Những năm gần đây, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp luôn là một trong những vấn đề được Bộ GD&ĐT quan tâm.
Năm học 2018-2019, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên (bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên ). Hà Nội, Quảng Ngãi và một số địa phương đã triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GDĐT về rà soát đội ngũ và vấn đề thừa, thiếu, hợp đồng giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu đội ngũ ngành giáo dục. Hệ thống cơ sở dữ liệu đã giúp công tác quản lý đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên hiệu quả hơn; giúp cho cơ quan quản lý giáo dục các cấp chủ động hoạch định các chính sách cho đội ngũ cũng như công tác chuẩn bị về số lượng, chất lượng đội ngũ.
Công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên chuẩn bị cho triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được Bộ GD&ĐT và các địa phương tích cực triển khai. Công tác bồi dưỡng thường xuyên, chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non, phổ thông được thực hiện nghiêm túc.
Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/01/2019 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030 (Đề án 89).
Đồng thời, Bộ đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án 89 từ nay đến 2020 bảo đảm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Ban hành Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT ngày 18/01/2019 về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ trong nhà trường. Đến nay qua kiểm tra, hầu hết các địa phương đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Chỉ thị; nhiều địa phương, cơ sở giáo dục tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng hồ sơ điện tử thay cho hồ sơ, sổ sách giấy.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố đã tăng cường chỉ đạo, khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo; tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống các vi phạm về đạo đức nhà giáo; thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp; không bố trí đứng lớp các giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, một số địa phương vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, nhiều tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non, phổ thông theo định biên quy định. Một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục khá cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số (hằng năm cắt giảm theo lộ trình để đến năm 2021 giảm 10%), do vậy không có biên chế để tuyển mới, dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non. Số lượng, chất lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp; năng lực phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại và kinh nghiệm thực tiễn của một số giảng viên còn hạn chế.
Chế độ chính sách đối với nhà giáo chưa tương xứng với loại hình lao động mang tính đặc thù cao trong xã hội. Việc nhà giáo được điều động về các cơ quan quản lý giáo dục không được tiếp tục hưởng phụ cấp ưu đãi khiến việc điều động gặp khó khăn. Chính sách tiền lương đối với đội ngũ, đặc biệt đối với giáo viên mầm non hiện tại không còn phù hợp.
Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 Sở GD&ĐT và các Phòng GD&ĐT trên toàn quốc nhằm triển khai nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đến các giám đốc, phó giám đốc Sở GD&ĐT và các trưởng, phó trưởng phòng GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng các thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh giám đốc, phó giám đốc sở và trưởng phòng, phó trưởng phòng GD&ĐT giúp các địa phương quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm các chức danh này để đáp ứng việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; đang xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho giám đốc, phó giám đốc sở, trưởng phòng, phó trưởng phòng GD&ĐT (và các đối tượng trong nguồn quy hoạch bổ nhiệm các chức danh này).
Các Sở GD&ĐT đã triển khai thực hiện Thông tư quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; tăng cường bồi dưỡng một số năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục đang còn thiếu hoặc yếu; triển khai các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về tài chính, chỉ đạo các hoạt động dạy và học, công tác xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn cho hiệu trưởng các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông .
Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai các chính sách thông qua các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo của ngành có nơi, có lúc chưa thật tốt nên đã có các vụ việc xảy ra như vi phạm đạo đức nhà giáo, tuyển dụng sử dụng đội ngũ chưa đúng quy định...
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 7/5/2018 về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, giảng viên gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên, giảng viên đối với các cấp học và trình độ đào tạo, các chuẩn được ban hành, phù hợp với việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại một cách hợp lý hệ thống, quy mô trường, lớp.
Thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế trong ngành giáo dục; đồng thời thực hiện các giải pháp bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu giáo viên các cấp học theo quy định. Thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trên toàn quốc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ cho giáo viên đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên.
Thực hiện tốt các chính sách phát triển đội ngũ, tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập theo thẩm quyền; nâng cao chất lượng công tác đánh giá giáo viên gắn với thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao đời sống, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo chuyên tâm với nghề.
Các Sở GD&ĐT cần ban hành và triển khai các chương trình bồi dưỡng thường xuyên đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn./.
Theo chinhphu.vn