Thứ Hai, 9/12/2024
Nghiên cứu
Thứ Tư, 16/2/2022 8:0'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng

Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng theo Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Hội nghị được kết nối trực tuyến giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với 63 tỉnh, thành trong cả nước, các học viện khu vực và các trường chính trị tỉnh, thành phố.

Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng theo Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Hội nghị được kết nối trực tuyến giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với 63 tỉnh, thành trong cả nước, các học viện khu vực và các trường chính trị tỉnh, thành phố.

Trong nhiều năm qua, công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đã được đẩy mạnh và triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước; đặc biệt là sự chống phá của các thù địch âm mưu phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thì việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng là vấn đề cấp thiết nhằm làm rõ các chặng đường lịch sử và hoạt động đấu tranh của Đảng, tổng kết thực tiễn lịch sử cách mạng của dân tộc, làm sáng tỏ những bài học, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam. 

NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT


Về công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng

 Với trọng trách cao cả và trách nhiệm lớn lao của những người “phụ trách với cả quá khứ, hiện tại và tương lai, phụ trách trước Đảng và nhân dân” - như lời đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương đã chỉ dẫn, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (trước đây), nay là Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tập trung nghiên cứu, biên soạn các công trình Lịch sử toàn Đảng, như: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 1920 – 1954 (sơ thảo), xuất bản năm 1982; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 1930 – 1954, xuất bản năm 2019; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 1954 – 1975, xuất bản năm 1995; bổ sung, chỉnh sửa và nâng cao chất lượng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập II (1954 – 1975) tập III (1975 – 2010) và Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (7 tập), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Sự Thật, xuất bản cuối tháng 1-2021. Bên cạnh đó, nhiều cuốn sách lịch sử Đảng hoặc biên niên sự kiện lịch sử Đảng về các Liên khu, Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam, về cách mạng dân tộc dân chủ, cách mạng xã hội chủ nghĩa… do các Viện nghiên cứu và khoa lịch sử Đảng của các Học viện, nhà trường nghiên cứu, biên soạn, góp phần dựng lại bức tranh sinh động, phong phú, toàn diện về lịch sử toàn Đảng.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo biên soạn chủ trì Hội thảo cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập 3 (2001-2020). Ảnh: T.L

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo biên soạn chủ trì Hội thảo cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập 3 (2001-2020). Ảnh: T.L

Cùng với các công trình lịch sử toàn Đảng, còn có hàng trăm công trình Lịch sử Đảng bộ tỉnh, thành phố, lịch sử các ban, bộ, ngành, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương; hàng nghìn công trình Lịch sử Đảng bộ huyện, quận, thị, thành phố, lịch sử các ban, ngành đoàn thể địa phương; hàng chục nghìn công trình Lịch sử Đảng bộ, lịch sử đấu tranh cách mạng của các xã, phường, thị trấn trên cả nước. Các công trình nghiên cứu đã đảm bảo tính đảng, tính khoa học và tính thống nhất, tạo thành chỉnh thể giữa Lịch sử Đảng và Lịch sử dân tộc, giữa Lịch sử toàn Đảng và lịch sử các đảng bộ địa phương, ban, bộ, ngành, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Thông qua việc nghiên cứu lịch sử toàn Đảng và lịch sử các Đảng bộ địa phương cũng như lịch sử các ban, bộ, ngành, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội, góp phần tái hiện chân thực, sinh động, khách quan, toàn diện lịch sử ra đời và những hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; nêu bật tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; qua đó, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn cũng như sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Với tri thức lịch sử đúng đắn, khách quan, các công trình Lịch sử Đảng đã góp phần vào công tác tư tưởng của Đảng, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc lịch sử, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Khai mạc cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam tại trường đại học Tôn Đức Thắng vào sáng 24/11/2019

Khai mạc cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam tại trường đại học Tôn Đức Thắng (sáng 24/11/2019)

 Về công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng

Đi đôi với việc chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, bộ, ngành, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng với nhiều hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng. Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo các tỉnh ủy, thành ủy tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Đảng bộ địa phương... thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia. Nhiều địa phương, đơn vị tổ chức tọa đàm, gặp mặt các nhân chứng lịch sử, ôn lại quá khứ hào hùng của Đảng và dân tộc Việt Nam, tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhiều hội thảo, tọa đàm đã được các cơ quan chuyên môn ở Trung ương, địa phương và ban, bộ, ngành phối hợp tổ chức. Tiêu biểu là các cuộc hội thảo khoa học quốc gia: Hội thảo kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; Kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ;; Kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Kỷ niệm năm chẵn ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Kỷ niệm năm chẵn ngày sinh của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Thông qua đó, nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử đã được làm sáng tỏ bằng những luận cứ khoa học, những tư liệu mới, trên cơ sở nhận thức mới; góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

 Hệ thống các phương tiện truyền thông từ Trung ương đến cơ sở đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng vào bồi dưỡng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Công tác giáo dục Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua việc giảng dạy Lịch sử Đảng đã đạt được những kết quả tích cực. Là môn học trong chương trình đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, công tác giảng dạy Lịch sử Đảng đã tham gia các hệ đào tạo khác nhau, như: Cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị; đào tạo sau Đại học… Theo thống kê chưa đầy đủ của Vụ Quản lý đào tạo, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, từ năm 1999 -2019, Học viện đã giảng dạy - đào tạo trên 125.500 cán bộ có trình độ cao cấp lý luận chính trị và cử nhân chính trị. Nhiều tỉnh, thành phố đã biên soạn, xuất bản tài liệu lịch sử truyền thống cách mạng địa phương, đưa vào giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị, các trường đại học, cao đẳng và hệ thống trường phổ thông. 

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bộ đội về Đại hội Đảng các cấp. Ảnh: baoquankhu4.com.vn

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bộ đội về Đại hội Đảng các cấp. Ảnh: baoquankhu4.com.vn

Bên cạnh đó, công tác giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, tổ chức Đoàn các cấp triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng với các hoạt động như: Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm, mít tinh kỷ niệm, nghe nói chuyện về truyền thống lịch sử nhân các ngày lễ lớn của đất nước và của tổ chức Đoàn, Đội…Các cấp bộ Đoàn trên phạm vi toàn quốc đã triển khai nhiều đợt sinh hoạt chính trị, các chương trình, cuộc vận động như “Tiếp lửa truyền thống”, “Tôi yêu Tổ quốc tôi”. Các hoạt động giáo dục lịch sử đã phát huy truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, bồi đắp tinh thần tự hào dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nhiều đợt sinh hoạt truyền thống, cuộc thi, chương trình được tổ chức hiệu quả, có sức lan tỏa.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước về nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng vẫn còn một số hạn chế; chất lượng, hiệu quả chưa cao.Số công trình nghiên cứu khoa học Lịch sử Đảng còn ít. Một số công trình khoa học nghiên cứa về Lịch sử Đảng đã xuất bản chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện vai trò lãnh đạo của Trung ương Đảng cũng như các cấp ủy đảng địa phương; nhiều vấn đề tồn đọng trong Lịch sử Đảng chưa được nghiên cứu thỏa đáng, nhiều vấn đề lý luận mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam chưa được làm sáng tỏ. Bên cạnh đó, do tác động của cơ chế thị trường, việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản Lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống cách mạng rơi vào tình trạng thương mại hóa.

Tài liệu học tập, tuyên truyền; phương pháp giảng dạy, giới thiệu về lịch sử cho các tầng lớp nhân dân chưa đáp ứng tốt, tính hấp dẫn chưa cao trong khi môi trường giáo dục đang chịu sự tác động, chi phối của mặt trái cơ chế thị trường, của công nghệ thông tin, mạng xã hội và hội nhập quốc tế. Vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; dẫn đến tình trạng một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Việc giảng dạy của giảng viên và học tập của học viên, sinh viên, học sinh đối với môn Lịch sử Đảng và môn Tư tưởng Hồ Chí Minh còn nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, chưa tạo được sự yêu thích, hứng thú cho học viên, sinh viên, học sinh.

Hội thi tìm hiểu cội nguồn dân tộc Việt Nam huyện Tân Châu (An Giang)

Hội thi tìm hiểu cội nguồn dân tộc Việt Nam huyện Tân Châu (An Giang)

Nội dung, hình thức, phương tiện thông tin, tuyên truyền, các hình thức giáo dục lịch sử Đảng hiệu quả chưa cao. Việc tổ chức các phong trào hành động cách mạng, các chương trình ngoại khóa còn nặng về hình thức, tính bền vững và chất lượng của một số phong trào hành động chưa cao. Đề cập đến những hạn chế trong công tác định hướng chính trị, tính chiến đấu, nêu gương, giáo dục đạo đức, truyền thống cách mạng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (2006) chỉ rõ: “Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng còn nhiều hạn chế, thiếu sót; tính định hướng, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả chưa cao; thiếu chủ động và sắc bén trong đấu tranh chống âm mưu ”diễn biến hòa bình”...; công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống còn chung chung, kém hiệu quả” (1).

Công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, khơi dậy và phát huy lịch sử hào hùng, những trang sử vẻ vang của Đảng và dân tộc; tăng cường lòng tự tôn, tự hào và tự cường dân tộc; đúc kết những bài học kinh nghiệm, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU, TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC LỊCH SỬ ĐẢNG

Bước vào giai đoạn cách mạng mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chủ trương khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh của nền văn hóa dân tộc và con người Việt Nam nhằm phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Thực hiện chủ trương đó, nghiên cứu đầy đủ và sâu sắc lịch sử Đảng là nhiệm vụ rất quan trọng. Nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, trong thời gian tới, các ban, bộ, ngành Trung ương và các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Thứ nhất, quán triệt sâu rộng hơn nữa Chỉ thị số 20- CT/TW ngày 18-01-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” đến các cấp ủy đảng và toàn bộ hệ thống chính trị. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc tinh thần của Chỉ thị “Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng và toàn xã hội, trước hết là của người đứng đầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp về vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới”. Các cấp ủy đảng và các tổ chức đảng cần xác định rõ, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị - tư tưởng. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng trong thời kỳ mới.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng đối với công tác lịch sử Đảng. Thường trực cấp ủy các cấp phải quan tâm sát sao hơn nữa trong chỉ đạo công tác lịch sử Đảng nhằm tạo ra sự chuyển biến về chất đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Ban Tuyên giáo các cấp cần đổi mới tư duy, đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn và hàng năm để tham mưu hiệu quả cho các cấp ủy Đảng về công tác lịch sử Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới và phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước và địa phương.

