BỆNH "CHẠY" DƯỚI GÓC NHÌN XÂY DỰNG ĐẢNG
Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII không phải là lần đầu tiên Đảng ta cảnh báo về vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Ngay từ năm 1999, khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), Khóa VIII, Bộ Chính trị đã báo cáo trước Trung ương, chỉ ra 5 loại “chạy”. Đó là chạy chức trước khi bầu cử; chạy quyền trước khi phân công công tác; chạy lợi trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp quota; chạy chỗ trước khi bổ nhiệm; chạy tội trước khi điều tra, xét xử. Nhà báo Hữu Thọ sau đó từng viết hẳn một cuốn sách dài nhiều tập, xuất bản trong nhiều năm mang tiêu đề “Chạy” để phân tích các loại “chạy” và theo ông đúc kết, “chạy” sẽ tạo ra “người giả” - nơi hội tụ của tất cả bằng giả, kiến thức giả, khen thưởng giả, thành tích giả, đạo đức giả...
“Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống "chạy chức, chạy quyền" một cách hiệu quả...” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc ngành Xây dựng Đảng năm 2017. |
Nếu như trước đây việc “chạy chức, chạy quyền” thường diễn ra ở một hoặc một số đối tượng; thì nay, việc "chạy" diễn ra phổ biến hơn, xuyên thấu vào tầng sâu, tràn qua nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng, kết nối thành bè cánh, phe nhóm, miếng mảng... hết sức tinh vi, bài bản.
Các chuyên gia về tổ chức cán bộ cho rằng, "chạy chức chạy quyền" thực chất là sự tha hóa, tham nhũng quyền lực, là hành vi dùng mọi thủ đoạn, mánh lới, đánh đổi lợi ích vật chất và phi vật chất để giành được vị trí, quyền lợi như mong muốn. Hình thức "chạy" rất đa dạng: "Chạy" để chưa có chức thành có chức, "chạy" từ vị trí thấp lên vị trí cao, "chạy" từ nơi có lợi ích bổng lộc ít lên nơi có nhiều; "chạy" để “hạ cánh an toàn”, "chạy" biên chế, "chạy" ghế, "chạy" bằng cấp, "chạy" thành tích; "chạy" để vào cấp ủy; "chạy" tuổi để kéo dài thời gian công tác, bổ nhiệm; "chạy" tội để không bị kỷ luật, giữ ghế…
"Chạy chức, chạy quyền" dẫn đến tha hóa quyền lực có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của cả một chế độ. Chúng ta cần nghiên cứu bài học đau xót khi Liên Xô sụp đổ. Trong tác phẩm "Bí ẩn diệt vong của Liên Xô - Lịch sử những âm mưu và phản bội 1945-1991", tác giả A.Seviakin cho rằng, sai lầm về công tác cán bộ thực chất là xóa nhòa ý thức hệ tư tưởng, tạo ra cuộc “diễn biến hòa bình” ngay trong lòng xã hội Xô viết và Đảng Cộng sản Liên Xô là đòn đánh gục chế độ xã hội chủ nghĩa. Họ đã tạo ra một lớp lãnh đạo cấp cao là những người “tắm” trong xa hoa nhung lụa trong khi không ít người dân Liên Xô còn khó khăn. Có lúc, con cái tầng lớp đặc quyền chỉ cần dựa vào địa vị đặc quyền của bố mẹ là có thể dễ dàng được vào học tại những trường đại học uy tín nhất. Sau khi tốt nghiệp lại được nhận vào các ban, ngành quan trọng, nhanh chóng được nắm giữ những cương vị quan trọng.
MỆNH LỆNH CUỘC SỐNG
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến cơ chế kiểm soát quyền lực và hình ảnh “nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp”. Để chống chạy chức, chạy quyền, kiểm soát hiệu quả quyền lực hiện nay, cùng với Hiến pháp và pháp luật, nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, sức mạnh của kỷ luật Đảng, vai trò giám sát của nhân dân cũng sẽ tạo ra “chiếc phanh" cơ chế, “cái lồng" kiểm soát hiệu quả…
Kiểm soát quyền lực Nhà nước là yêu cầu tất yếu trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đây cũng là nguyên tắc được hiến định tại Điều 2, Hiến pháp năm 2013: Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Riêng đối với nước ta, kiểm soát quyền lực được đặt trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Mọi hành động kiểm soát, xét cho cùng để thực hiện điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Để nhân dân làm chủ, mọi việc của dân, do dân, vì dân.
Đại hội XII của Đảng đề cập một quan điểm mới mẻ: “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”. Trên tinh thần đó, Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII của Đảng xác định: “Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm”.
KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC, CÁCH NÀO?
Nhà nước phải thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực thông qua xây dựng và thực thi Hiến pháp, pháp luật. Nếu như có một hệ thống pháp luật đầy đủ, minh bạch, tiến bộ, khắc phục được cả tình trạng “chạy cơ chế”, “tham nhũng chính sách” trong xây dựng pháp luật, triệt để khắc phục tình trạng đẻ giấy phép con, “phép vua thua lệ làng” thì chắc chắn tình trạng cán bộ lạm dụng quyền lực, nhũng nhiễu sẽ không thể xảy ra.
Kiểm soát quyền lực Nhà nước cũng phải bảo đảm sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan Nhà nước với sự thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; trong đó đặc biệt phải phát huy vai trò kiểm soát của các cơ quan tư pháp đối với các cơ quan Nhà nước mà tòa án phải thật sự độc lập, chỉ tuân thủ pháp luật và công lý, không bị chi phối bởi bất kỳ thế lực nào. Phải hoàn thiện luật pháp theo hướng tạo nên sự độc lập tương đối giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp, đặc biệt là nhánh tư pháp.
Kiểm soát quyền lực trong Đảng cũng là vấn đề rất quan trọng. Đảng thực hiện cơ chế “tự kiểm soát” thông qua tự phê bình và phê bình, kỷ luật Đảng, công tác kiểm tra, giám sát. Nhìn lại những sự việc như các vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Hà Văn Thắm… thật đáng buồn khi hầu như không có tổ chức đảng nào phát hiện ra các sai phạm thông qua công tác kiểm tra, giám sát.
Những năm gần đây, Đảng ta đã có rất nhiều quy định chặt chẽ để quản lý đảng viên, trong đó phải kể đến 19 điều cấm đảng viên không được làm kèm theo hướng dẫn cụ thể. Mới đây, với việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 102 về xử lý đảng viên vi phạm kỷ luật, dư luận hết sức đồng tình với tinh thần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Gần đây nữa Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” cũng là những nội dung có sức răn đe, giáo dục, kiểm soát chặt chẽ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hiện nay, sau Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII, Bộ Chính trị đang xây dựng quy định về Kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ, vừa qua đã đưa ra lấy ý kiến rộng rãi để tiếp tục hoàn thiện. Theo bản dự thảo, đã xác định 8 cơ chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; nhận diện 19 hành vi chạy chức chạy quyền (5 hành vi của “người chạy” và 14 hành vi của “người được chạy” cả hành vi của tập thể và cá nhân); 6 cách thức phát hiện hành vi chạy chức chạy quyền và việc kiểm tra, kết luận, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền; về trách nhiệm thực hiện Quy định…
Kiểm soát quyền lực còn rất cần thông qua sự giám sát chặt chẽ bằng tai, mắt của nhân dân. Do đó, cần có giải pháp thể chế hóa cơ chế kiểm soát quyền lực bằng các quy định của pháp luật cụ thể như xác định thẩm quyền của HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trong giám sát và phản biện xã hội đã được đề cập. Mặt khác, phải công khai cho nhân dân biết và giám sát việc thực hiện các quy chế về cán bộ, kê khai tài sản, chính sách cán bộ… Cần sớm hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật liên quan đến các quyền mang tính kiểm soát, làm sao thiết thực, dễ thực hiện, cụ thể là các Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Tiếp cận thông tin… Đặc biệt, phải tổ chức tốt việc tiếp dân, giải quyết các kiến nghị, vướng mắc, khiếu nại của nhân dân. Hướng dẫn khung để phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được ban hành kèm theo Quyết định số 99/QĐ-TW của Bộ Chính trị vào tháng 5-2017 là một cách làm mới. Hướng dẫn quy định rất rõ các nội dung, hình thức công khai của cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng; nội dung, hình thức góp ý, giám sát của nhân dân. Đáng chú ý, trong đó có việc phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định.
Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã đề ra năm điểm đột phá, gồm: Một là, đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương. Hai là, kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời; chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền. Ba là, thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Bốn là, cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm. Năm là, hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó máu thịt, mật thiết với nhân dân và thông qua đó nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.
Nhìn vào 5 giải pháp đột phá trên, chúng ta sẽ thấy ngay chỉ có một giải pháp mang tính chất động viên, còn có tới 4 giải pháp nhấn sâu vào việc sửa chữa, khắc phục các lỗ hổng, đồng nghĩa với tấn công vào các nhóm lợi ích, đặc quyền đặc lợi. Đơn cử như chủ trương sàng lọc, có lên có xuống, có vào có ra đồng nghĩa với việc cán bộ không thể cứ mãi tham quyền cố vị, sống lâu lên lão làng. Hay như quy định sẽ bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, huyện cơ bản không phải là người địa phương… để chống cục bộ trong công tác cán bộ thì chắc chắn trong thời gian tới, Đảng ta sẽ có lộ trình xử lý và có nhiều vị trí công tác phải nghiên cứu, điều chỉnh. Những chủ trương mới này sẽ tác động trực tiếp đến không ít cán bộ có chức, có quyền. Nếu không có tinh thần dĩ công vi thượng, người ta sẽ nảy sinh tâm tư, níu kéo, không ủng hộ nghị quyết mới của Đảng.
Với tinh thần quyết liệt đó, chúng ta tin tưởng rằng, trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước ta sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực,chống chạy chức chạy quyền, để xây dựng được đội ngũ cán bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, vừa hồng vừa chuyên, thật sự là cái gốc của công việc, là lực lượng then chốt của then chốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Nguyễn Văn Minh
___________________________
Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 12/2018