đó, có 18 thạc sĩ, 8 cử nhân, 1 giảng viên cao cấp, 5 giảng viên chính; 18 giảng viên và 2 giảng viên tập sự thường xuyên được quan tâm đào tạo nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, rèn luyện về phẩm chất đạo đức cách mạng.

Nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, đã cử 2 đồng chí đi đào tạo tiến sĩ, 3 đồng chí đi đào tạo thạc sĩ trong và ngoài nước; 100% các đồng chí giảng viên được cử đi tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, cập nhật kiến thức mới nâng cao trình độ năng lực chuyên môn; thường xuyên tổ chức các lớp nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên phải chú trọng tăng cường các hoạt động cập nhật thông tin mới, kiến thức mới, những thành tựu về lý luận và thực tiễn trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, những thành tựu trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Cùng với đó, đội ngũ giảng viên nhà trường thường xuyên áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực vào bài giảng, nâng cao năng lượng nghiên cứu, giảng dạy, tăng cường sinh hoạt chuyên môn, dự giờ thao giảng gắn với kiểm tra, giám sát đánh giá chất lượng các bài giảng của giảng viên trên lớp; đổi mới và nâng cao chất lượng ra đề thi các phần học; nâng cao chất lượng quản lý các lớp học, nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp, công tác coi thi, kiểm tra đánh giá đúng chất lượng học tập của học viên; tăng cường công tác thanh tra giáo dục và nâng cao trách nhiệm của ban thanh tra giáo dục; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, nhất là thực hiện chuẩn mực đạo đức nhà giáo và văn hoá trường Đảng.

Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn phục vụ cho công tác giảng dạy cũng được coi trọng và đã đi vào chiều sâu, tăng cả về số lượng và chất lượng. Hằng năm, nhà trường đều tổ chức triển khai các đề tài nghiên cứu khoa khoa học, tổ chức thành công các Hội thảo khoa học; xuất bản bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn”; tổ chức tốt các hoạt động thao giảng, dự giờ lên lớp, phát phiếu đánh giá chất lượng các bài giảng trên lớp; tăng cường các buổi sinh hoạt chuyên môn để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; tiếp tục bồi dưỡng các giảng viên tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi các trường Chính trị toàn quốc… Các hoạt động nghiên cứu khoa học hướng vào những vấn đề mới, những vấn đề lý luận và thực tiễn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, những vấn đề thực tiễn của tỉnh Đăk Nông. Năm 2018, giảng viên của trường đã tham gia Hội thảo khoa học do Trường trị tỉnh Kom Tum và Trường Chính trị tỉnh Bình Phước tổ chức và Hội thảo “Xây dựng đội ngũ giảng viên Trường chính trị tỉnh Đắk Nông đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Đắk Nông hiện nay”… Qua đó, cập nhật kiến thức và vận dụng kiến thức mới vào từng bài giảng.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác giáo dục lý luận chính trị của nhà trường cũng còn những hạn chế. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị mặc dù đã được đổi mới, nhưng vẫn còn bất cập. Nội dung chương trình đào tạo hiện vẫn nặng về lý thuyết, chưa phát triển các kỹ năng thực hành cho người học; chưa gắn với tính đặc thù của các đối tượng học viên, chưa đáp ứng một cách toàn diện nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh nhà hiện nay. Trong khi đó, mặc dù đội ngũ giảng viên của nhà trường đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhưng số lượng giảng viên có trình độ chuyên môn cao (tiến sĩ) còn hạn chế; số giảng viên trẻ chiếm tỷ lệ cao, mặc dù được đào tạo bài bản, có trình độ, năng lực và phương pháp sư phạm tốt, nhưng sự trải nghiệm thực tiễn chưa nhiều phong kiến thức thực tiễn còn hạn chế...

Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông nhìn từ xa
 

Trong khi đó, hoạt động nghiên cứu khoa học có mặt còn hạn chế như nguồn kinh phí hằng năm phục vụ cho nghiên cứu khoa học còn ít nên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, năng lực nghiên cứu khoa học của một bộ phận giảng viên còn nhiều hạn chế. Động cơ mục đích học tập, nghiên cứu lý luận chính trị của học viên chưa được xác định đúng đắn, chất lượng học tập chưa được nâng cao. Sự phối hợp với cấp ủy, chính quyền và cơ sở đào tạo trong việc theo dõi, đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên sau đào tạo, bồi dưỡng, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn công tác ở cơ quan, đơn vị và địa phương chưa kịp thời, thiếu sự gắn kết và đánh giá rút kinh nghiệm.

Đứng trước yêu cầu đổi mới công tác cán bộ, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị của nhà trường càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, đòi hỏi thời gian tới nhà trường cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, tiếp tục giáo dục, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Theo đó, quy định việc học tập lý luận chính trị là nghĩa vụ và phải được quy định thành chế độ để mọi người tự giác thực hiện nghiêm túc; có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với chức danh, với nghề nghiệp, với nhiệm vụ cụ thể của cơ quan, đơn vị, yêu cầu của địa phương.

Thứ hai, chương trình giảng dạy lý luận chính trị của nhà trường cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng trên cơ sở nghiên cứu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kịp thời cập nhật những thông tin mới, những kiến thức mới nhất là những thành tựu lý luận và thực tiễn hơn 30 năm tiến trình đổi mới đất nước, 15 năm năm quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Đăk Nông; nghiên cứu làm sáng tỏ những thành tựu mới trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nghiên cứu những nhận thức, những vấn đề mới nảy sinh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân... Thông qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức của tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, nguy cơ “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ, củng cố niềm tin vào con đường cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Thứ ba, mỗi cán bộ, đảng viên của trường nói chung, đội ngũ giảng viên nói riêng thấm nhuần sâu sắc lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại, để không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; rèn luyện bản lĩnh chính trị, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; gắn việc học tập, giảng dạy lý luận chính trị với thực tiễn công tác hằng ngày. Trong mọi mặt công tác, gắn đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII với việc tự học, tự nghiên cứu; với tích cực, chủ động đấu tranh, phê phán với các quan điểm sai trái, thù địch để làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị.

Thứ tư, cùng với việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng, có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp, tâm huyết với nghề là việc quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đội ngũ giảng viên kiêm chức tham gia giảng dạy và truyền đạt tại các cơ sở bồi dưỡng lý luận chính trị; quan tâm tạo điều kiện cử giảng viên đi học nhằm nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, trang bị kiến thức chuyên sâu về kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đưa giảng viên đi nghiên cứu ở cơ sở, ký kết chương trình phối hợp công tác với các địa phương, thông qua đó giúp giảng viên nắm bắt thực tiễn công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở; tổng kết một số phong trào, mô hình điển hình tiên tiến trong các hoạt động của địa phương phục vụ cho công tác giảng dạy lý luận chính trị, đáp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của nhà trường trong tình hình mới.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới hơn nữa phương thức tổ chức và phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, thực hiện quá trình tương tác giữa thầy - trò để cho người học được quyền thảo luận, tranh luận, vận dụng lý luận giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra…để mỗi giờ học lý luận chính trị đều trở nên sinh động, hấp dẫn lôi cuốn người học... Kiên quyết khắc phục lối dạy “độc thoại”, thông báo thông tin một chiều, nặng về lý thuyết, áp đặt thụ động, máy móc lý luận xa rời thực tiễn, không phát huy được tính tích cực sáng tạo của người học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đất nước.

Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục lý luận chính trị, lấy kết quả học tập lý luận chính trị làm thước đo phẩm chất, năng lực, phân loại của cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ giảng viên nói riêng. Cần tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học lý luận chính trị bảo đảm thực chất, khách quan, hiệu quả thiết thực trong học tập lý luận chính trị. Thường xuyên biểu dương những tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện nghiêm, chấp hành tốt việc học tập, nghiên cứu; mặt khác góp ý, phê bình nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện lơ là, chưa nghiêm túc trong học tập lý luận chính trị, chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Căn cứ vào ý thức, thái độ, trách nhiệm kết quả học tập lý luận chính trị để đánh giá, nhận xét, xếp loại, phân loại cán bộ, đảng viên và bình xét thi đua khen thưởng hng năm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

ThS. Nguyễn Văn Vương

Trường Chính trị tỉnh Đăk Nông

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất