Theo quy định của
Luật Báo chí năm 2016, việc bổ nhiệm cấp phó của người đứng đầu cơ quan
báo chí, cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí không cần phải có sự thống
nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thanh (TP. Hà Nội) có tham khảo Luật Báo chí năm
2016 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017) thì tại Điều 15 có ghi:
“Quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí: Bổ nhiệm người đứng
đầu cơ quan báo chí sau khi có sự thống nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ
Thông tin và Truyền thông”.
Trước đây Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày
26/4/2002 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Báo chí có ghi: “Cơ
quan chủ quản báo chí bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Biên tập, Phó
Tổng biên tập (báo in, báo điện tử), Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc,
Giám đốc, Phó Giám đốc (đài phát thanh, đài truyền hình, cơ sở nghe,
nhìn thời sự) sau khi có sự thống nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ Văn
hóa - Thông tin”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thanh hỏi, từ ngày 1/1/2017 thực hiện theo Luật Báo
chí mới, việc bổ nhiệm cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí (Phó
Tổng biên tập, Phó Giám đốc Đài phát thanh và truyền hình tỉnh), cơ quan
chủ quản có phải xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông không?
Về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền Thông trả lời như sau:
Liên quan về vấn đề bổ nhiệm lãnh đạo cơ
quan báo chí, trước đây, được thực hiện căn cứ trên các văn bản quy
phạm pháp luật sau đây:
- Luật Báo chí ngày 28/12/1989; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12/6/1999;
- Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí;
- Quyết định số 75-QĐ/TW ngày 21/8/2007
của Ban Bí thư ban hành Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ
luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí;
- Quyết định số 155-QĐ/TW ngày 23/4/2008
của Ban Bí thư ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo
Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn Hội
Nhà báo Việt Nam và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo,
quản lý báo chí.
Sau khi Luật Báo chí năm 2016 có hiệu
lực kể từ ngày 1/1/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với
Ban Tuyên giáo Trung ương rà soát tổng thể các văn bản có liên quan đến
công tác chỉ đạo, quản lý báo chí hiện hành, trên cơ sở đó đề xuất sửa
đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định, chế tài cần thiết nhằm đảm bảo
sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản chỉ đạo của Đảng và văn bản quản
lý Nhà nước trong công tác báo chí.
Điểm b Khoản 2 Điều 15 Luật Báo chí năm
2016 chỉ quy định: “Bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí sau khi có
sự thống nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Định nghĩa về “người đứng đầu”, Khoản 1 Điều 23 Luật Báo chí năm 2016
quy định: “Người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng biên tập (đối với báo
in, báo điện tử), là Tổng giám đốc hoặc giám đốc (đối với báo nói, báo
hình)”. Trong Luật Báo chí năm 2016 không có quy định về việc bổ nhiệm
cấp phó của người đứng đầu.
Như vậy, theo quy định của Luật Báo chí
năm 2016, đối với việc bổ nhiệm cấp phó của người đứng đầu, cơ quan chủ
quản của cơ quan báo chí không cần phải có sự thống nhất ý kiến bằng văn
bản của Bộ Thông tin và Truyền thông./.
Theo chinhphu.vn