Trong lịch sử thế giới hiện đại, Hồ Chí
Minh là vị lãnh tụ cách mạng và nhà tư tưởng quan tâm hàng đầu đến vấn
đề đạo đức. Suốt đời mình, Người kiên trì giáo dục đạo đức cho cán bộ,
đảng viên. Người là tấm gương trọn vẹn của đạo đức mới: Suốt đời phấn
đấu hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh là suốt đời đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc và hạnh phúc cho đồng bào. Xuất phát từ nhận thức “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Hồ Chí Minh từ khi bước vào hoạt động cách mạng đã biết sử dụng báo chí như một vũ khí sắc bén để cổ vũ và động viên phong trào cách mạng của nhân dân. Trong cuộc đời mình, Hồ Chí Minh đã để lại một di sản vô cùng đồ sộ với hơn 2.000 bài báo, 500 truyện, ký và 300 bài thơ, được ký bằng 174 tên gọi, bí danh và bút danh khác nhau.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, Hồ Chí Minh đã nêu lên bài học đầu tiên cho người làm báo là phải quan hệ mật thiết với quần chúng. Nhằm vào quần chúng thì người làm báo phải tự xác định cho mình đây là hành động cách mạng, vì lý tưởng cách mạng chứ không phải là hứng thú cá nhân hay mưu toan lợi ích riêng tư. Người làm báo phải lấy nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân làm nhiệm vụ chính của báo chí, để chỉ đạo suy nghĩ, điều khiển ngòi bút…
Phẩm chất đạo đức của người làm báo cách mạng không gì khác hơn là sự tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, chiến đấu cho sự thắng lợi của chân lý cách mạng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Sâu sát thực tế, sâu sát quần chúng, nói lên sự thật, đó là phong cách làm báo của nhà báo Hồ Chí Minh. Bác đem kinh nghiệm làm báo của mình để tâm sự với các nhà báo. Trường học làm báo của Bác là trường đời, cho nên Người luôn khuyên các nhà báo phải học: “Học trong xã hội, học nơi công tác, học thực tế, học ở quần chúng”.
Khi nói đến hoạt động báo chí, Bác Hồ quan tâm đặc biệt đến tư cách người làm báo. Người coi một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền. Người đòi hỏi người làm báo khi nói đến cần, kiệm, liêm, chính thì trước hết mình phải cần, kiệm, liêm, chính và đặc biệt khi cầm bút phải phản ánh trung thực, khách quan.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ báo chí cách mạng phải coi trọng việc phê bình và tự phê bình. Đây là quy luật phát triển của báo chí cách mạng. Nếu báo chí thực hiện đúng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phê bình và tự phê bình thì có thể hạn chế, ngăn ngừa, khắc phục được những khuyết điểm của mình.
Báo chí ra đời và phát triển là nhu cầu khách quan của xã hội về thông tin và giao tiếp, dựa trên những điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, công nghệ. Đó là những tiền đề có ý nghĩa về vật chất cho sự ra đời và phát triển của báo chí. Song nhân tố giữ vai trò quyết định đến sự tồn tại, phát triển của báo chí là những người làm báo.
Suy cho cùng quan niệm về đạo đức nghề báo cũng vẫn dựa trên đạo đức xã hội nói chung để phân biệt tốt-xấu, thiện-ác. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi những người làm báo càng phải coi trọng ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Học tập, kế thừa tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, noi theo tấm gương đạo đức của Người, phần lớn cán bộ đảng viên, trong đó có các nhà báo đã lấy việc trau dồi đạo đức cách mạng, thực hiện đấu tranh phê bình và tự phê bình làm tiêu chí phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày.
Trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, báo chí và nhà báo đang đứng trước những thách thức mới. Trước những cái xấu, cái sai trong xã hội, báo chí phải đấu tranh một cách trung thực, chân thành. Các nhà báo cũng phải thực sự có dũng khí để vượt qua chính mình, vượt qua mọi cám dỗ đời thường để không bị “bẻ cong” ngòi bút. Thực tế cho thấy, bên cạnh các nhà báo tâm huyết và cách mạng, thời gian qua cũng đã xuất hiện một số nhà báo bị sa ngã, thoái hóa, làm tổn hại đến uy tín của giới báo chí Việt Nam.
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có tính thuyết phục sâu sắc, sớm đi vào đời sống, được nhân dân tiếp nhận và trở thành một bộ phận của văn hóa dân tộc, thành vũ khí của nhân dân trong cuộc đấu tranh chống lại các hiện tượng tha hóa về đạo đức của xã hội như: Quan liêu, hách dịch, tham nhũng, cửa quyền, đặc quyền, đặc lợi… Kế thừa di sản tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cũng tức là lĩnh hội từ đó cái tâm, cái đức của người làm báo. Từ cái tâm, cái đức của người làm báo sẽ định hướng cho việc học hỏi suốt đời, cho tính trung thực, dũng cảm của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa-tư tưởng của Đảng. Việc mỗi nhà báo thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, học tập những quan điểm, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là thiết thực góp phần trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và không ngừng tự hoàn thiện nhân cách của mình.
TS NGUYỄN ĐỨC HẠNH
(Viện Nghiên cứu Báo chí-Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Nguồn: QĐND