Thứ ba, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa công tác sưu tầm, khai thác tư liệu và công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, đảm bảo tính khách quan, khoa học và tính Đảng; đồng thời, đổi mới nội dung, phương pháp nghiên cứu lịch sử Đảng trên cơ sở áp dụng hiệu quả các phương pháp nghiên cứu hiện đại, liên ngành đi đôi với việc phát triển và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử dân tộc, lịch sử quân sự vào thực tiễn. Cùng với việc hoàn thành nghiên cứu lịch sử chung toàn Đảng và lịch sử các Đảng bộ địa phương, Viện lịch sử Đảng và Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố cần tập trung nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các văn kiện Đảng và biên niên sự kiện lịch sử Đảng và các Đảng bộ địa phương nhằm hoàn thiện tổng thể các công trình lịch sử Đảng.

Thứ tư, chú trọng công tác sưu tầm, lưu trữ tư liệu, đặc biệt là tư liệu lịch sử Đảng ở nước ngoài và tư liệu qua phỏng vấn các nhân chứng lịch sử. Trong thời gian tới, Viện Lịch sử Đảng và Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng Đề án số hóa các tư liệu lịch sử Đảng và Đề án sưu tầm tư liệu qua phỏng vấn các nhân chứng lịch sử trình Thường trực các Tỉnh ủy, Thành ủy phê duyệt để triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Thứ năm, nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo tính Đảng và tính khoa học của các công trình lịch sử, các cấp ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy trình, quy định về nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, xuất bản lịch sử Đảng bộ các cấp, lịch sử các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo các cấp phải quản lý chặt chẽ việc nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng, tránh tình trạng thương mại hóa.

Học sinh Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh, Cần Thơ tại buổi tuyên truyền “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Ảnh: CTV

Học sinh Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh, Cần Thơ tại buổi tuyên truyền “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Thứ sáu, các cấp ủy tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương nhằm giáo dục truyền thống, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng với những hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng thông qua việc “đưa nội dung Lịch sử Đảng lồng ghép vào nội dung giáo dục Lịch sử dân tộc, giáo dục công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân”; các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương trong các cấp học để phát huy tác dụng của các công trình lịch sử Đảng; góp phần xây dựng, củng cố niềm tin, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, thông qua kết quả nghiên cứu Lịch sử Đảng, kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đi đôi với phản bác kịp thời, có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch; kiên quyết và kiên trì đấu tranh với các quan điểm sai trái, những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phủ định sự thật lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng; vạch trần thủ đoạn thổi phồng những sơ hở, yếu kém của Đảng, Nhà nước ta trong công tác xây dựng Đảng, trong quản lý kinh tế - xã hội nhằm kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Thứ bảy, các cơ quan truyền thông đại chúng và các cấp, các ngành cần xây dựng chương trình giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng gắn liền với giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng cho thế hệ trẻ.

Các cơ quan truyền thông mở các chuyên trang, chuyên mục, diễn đàn: “Tìm hiểu lịch sử cách mạng”, “phổ biến kiến thức lịch sử Đảng”, “câu chuyện lịch sử cách mạng”, “tìm hiểu nhân vật lịch sử Đảng”… với nhiều hình thức chuyển tải đa dạng, phong phú, tích hợp công nghệ để thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử Đảng. Qua đó cũng góp phần đấu tranh với những thông tin xuyên tạc lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng.

Cầu truyền hình “Ngày đoàn viên - Theo dấu chân lịch sử” với 05 điểm cầu do Thành đoàn Hà Nội tổ chức

Cầu truyền hình “Ngày đoàn viên - Theo dấu chân lịch sử” với 05 điểm cầu do Thành đoàn Hà Nội tổ chức

Ngành văn hóa, văn học - nghệ thuật, cần đi sâu khai thác đề tài lịch sử cách mạng, đặc biệt là những trang sử hào hùng của dân tộc và những tấm gương của các chiến sĩ cộng sản - những người con ưu tú của dân tộc đã cống hiến, hy sinh vì tự do, độc lập của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân nhằm bồi đắp thế giới quan, nhân sinh quan cho thế hệ trẻ, giúp họ nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm đối với đất nước, hình thành suy nghĩ, hành động vì cộng đồng.

PGS, TS Nguyễn Danh Tiên

Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh

 

_________________________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr.269.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất