Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 23/11/2018 8:21'(GMT+7)

Nâng cao giá trị thủy sản nuôi trồng: Đâu là giải pháp hiệu quả?

Thu hoạch cá tra thương phẩm ở phường Tân Lộc, Cần Thơ. (Ảnh: TTXVN)

Thu hoạch cá tra thương phẩm ở phường Tân Lộc, Cần Thơ. (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị do Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22/11.

ĐỐI MẶT NHIỀU THÁCH THỨC

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết nuôi trồng thủy sản có vị trí rất quan trọng trong ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam với giá trị kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng đều hàng năm, dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2018 sẽ đạt mốc 9 tỷ USD, tạo ra hàng triệu việc làm, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngành nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam được đánh giá là ngành có nhiều tiềm năng phát triển nhất trong ngành nông nghiệp với thị trường rộng lớn, khả năng tăng năng suất và mở rộng vùng nuôi. Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nơi hội tụ nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển vùng sản xuất và chế biến, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Luân, thách thức của ngành nuôi trồng thủy sản hiện nay là sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ, đặc biệt là trong ngành tôm, nên chưa đáp ứng được các điều kiện về năng suất và sản lượng tập trung để thúc đẩy liên kết.

Mặc dù Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản nuôi trồng lớn trên thế giới, nhưng so với các nước trong khu vực thì chi phí sản xuất của Việt Nam còn cao, công nghệ hóa thấp, tỷ lệ đáp ứng các vấn đề chất lượng, môi trường, lao động, sản xuất bền vững, trách nhiệm xã hội... còn hạn chế.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, nhận định thách thức tổng thể của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam là quy hoạch và kiểm soát quy hoạch trong cả chuỗi còn thiếu đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng tăng trưởng cũng như khả năng cạnh tranh; trong đó, chất lượng con giống và nguồn cung con giống không ổn định. Cụ thể là tỷ lệ sống thấp, trại ươm giống quy mô nhỏ, khó quản lý; chi phí con giống, thức ăn, hóa chất, nhiên liệu đều cao nên giá thành sản phẩm cao.

Thêm vào đó, việc quản lý sử dụng kháng sinh chưa đạt được hiệu quả cũng như khó khăn trong áp dụng các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế khiến thủy sản nuôi trồng Việt Nam khó vượt qua các hàng rào kỹ thuật để chinh phục được các thị trường khó tính.

Ngoài ra, thủy sản Việt Nam chỉ mới tập trung vào phát triển nuôi trồng, chế biến và thiếu đầu tư cho quảng bá, xây dựng thương hiệu.

GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ 

Ông Trần Đình Luân cho rằng để nâng cao giá trị cho các sản phẩm thủy sản nuôi trồng của Việt Nam, cần có sự đồng bộ về chính sách, thể chế và năng lực trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Thách thức lớn của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam trong thời gian tới chính là chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thị trường khác, đối mặt với rào cản kỹ thuật từ các thị trường lớn.

Chính vì thế, các chủ thể trong ngành, bao gồm người sản xuất, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu và đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp đầu vào như giống, thức ăn và thuốc phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong chuỗi giá trị.

Thêm vào đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ phải được thúc đẩy một cách hợp lý để nâng cao hiệu quả sản xuất cả về mặt môi trường và xã hội.

Thu hoạch tôm càng xanh ở xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng. (Ảnh: TTXVN)

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, cho rằng muốn nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản nuôi trồng của Việt Nam phải bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm ngay từ khâu con giống đến quy trình, kỹ thuật nuôi và công nghệ chế biến. Vì vậy, các đơn vị trong chuỗi cung ứng nuôi trồng phải liên kết lại, ứng dụng công nghệ vào ươm giống, cải thiện chất lượng nuôi và tối ưu hóa dây chuyền chế biến.

Với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường, ngành thủy sản Việt Nam cần kiên quyết nói không với sản phẩm chất lượng thấp.

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, một trong những nguyên nhân khiến chi phí sản xuất thủy sản Việt Nam cao hơn các nước là do Việt Nam chưa khai thác được các phụ phẩm thủy sản để chế biến sâu. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia đã chế biến phụ phẩm thành các sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao hơn cả sản phẩm chính. Vì vậy, Việt Nam cần sớm đánh giá đúng giá trị của các phụ phẩm và đầu tư cho chế biến để tăng giá trị cho toàn ngành.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng cần phát huy lợi thế của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam thông qua việc minh bạch hóa đầu vào sản xuất và tăng cường thực thi các biện pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, kiện toàn liên kết sản xuất, tối ưu hóa chi phí đầu vào và xây dựng thương hiệu nhằm giúp thủy sản nuôi trồng của Việt Nam khẳng định lợi thế trên thị trường toàn cầu./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất