Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 16/4/2021 15:4'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa trong tình hình mới

Hòa tấu cồng chiêng -  tiết mục văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường, nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019_Ảnh: TTXVN

Hòa tấu cồng chiêng - tiết mục văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường, nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019_Ảnh: TTXVN

 

1.  Cán bộ văn hóa có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong việc tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền trong việc xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách để lãnh đạo, triển khai sự nghiệp phát triển văn hóa, đảm bảo đúng định hướng, mục tiêu của Đảng, Nhà nước.

Trong những năm tháng chiến tranh cách mạng, cùng với những binh chủng, lực lượng khác, đội ngũ cán bộ văn hóa đã luôn có mặt ở những tuyến đầu mặt trận, các phong trào thi đua lao động sản xuất xây dựng đời sống mới, ba cùng với nhân dân - vừa tham gia kháng chiến, vừa làm công tác tuyên truyền đường lối cách mạng. Đội ngũ cán bộ văn hóa đã góp phần tích cực nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời huy động sức mạnh quần chúng cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện những mục tiêu, sứ mệnh đã đề ra.

Hoạt động trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức thường niên góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Ảnh: MINH ANH.

Hoạt động trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức thường niên góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Ảnh: MINH ANH (Báo Quân đội Nhân dân)

 

Trong những giai đoạn, thời kỳ lịch sử nhất định, cán bộ văn hóa đảm đương nhiều vai trò - vừa hoạt động chính trị, vừa là nghệ sĩ trực tiếp sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có sức cổ vũ lớn, đồng thời là những chiến sĩ cách mạng trung thành với Tổ quốc, với Đảng. Hình ảnh, sức ảnh hưởng của cán bộ văn hóa trong những năm kháng chiến như “ngọn đuốc soi đường”, cổ vũ, động viên và tập hợp quần chúng nhân dân đi theo lời hiệu triệu của Đảng, đoàn kết đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.

- Hồ Chí Minh

Ngày nay, đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp không ngừng được bổ sung, tăng cường về số lượng; trình độ chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao; sẵn sàng nhận những nhiệm vụ khó khăn, đem tri thức, thông tin hữu ích đến với đồng bào, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; cổ vũ, khuyến khích mọi thành phần, tầng lớp không ngừng nỗ lực vươn lên, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Trong điều kiện hiện nay, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân thì việc kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển con người toàn diện được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Để khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước thì việc phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là nhân tố “then chốt của then chốt”, góp phần khơi thông những mạnh nguồn văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, là “sức mạnh mềm trong phát triển đất nước hiện nay.

Một nhiệm vụ lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra là: “Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”(1).

2. Trong những năm qua, với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp không ngừng được bổ sung, gia tăng về số lượng lẫn chất lượng; bộ máy quản lý văn hóa từ trung ương đến địa phương được kiện toàn, tạo mạng lưới cán bộ văn hóa rộng khắp trên mọi miền, giúp cho lĩnh vực văn hóa, nhất là đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng phong phú đa dạng. Đội ngũ cán bộ văn hóa có tâm, có tầm, có trách nhiệm đã có những đóng góp quan trọng vào việc khai thông, “mở đường” phát triển văn hóa.

Nhìn nhận, đánh giá về thực trạng đội ngũ cán bộ văn hóa thời gian qua với những ưu điểm và những bất cập, hạn chế đang đặt ra là việc làm cần thiết, có ý nghĩa, từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng tốt yêu cầu sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Quyết định số 1216/QĐ-TTg), trong đó đề ra “nhân lực trực tiếp làm việc trong lĩnh vực văn hóa, thể thao đến năm 2020 khoảng 113 nghìn người. Nhân lực ngành du lịch đến năm 2020 khoảng 870 nghìn người, trong đó tỷ lệ nhân lực qua đào tạo chiếm khoảng 58.0% tổng số nhân lực của ngành”(2). Trên cơ sở Quyết định 1216/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT&DL) ban hành Quyết định Quy hoạch phát triển nhân lực nhóm ngành văn hóa, thể thao giai đoạn 2011-2020, trong đó xác định mục tiêu nhân lực trực tiếp của ngành văn hóa, thể thao đến năm 2015 là 87.950 người, năm 2020 là 112.700 người (tỷ lệ tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 3.3%; giai đoạn 2016-2020 là 5.5%)”(3). Song song với mục tiêu gia tăng về nguồn nhân lực thì công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng.

Qua gần 10 năm thực hiện các quyết định của nêu trên, đội ngũ cán bộ văn hóa ngày càng được tăng cường, bổ sung với cơ cấu hợp lý về độ tuổi, giới tính, trình độ và sự phân bổ giữa các vùng miền, giữa các cấp quản lý hành chính nhà nước.

Tính đến năm 2020, riêng đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ VH,TT&DL đã đạt 880 người, trong đó số cán bộ có trình độ cao, có học hàm, học vị tăng đáng kể, nhiều cán bộ có trình độ, năng lực, nắm giữ những vị trí quản lý quan trọng của các cơ quan ngành văn hóa - nghệ thuật khi tuổi đời còn khá trẻ.

Đội ngũ cán bộ văn hóa có trình độ, năng lực ở các địa phương cũng tăng lên về số lượng; được biên chế ở các phòng chuyên môn thuộc cấp sở (tỉnh, thành phố) như phòng Nghiệp vụ văn hóa, phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, phòng Quản lý di sản với mức định biên cán bộ khoảng từ 5-7 người/phòng. Ở cấp huyện, cán bộ văn hóa được định biên từ 5-7 người, làm việc ở phòng Văn hóa Thông tin.

Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước đều bố trí ít nhất 1 cán bộ công chức chuyên trách Văn hóa - Xã hội, giúp chính quyền xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; vận động nhân dân và các tổ chức, đơn vị thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực để xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa ở địa phương.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp còn được tuyển dụng, biên chế, hợp đồng lao động tại các Trung tâm văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện (với định biên từ 10-15 người Trung tâm văn hóa cấp tỉnh; 8-10 người đối với Trung tâm văn hóa cấp huyện). Đây là lực lượng cán bộ, công chức, viên chức đảm nhiệm việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện nội dung và các chương trình hoạt động văn hóa ở cơ sở. Nhiều địa phương đã bố trí đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách đảm đương nhiệm vụ quản lý, tổ chức hoạt động của các thiết chế. Theo thống kê, trên cả nước hiện có 75 thiết chế văn hóa cấp tỉnh, gồm 69 Trung tâm Văn hóa, 4 Trung tâm Văn hóa Điện ảnh và 2 Trung tâm Thông tin - Triển lãm; cấp quận, huyện có 613/709 huyện có Trung tâm văn hóa hoặc Nhà văn hóa cấp huyện; 5.966/11.198 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao. Cả nước có 61 Đội Tuyên truyền lưu động cấp tỉnh, 628 đội cấp huyện.

Lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa cơ sở tỉnh Quảng Ninh năm 2019.

Lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa cơ sở tỉnh Quảng Ninh năm 2019.

 

Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa bài bản chính quy, chuyên sâu về các ngành, lĩnh vực cũng như góp phần bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa đương nhiệm, hệ thống các cơ sở đào tạo cán bộ văn hóa ngày càng được nâng cấp, đầu tư, phát triển theo hướng hiện đại, tiên tiến, cập nhật những tri thức mới về quản lý, xây dựng, phát triển văn hóa ở trong và ngoài nước. Đến nay cả nước có 108 cơ sở đào tạo tham gia đào tạo văn hóa - nghệ thuật gồm 33 trường đại học, 1 viện, 47 trường cao đẳng, 27 trường trung cấp, trong đó lực lượng chủ chốt là 18 cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VH,TT&DL. Các cơ sở đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật phủ kín hầu hết các tỉnh, thành phố, phần lớn tập trung ở các đô thị, địa bàn đông dân cư, tạo thuận lợi cho người học và gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Để khuyến khích, thu hút tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cũng như trọng dụng, đãi ngộ đội ngũ cán bộ văn hóa tâm huyết, gắn bó với nghề, có nhiều cống hiến vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, Nhà nước đã không ngừng đổi mới cơ chế, chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc; mở rộng cơ hội cho cán bộ tham dự các chương trình đào tạo, tập huấn ở trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ, năng lực quản lý, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Thời gian qua, nhiều đề án về đào tạo, phát triển tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao đã được Chính phủ ban hành và triển khai có hiệu quả như các đề án: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030”;“Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2011-2020”; “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trình độ cao trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, giai đoạn 2011-2020”; “Đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật  giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”... Bên cạnh đó, nhiều nghị định, thông tư về xét tặng các giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho những cá nhân có thành tích, cống hiến xuất sắc trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng đã được ban hành; ghi nhận, tôn vinh những nghệ nhân, nghệ sĩ có nhiều đóng góp vào sự phát triển của nền văn hóa, văn nghệ nước nhà.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay, đội ngũ cán bộ văn hóa không ngừng được mở ra những cơ hội trao đổi, chia sẻ, nắm bắt thông tin; đồng thời tích cực học tập kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của thế giới trong quản lý, tổ chức đời sống văn hóa cộng đồng; góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn, chất lượng hơn trọng trách, sứ mệnh được giao phó.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi thì đội ngũ cán bộ văn hóa cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan, như:

Một là, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về văn hóa chưa thực sự đầy đủ, toàn diện, thậm chí xem nhẹ lĩnh vực văn hóa nên việc bố trí, cất nhắc cán bộ có tâm, có tầm, có năng lực cho các cơ quan, đơn vị văn hóa còn nhiều bất cập. Vẫn còn tình trạng bố trí, cất nhắc cán bộ làm văn hóa những lại không được đào tạo bài bản, không có kinh nghiệm về quản lý văn hóa, thậm chí yếu về năng lực, chuyên môn, không đảm nhiệm được công việc ở các bộ phận, đơn vị khác thì được điều chuyển về làm công tác văn hóa.

Vẫn còn tư duy coi công tác văn hóa là hoạt động phong trào, “hô hào khẩu hiệu”, “cờ đèn kèn trống”, ai cũng có thể làm được. Điều này khiến cho công tác quản lý, lãnh đạo, tổ chức đời sống văn hóa ở cơ sở còn gặp không ít khó khăn, bất cập; cán bộ văn hóa lúng túng trong xử lý tình huống nảy sinh.

Hai là, mặc dù trong những năm qua, cán bộ văn hóa có sự gia tăng về số lượng nhưng mặt bằng về chất lượng vẫn còn “nhiều điều phải bàn”; cơ cấu cán bộ giữa các vùng miền còn có sự chênh lệch, đặc biệt ở cấp cơ sở - nơi trực tiếp gần dân, gắn liền với đời sống văn hóa sinh động, phong phú của nhân dân. Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, đội ngũ cán bộ văn hóa còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực, trình độ. Do những yếu tố đặc thù của điều kiện tự nhiên, vùng miền, tộc người nên việc đào tạo, tuyển dụng cán bộ nói chung và cán bộ văn hóa nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc đào tạo cán bộ văn hóa là người dân tộc thiểu số.

Ba là, vẫn còn không ít bất cập, mâu thuẫn chưa thể giải quyết được trong “một sớm một chiều”, xuất phát từ những thực tế như: trình độ học vấn của đa số con em đồng bào còn thấp; nhiều học sinh, sinh viên được cử đi đào tạo, tập huấn nhưng không muốn quay về phục vụ địa phương; một số người có kinh nghiệm, uy tín trong cộng đồng, tâm huyết với sự nghiệp văn hóa, nhưng “vướng rào cản” về bằng cấp, chứng chỉ, ngoại ngữ nên khó được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, những chính sách về tiền lương, đãi ngộ, điều kiện, môi trường làm việc ở nhiều nơi còn thấp so với mức tăng trưởng của nền kinh tế và giá cả thị trường, nên cuộc sống của nhiều cán bộ văn hóa còn gặp nhiều khó khăn. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn khi cán bộ chưa thể “tận tâm tận lực” với công việc được giao.

Bốn là, trong bối cảnh giao lưu, hội nhập toàn cầu, vẫn còn một bộ phận cán bộ văn hóa, trong đó có cán bộ trẻ chậm thích ứng, chậm đổi mới, hạn chế về năng lực ngoại ngữ, tin học; chưa khắc phục được lối làm việc máy móc, rập khuôn, mệnh lệnh hành chính... Đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc trao đổi, hợp tác văn hóa giữa các vùng miền, với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới thiếu tính hiệu quả.

3. Để khắc phục những những bất cập, hạn chế trong phát triển nguồn nhân lực văn hóa, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển văn hóa, trong đó đều nhấn mạnh đến một trong những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản là phải tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ làm văn hóa đủ về số lượng; đảm bảo cơ cấu vùng miền, lứa tuổi, trình độ; có phẩm chất, năng lực chuyên môn, am hiểu lĩnh vực công tác, xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (2014) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” xác định: Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở cơ sở. Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; trọng dụng người có tài, có đức. Điều chỉnh chế độ tiền lương, trợ cấp đối với những người hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật đặc thù.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nêu lên nhiệm vụ đối với ngành văn hóa: “Rà soát toàn bộ hệ thống các trường đào tạo cán bộ văn hóa, văn nghệ, đổi mới và hiện đại hóa quy trình, nội dung, phương thức đào tạo để trong 5-10 năm tới khắc phục về cơ bản sự thiếu hụt về đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa”(4).

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển văn hóa và quá trình phát triển đất nước, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp cơ bản như:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của văn hóa nói chung và cán bộ làm văn hóa nói riêng. Đây là một trong những lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, tinh tế, liên quan đến nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực của sự phát triển; liên quan trực tiếp đến đời sống tư tưởng, tình cảm và lối sống của cá nhân, cộng đồng; có ảnh hưởng tới kho tàng tri thức, kinh nghiệm, di sản văn hóa phong phú, độc đáo, đa dạng của mỗi cộng đồng, tộc người. Đây cũng là lĩnh vực đòi hỏi luôn có sự đổi mới, sáng tạo để văn hóa không ngừng được nảy sinh, kiến tạo. Vì thế, lựa chọn đội ngũ cán bộ văn hóa có tâm, có tầm, có phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín là tiền đề quan trọng để lãnh đạo, quản lý có chất lượng, hiệu quả lĩnh vực văn hóa. Qua đó tạo những bước đột phá, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam.

Thứ hai, trong tình hình mới đòi hỏi mỗi cán bộ văn hóa phải không ngừng tự trau dồi, nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn; phải luôn nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, xung kích đi đầu trong mọi nhiệm vụ, phong trào.Tùy thuộc vào điều kiện vùng miền, địa phương, cán bộ văn hóa cần có phương thức ứng xử linh hoạt, phù hợp với thuần phong mỹ tục và phong tục tập quán của đồng bào; nắm vững tình hình thực tiễn với phương châm gần dân, trọng dân, hiểu dân, quý dân, lắng nghe dân, dựa vào nhân dân để cùng nhân dân quản lý tốt đời sống văn hóa. Huy động sự tham gia của các nghệ nhân dân gian, già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia quản lý, tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa, đảm bảo tốt nhất quyền công dân trong sáng tạo, thực hành và thụ hưởng thành quả văn hóa.

Mô hình CLB văn hóa dân tộc Mường tại xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ với nòng cốt là các hội viên người dân tộc bản địa - chủ thể văn hóa nắm giữ những vốn văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường như điệu hát, lời ru, điệu múa, hát giao duyên... sẽ là đội ngũ trao truyền đắc lực cho thế hệ trẻ gìn giữ và nối dài những vốn quý trong kho tàng văn hóa truyền thống, phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa

Mô hình CLB văn hóa dân tộc Mường tại xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ với nòng cốt là các hội viên người dân tộc bản địa - chủ thể văn hóa nắm giữ những vốn văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường như điệu hát, lời ru, điệu múa, hát giao duyên... sẽ là đội ngũ trao truyền đắc lực cho thế hệ trẻ gìn giữ và nối dài những vốn quý trong kho tàng văn hóa truyền thống, phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa


Thứ ba, khẩn trương xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và đổi mới nội dung chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng chuyên ngành văn hóa ở các cơ sở đào tạo. Có cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút sinh viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số vào học trong các cơ sở đào tạo về văn hóa nghệ thuật. Đổi mới chính sách trọng dụng cán bộ văn hóa công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với cán bộ trực tiếp tham gia sáng tác, trình diễn và thực hành văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là trong thực hành, truyền dạy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; tài năng nghệ thuật trẻ trong những ngành nghề đặc thù... cần có cơ chế mở, linh hoạt về tuyển dụng, chế độ tiền lương, điều kiện làm việc để họ phát huy tốt nhất tài năng, sức sáng tạo, cống hiến vào sự phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Thứ tư, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với không ngừng củng cố trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ văn hóa phải tự “bồi đắp” nâng cao tri thức, kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ. Cán bộ văn hóa công tác tại vùng dân tộc thiểu số phải am hiểu ngôn ngữ của đồng bào, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để người dân dễ dàng tiếp cận với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Thứ năm, tiếp tục triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực văn hóa, thể thao, du lịch của Chính phủ; các đề án của ngành văn hóa; nâng cao chất lượng tham mưu cấp ủy, chính quyền trong hoạch định đường lối, chính sách phát triển văn hóa kịp thời, hiệu quả để thúc đẩy sự nghiệp văn hóa ngày càng phát triển.

Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực của sự phát triển mà nguồn vốn văn hóa truyền thống và những giá trị tiếp biến hiện tại đang là tài nguyên vô giá, là sức mạnh nội sinh, “sức mạnh mềm”, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển bền vững đất nước. Quan tâm, nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất của đội ngũ cán bộ văn hóa là một trong những tiền đề “then chốt” để tạo dựng nền tảng tinh thần lành mạnh, nhân văn, cùng với các ngành, lĩnh vực khác sớm hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường./.

 

TS. NGUYỄN HUY PHÒNG

_________________________

(1) (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr. 146,147

(2) Quyết định số 1213/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

(3) Quyết định số 3067/QĐ-BVHTTDL ngày 29/9/2011 của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL về Quy hoạch phát triển nhân lực nhóm ngành văn hóa, thể thao giai đoạn 2011-2020”.

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất