Thứ Ba, 1/10/2024
Pháp luật
Thứ Năm, 4/9/2008 14:19'(GMT+7)

Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đồng bào dân tộc Chăm ở An Giang

Múa quạt trong lễ hội của người Chăm

Múa quạt trong lễ hội của người Chăm

Vừa qua, Chương trình 135 đã đầu tư 39,5 tỷ đồng cho vùng đồng bào Chăm. Đến nay cơ sở hạ tầng đã được cải thiện rõ rệt: cầu đường giao thông nông thôn được nâng cấp, láng nhựa: trường học, trạm xá được xây mới; 100% khu vực đồng bào Chăm đều có mạng lưới điện quốc gia, hệ thống cấp nước sinh hoạt và chợ, thuận tiện cho việc mua bán và trao đổi hàng hóa.

Chương trình 134 cất mới và sửa chữa 345 căn nhà (2,1 tỷ đồng), đặc biệt đã cất 76 căn nhà theo mô hình làng Chăm truyền thống và các chương trình, dự án khác trị giá 2,457 tỉ đồng, được đông đảo bà con đồng tình, phấn khởi. Các ngành nghề thủ công truyền thống được đầu tư khôi phục, như dệt Châu Giang, mô hình chăn nuôi bò, dê; kinh doanh du lịch và xuất khẩu các mặt hàng thổ cẩm, thêu, đan…

Các xã có đông đồng bào dân tộc Chăm đều đã xây dựng nhà văn hóa, mắc hệ thống truyền thanh để phục vụ cho công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

An Giang nằm ở đầu nguồn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với dân số 2,2 triệu người. Dân tộc thiểu số chiếm 5,19%, trong đó người Chăm có 2.056 hộ, với 13.772 người chiếm tỷ lệ 0,61%. Đồng bào Chăm sống tập trung chủ yếu ở các xã dọc theo sông Hậu như xã Vĩnh Trường, Đa Phước, Quốc Thái, Nhơn Hội, Khánh Bình (huyện An Phú), Châu Phong (Tân Châu), Phú Hiệp (Phú Tân), Khánh Hòa (Châu Phú); ngoài ra, còn có ở xã Vĩnh Hanh (Châu Thành) và phường Mỹ Long (thành phố Long Xuyên)...

Đáng chú ý là thời gian qua tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. hiện nay, toàn tỉnh xây dựng được 6 ấp văn hóa và 1.846 hộ được công nhận “Gia đình văn hóa”; 06 phòng đọc sách, 10 tủ sách, 01 phòng đọc sách trong thánh đường với 6.400 bản sách phục vụ nhu cầu của đồng bào Chăm; có 09 đội văn nghệ, 09 đội bóng đá, 07 đội bóng chuyền và các đội đua thuyền được tổ chức thi đấu và biểu diễn định kỳ; lễ hội văn hóa, thể thao được nâng lên thành lễ hội chính thức của tỉnh, luân phiên tổ chức hằng năm tại hai huyện có đông đồng bào Chăm là An Phú và Tân Châu.
Các hoạt động văn hoá đã thật sự tạo không khí vui tươi phấn khởi trong đồng bào dân tộc. Nhìn chung, các lễ hội dần được cải tiến về nội dung và hình thức, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người Chăm. Thiếu nữ Chăm giờ đã được khuyến khích tham gia văn nghệ, thể thao, đi giao lưu biễu diễn, dự hội thảo các cấp.

Để bảo tồn phát huy tiếng nói của dân tộc, từ năm học 1998 - 1999, tiếng Chăm đã được triển khai dạy và học ở một số điểm trường cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5; toàn vùng dân tộc Chăm có 02 trường PTTH, 04 trường THCS, 13 trường tiểu học - mẫu giáo. Đến nay, tất cả 09 xã có đông đồng bào Chăm đều có trạm y tế xây dựng kiên cố, trang thiết bị bảo đảm cho công tác khám chữa bệnh cho nhân dân và đã thường xuyên tổ chức các đoàn khám chữa bệnh miễn phí cho các hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo là người Chăm; số hộ có nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh tăng lên; trong dân tộc Chăm đã có 04 bác sĩ, 08 y sĩ; 10 học sinh dân tộc Chăm đang được đào tạo y sĩ.

Từ khi có Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh đối với đồng bào Chăm trong tình hình mới, An Giang đã tập trung triển khai quán triệt trong hệ thống chính trị, đồng thời đề ra nhiều giải pháp hiệu quả với những chương trình, dự án đầu tư cụ thể, thiết thực đã tạo chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Chăm. Qua những việc làm cụ thể, có hiệu quả, thực sự đã tạo được niềm tin tưởng của đồng bào Chăm đối với sự lãnh đạo của Đảng, tự giác chấp hành pháp luật của Nhà nước, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực, các tổ chức lễ hội dân tộc đều thực hiện đúng các nội dung được quy định.

Người Chăm An Giang theo đạo Islam, thực hiện nghiêm giáo luật của Hồi giáo chính thống. Toàn tỉnh có 12 thánh đường, 14 tiểu thánh đường. Người Chăm sống quần tụ hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau ở tập trung theo từng xóm, mỗi xóm đều có thánh đường và có một vị Giáo cả đứng đầu do cộng đồng bầu lên. Trước đây, lao động nam chuyên nghề chài lưới và mua bán nông sản quy mô nhỏ, phụ nữ dệt vải, thêu đan. Nay chỉ còn một số ít, đa số hộ chuyển sang mua bán nhỏ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp truyền thống, chăn nuôi và một số ít gia đình làm nông nghiệp.

Cộng đồng người Chăm về tư tưởng được ổn định, họ muốn được yên ổn làm ăn, chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và tạo điều kiện để được hành đạo theo tôn giáo của mình. Mặt khác, Nhà nước luôn quan tâm đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời hướng dẫn, giáo dục họ từ bỏ các tập tục lạc hậu. Trong đồng bào dân tộc Chăm đã có 33 đảng viên, 13 đại biểu HĐND, 32 thành viên Mặt trận Tổ quốc các cấp, 83 đoàn viên TNCS.HCM, 723 hội viên các đoàn thể, 05 công xã, 01 quân sự, 02 trưởng ấp và 06 phó trưởng ấp.

Công tác chăm lo phát triển sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt tôn giáo được coi trọng, từ đó tạo động lực cho cộng đồng người Chăm tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mối quan hệ thân thiện, hợp tác với cộng đồng dân cư trên địa bàn, tình đoàn kết các dân tộc được củng cố.

Tuy nhiện, do mặt bằng kinh tế- xã hội, dân trí vùng đồng bào dân tộc còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết những lợi thế về đặc điểm tôn giáo và tập quán của người dân tộc; sách báo phục vụ vùng đồng bào dân tộc Chăm hiện ít xuất bản, tại các phòng đọc sách chủ yếu là tài liệu chữ quốc ngữ, nên chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống, nghi lễ, trình độ dân trí và nhận thức chính trị còn hạn chế nên người Chăm còn hạn chế trong việc học hành, hòa nhập kinh tế với cộng đồng người Kinh.

Đổi mới việc thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của toàn Đảng, toàn dân, làm cho các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam không ngừng phát triển và làm biến đổi từng bước đời sống vật chất, tinh thần của họ từ lạc hậu tiến lên trình độ văn minh. Đó vừa là mục tiêu, vừa là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta, là sự thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn giữa các dân tộc - trong đó có dân tộc Chăm, thực hiện đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vững bền./.

ĐĂNG GIAI

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất