Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 12/5/2017 20:37'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng truyền thông về giảm nghèo trên báo chí

Bà Chu Thị Hạnh (đứng), Phó Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, đánh giá về công tác giảm nghèo

Bà Chu Thị Hạnh (đứng), Phó Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, đánh giá về công tác giảm nghèo

Trong hai ngày 11 và 12/5, tại Bến Tre, 80 phóng viên, biên tập viên của 40 cơ quan báo chí ở khu vực phía Nam đã tham dự hội thảo Nâng cao chất lượng truyền thông về giảm nghèo trên báo chí. Hội thảo do Tạp chí Lao động và Xã hội, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo phối hợp tổ chức. 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam Nguyễn Bé cho biết, hội thảo nhằm mục đích chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo giữa các cơ quan báo chí, cũng như đề ra các giải pháp đẩy mạnh truyền thông về giảm nghèo bền vững trên báo chí trong thời gian tới. 

11 tham luận của các nhà báo, ngành chuyên môn, nhà quản lý trình bày tại hội thảo đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí trong công tác truyền thông về giảm nghèo bền vững thời gian qua. Tiến sĩ Trần Ngọc Diễn, Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội cho rằng, các cơ quan báo chí đã làm tốt vai trò định hướng dư luận, thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo một cách thường xuyên, liên tục với mật độ tương đối lớn ở hầu hết các loại hình báo chí. Báo chí đã phản ánh kịp thời, chính xác những vần đề liên quan đến công tác giảm nghèo như: Thực trạng, nguyên nhân nghèo đói và giải pháp; các quy định pháp luật về thực thi pháp luật về giảm nghèo; phản ánh tình hình thực tế cuộc sống của người nghèo, cộng đồng nghèo, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; vận động đồng bào áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Cùng với đó, báo chí cũng đã phản ánh những vướng mắc, bất cập của cơ chế chính sách; các vấn đề bức xúc của xã hội liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo, đồng thời đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ sự bất cập, khó khăn trong lĩnh vực này. 

Tiến sĩ Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt vai trò và chức năng giám sát, phản biện chính sách thông qua báo chí. Từ việc xây dựng chính sách, báo chí đã lấy ý kiến người dân, chuyên gia, doanh nghiệp…, đóng góp ý kiến, hiến kế cũng như phản biện trước khi hoàn thiện các văn bản chính sách. Trên thực tế nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách giảm nghèo, đã được người dân đóng góp ý kiến phản biện rộng rãi, tích cực. Nhiều chính sách đi vào thực thi có những bất cập cũng được nhân dân phản biện thông qua báo chí, đã được điều chỉnh kịp thời. 

Đề cập đến các giải pháp nâng cao chất lượng truyền thông về giảm nghèo trên báo chí, các đại biểu đề nghị các cơ quan báo chí, ngành chức năng cần triển khai đồng bộ các giải pháp trong thời gian tới như: Nhà nước cần ban hành cơ chế phối hợp và quy chế phối hợp giữa các cơ quan ban hành chính sách với các cơ quan báo chí, trong việc truyền thông chính sách; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, tạo sự đồng thuận trong xã hội và cả hệ thống chính trị. 

Các cơ quan báo chí cần quan tâm nhiều hơn đối với công tác tuyên truyền về giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều một cách đồng bộ, có trọng tâm, đa dạng về phương thức, phù hợp với từng nhóm đối đối tượng, vùng miền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở vùng khó khăn. Đồng thời, đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền trên cơ sở bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Báo chí cần chú trọng tuyên truyền những gương điển hình vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng từ cơ sở; cổ vũ các mô hình, kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả trong hoạt động giảm nghèo ở cơ sở./.

Công Trí/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất