Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 22/11/2018 11:17'(GMT+7)

Tây Ninh: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về "tam nông"

Trồng hoa áp dụng công nghệ mới cho hiệu quả kinh tế cao ở Tây Ninh

Trồng hoa áp dụng công nghệ mới cho hiệu quả kinh tế cao ở Tây Ninh

Tây Ninh là tỉnh biên giới thuộc khu vực Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, diện tích tự nhiên 4.041,3 km2, đường biên giới giáp với Campuchia dài 240 km. Dân số là 1.126.179 người; mật độ dân số 279 người/km2; dân tộc thiểu số chiếm khoảng 1,65% dân số trong tỉnh, địa giới hành chính gồm 1 thành phố và 8 huyện, có 80 xã, 7 phường, 8 thị trấn (trong đó có 5 huyện và 20 xã biên giới).

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X- Nghị quyết số 26-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã phổ biến, quán triệt Nghị quyết cho 394 đồng chí là cán bộ chủ chốt của tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các huyện uỷ, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ xây dựng kế hoạch phổ biến, quán triệt cho cán bộ chủ chốt của cấp mình, theo hướng đổi mới và tổ chức học tập cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Toàn tỉnh đã tổ chức 240 lớp nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 cho 21.878/22.458 đảng viên, đạt 97,42 % và 2.797 quần chúng cốt cán, chiến sỹ tham gia học tập; các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức 662 cuộc, với 42.414 lượt người dự. Tiếp đó, đã 632/632 chi, đảng bộ cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết, đạt 100%, góp phần nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để đưa Nghị quyết số 26-NQ/TW vào cuộc sống, tỉnh Tây Ninh đã cụ thể hóa các chủ trương chính sách lớn của Trung ương và ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện có hiệu quả

Cụ thể là: Chương trình số 07-CTr/TU của Tỉnh uỷ Tây Ninh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp; Chương trình hành động về phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020; Đề án cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh Tây Ninh; Chương trình hành động về đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020; Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới gắn với nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020; Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020; Chương trình 134

Các chương trình, kế hoạch, đề án, quy hoạch, chính sách sau khi ban hành đã được các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện và có tác động thúc đẩy phát triển tích cực cho nông nghiệp, nông thôn; cải thiện từng bước về đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người nông dân.

Tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại

Trong 10 năm qua, để tổ chức thực hiện Nghị quyết Nghị quyết số 26-NQ/TW, tỉnh Tây Ninh đã thực hiện tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Theo đó, cơ cấu nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá có giá trị và hiệu quả cao.

Trồng trọt có chuyển biến rõ nét về cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến. Trong đó, một số cây trồng từng bước cơ cấu lại theo hướng phát huy lợi thế từng vùng, tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh. Trong đó, giảm diện tích lúa với tốc độ giảm trung bình 0,4%/năm, hiện còn 147.800 ha; mía với tốc độ giảm trung bình 2,1%/năm, hiện còn 15.600 ha; cây khoai mì, cao su và cây ăn trái là những cây trồng có diện tích và sản lượng tăng cao so với năm 2008, cụ thể diện tích và sản lượng mì tăng với tốc độ bình quân lần lượt đạt 1,4%/năm và 4,4%/năm, hiện mì đạt diện tích 55.940 ha với sản lượng đạt 1,82 triệu; diện tích và sản lượng cao su tăng với tốc độ bình quân lần lượt đạt 4%/năm và 8,8%/năm, hiện cao su đạt diện tích 100.430 ha và sản lượng đạt trên 192.000 tấn; cây ăn trái có diện tích và sản lượng tăng bình quân lần lượt 5,1%/năm, ước đến cuối năm 2018 toàn tỉnh có 20.212 ha cây ăn trái.

Điểm nổi bật nhất thời gian gần đây là chuyển đổi mạnh một số nông sản hiệu quả thấp như lúa, cao su, mía sang trồng các loại cây ăn trái quy mô tập trung, có giá trị kinh tế cao như: nhãn, mãng cầu, bưởi, sầu riêng, xoài, chuối... đem lại giá trị tăng thêm từ 3 - 4 lần so với cây truyền thống. Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên đất trồng trọt năm 2017 đạt 88,45 triệu đồng/ha, tăng 24,19 triệu đồng so với năm 2008 (64,26 triệu đồng). Giá trị sản xuất trồng trọt thực hiện 19.755 tỷ đồng, tăng 38,4% so với năm 2008.

Chăn nuôi, giá trị sản xuất chăn nuôi thực hiện năm 2017 là 3.541 tỷ đồng, tăng 29,8% so với năm 2008 (giá trị tăng thêm 665 tỷ đồng). Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 14,17%. Phát triển khá mạnh theo mô hình trang trại lạnh, quy mô lớn, chăn nuôi khép kín có bước tăng trưởng vượt bật. Ngành chăn nuôi chuyển biến mạnh từ nội tiêu sang mở cửa thị trường khu vực và thế giới mặc dù đang bị áp lực rất lớn thịt nhập nội nhưng đang từng bước chuyển đổi và ổn định. Tái cơ cấu ngành chăn nuôi chuyển biến mạnh theo hướng chăn nuôi tập trung với 1.349 trang trại, gia trại (trong đó: 1.096 gia trại, 253 trang trại) với số cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAHP là 45 cơ sở. So với năm 2008, số lượng gia cầm 5,904 triệu con, tăng 45,2%; tỷ trọng thịt gia cầm từ 20% tăng lên 35,5%. Đàn heo 171.828 con; đàn bò 95.413 con giảm do chuyển hình thức chăn nuôi; riêng bò sữa tăng đáng kể từ 2.041 con năm 2008 đến nay có 10.919 con, tăng gần 5 lần. Liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngày càng phát triển mạnh có trên 50% sản phẩm như: heo, gà, trứng gà công nghiệp, bò sữa liên kết theo chuỗi sản xuất tiêu thụ.

Thuỷ sản, giá trị sản xuất thuỷ sản năm 2017 là 428 tỷ đồng, tăng 77,7% so với năm 2008. Diện tích nuôi trồng được duy trì hằng năm trên 900 hécta, trong đó hình thành chuỗi giá trị sản xuất chế biến cá tra xuất khẩu trên 500 hécta; hằng năm duy trì thả bình quân trên 500.000 cá giống vào hồ Dầu Tiếng nhằm tái tạo, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, tạo nguồn cho ngư dân đánh bắt. Các đối tượng nuôi thuỷ sản mới được đưa vào sản xuất (tôm càng xanh, baba, cá bống tượng,…). 

Lâm nghiệp, giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2017 là 315 tỷ đồng, đạt 82,1% so với năm 2008. Giai đoạn 2008 - 2017, diện tích rừng được đầu tư bảo vệ trên địa bàn tỉnh là 467.713 lượt hécta (bình quân 46.771 ha/năm); toàn bộ diện tích rừng nói trên đều được giao khoán cho hộ gia đình và nhóm hộ nhận khoán bảo vệ; tình trạng phá rừng, khai thác gỗ và lâm sản trái phép ngày càng kéo giảm. Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy và chống phá rừng các năm qua được các cấp, các ngành và các ban quản lý rừng quan tâm chỉ đạo tích cực; công tác giải quyết tình trạng bao chiếm, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích thực hiện khá tốt. Công tác trồng mới rừng được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, đạt kết quả tích cực. Từ năm 2008 đến nay đã trồng mới được 7.178,5 ha rừng, bình quân hằng năm trồng trên 717 ha; bình quân hằng năm gieo ươm, cung cấp trên 800.000 cây giống các loại phục vụ trồng cây phân tán; nâng tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2017 là 16,2% (nếu tính cả diện tích cao su ngoài quy hoạch lâm nghiệp, cây ăn quả 41,5%. 

Chuyển dịch công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn

Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực, theo hướng nâng cao dần tỷ trọng ngành nghề phi nông nghiệp, thể hiện trước hết sự chuyển dịch cơ cấu hộ. Theo số liệu điều tra 1/7/2016 số hộ nông thôn là 246.692 hộ. Trong đó, hộ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 102.850 hộ chiếm 41,68%  tổng số hộ nông thôn, giảm 18,06% so với năm 2011; hộ phi nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 143.842 hộ chiếm 58,3% tổng số hộ nông thôn, tăng 34,01% so với năm 2011, cụ thể: ngành Công nghiệp có 61.172 hộ chiếm 24,79% tổng số hộ nông thôn, tăng 69,88% so với năm 2011; ngành xây dựng 13.833 hộ, chiếm 5,61% tổng số hộ nông thôn, giảm 1,64% so với năm 2011; ngành dịch vụ 30.545 hộ chiếm 11,98% tổng số hộ nông thôn, giảm 1,17% so với năm 2011. Đến nay, toàn tỉnh có 104 doanh nghiệp nông nghiệp, 5.803 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn tạo việc làm cho khoảng 22.163 lao động, đã phát huy được lợi thế phù hợp với định hướng phát triển. 

Hoạt động sản xuất chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh đang ngày được hoàn thiện với 4 nhà máy đường tổng công suất 15.800 tấn mía cây/ngày; 68 nhà máy mì tổng công suất khoảng 6,4 triệu tấn củ/năm (trong đó có 6 nhà máy chế biến sâu: 4 nhà máy sản xuất tinh bột biến tính và 2 nhà máy sản xuất mạch nha); 23 nhà máy cao su với tổng công suất khoảng 431 tấn sản phẩm/ngày; 20 nhà máy điều với tổng công suất 15.000 tấn điều nhân/năm; một nhà máy chế biến rau, củ, quả công suất 500 tấn sản phẩm/ngày. Thiết bị, công nghệ sản xuất được đầu tư ngày càng cải tiến thay đổi theo hướng hiện đại; sản lượng các loại nông sản chính trong tỉnh (mía, mì, cao su; rau, củ, quả …) và một số nông sản ở các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia.

 

 Tây Ninh có 4 dự án đầu tư vào Campuchia với tổng số vốn đầu tư là 3.705,39 tỷ đồng

1. Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên - Kampongthom tham gia góp vốn với đối tác Campuchia thành lập Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên - Kampongthom để thực hiện dự án trồng và xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại tỉnh Kampongthom - Campuchia với vốn đầu tư 1.029 tỷ đồng; diện tích đất thực hiện dự án là 8.100 ha.

2. Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên - Kampongthom tham gia góp vốn với đối tác Campuchia thành lập Công ty TNHH Cao su Mêkông để thực hiện dự án trồng và xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại tỉnh Preah Vihear và tỉnh Kampongthom - Vương quốc Campuchia với vốn đầu tư 1.301 tỷ đồng tương đương 61,98 triệu USD; diện tích đất thực hiện dự án là 8.000 ha.

3. Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh thành lập Công ty Phát triển cao su Tây Ninh Siêm Riệp để thực hiện dự án trồng và xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại tỉnh Oddar Meanchey - Vương quốc Campuchia với vốn đầu tư 1.360,69 tỷ đồng, tương đương 64,794 triệu USD; diện tích đất thực hiện dự án là 7.600 ha.

4. Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh (nay là Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa) góp vốn cùng Công ty Mía đường Svayrieng - Campuchia để thực hiện hoạt động kinh doanh sản phẩm mía tại tỉnh Svayrieng - Campuchia với vốn đầu tư 14,7 tỷ đồng; diện tích đất thực hiện dự án là 164,8 ha.

Chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh có khoảng 322 công ty, doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ với tổng công suất hoạt động là 274.521m3/năm; bước đầu được đầu tư mới, công nghệ hiện đại như sản xuất váng lạng từ gỗ cây cao su, gỗ ghép thanh, gỗ viên nén tận dụng từ phụ phẩm mùn cưa, cành nhánh, cây rừng trồng. Việc phát triển sản xuất đồ mộc gia dụng, hàng thủ công mỹ nghệ có chất lượng đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định. Nhìn chung, các sản phẩm qua chế biến gỗ chủ yếu là mộc gia dụng như cưa xẻ bao bì, balet, gỗ xây dựng và sản phẩm mộc gia dụng (bàn, ghế, tủ…) đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ của người dân, tuy nhiên giá trị thương phẩm mang lại chưa cao. 

Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 3.572,8 triệu USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2008. Trong đó, năm 2017, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhóm hàng nông sản đạt mức tăng trưởng khá, cụ thể: hạt điều đạt 189,1 triệu USD, tăng 36,23%; mì và các sản phẩm từ mì đạt 293,3 triệu USD, tăng 78,6%; cao su đạt 225,3 triệu USD, tăng 17,98%; riêng hàng thuỷ sản đạt 1,83 triệu USD...

Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn

Đến nay, đã có 109 hợp tác xã, thu hút 33.325 thành viên với 218,9 tỷ đồng vốn điều lệ, so với năm 2008 tăng 24 hợp tác xã với trên 20.479 xã viên; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng. Nhìn chung, kinh tế tập thể tuy phát triển không song số lượng lẫn chất lượng, hình thức hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ còn rất ít, quy mô nhỏ. Việc liên kết đầu tư sản xuất tiêu thụ còn ít, chưa chặt chẽ... 

Các ngành nghề, làng nghề truyền thống phát triển ổn định, tạo việc làm, góp phần cải thiện đời sống người dân với 10 nghề truyền thống và 1 làng nghề truyền thống được công nhận. Trong đó, một số sản phẩm đặc sản của tỉnh đã có thương hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận như: Muối ớt Tây Ninh; Mãng cầu núi Bà Đen; đặc biệt sản phẩm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là một trong các sản phẩm nằm trong danh mục Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia năm 2016.

Ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực

Việc chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng sâu rộng, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản. Tỷ lệ sử dụng giống cây trồng, vật nuôi áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật được nâng lên đáng kể (trên 80%); năng suất tăng từ 5 - 10%, chất lượng nông sản ngày càng nâng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp; thiết bị, công nghệ cho công nghiệp chế biến nông sản, xử lý môi trường thường xuyên được các doanh nghiệp đổi mới đáp ứng yêu cầu phát triển và quy định; cơ giới hóa trong nông nghiệp phát triển nhanh, nhất là khâu làm đất, chăm sóc, cơ giới hóa thu hoạch từng bước phát triển; trong chăn nuôi, các trang trại đã đầu tư chuồng trại và thiết bị hiện đại chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp. 

Giai đoạn 2008 - 2018, trên cơ sở các đề tài, dự án được nghiệm thu và kết quả thực hiện các hợp đồng chuyển giao các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, tỉnh Tây Ninh đã triển khai, ứng dụng 46 mô hình (trong đó gồm 24 mô hình từ các đề tài, dự án; 22 mô hình từ các hợp đồng chuyển giao) vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Hoạt động khoa học công nghệ đã mang lại những tác động tích cực đối với nền nông nghiệp của tỉnh, giúp nông dân tiếp cận và áp dụng các sản phẩm mới, quy trình công nghệ mới, các thiết bị, máy móc, kỹ thuật mới trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, kéo dài thời gian bảo quản, tăng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng thị trường.

Đại diện một công ty phát biểu ý kiến tại hội thảo
 

Quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là khu vực nông thôn, từ năm 2011 đến năm 2017, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức 1.168 lớp, với 36.115 học viên (29.660 học viên học nghề nông nghiệp, 6.454 học viên học nghề phi nông nghiệp). Số lao động học nghề có việc làm 27.646/36.115 người, đạt tỷ lệ 76,54%, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn. Công tác bồi dưỡng công chức, viên chức cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tuy nhiên, số lượng người có học hàm, học vị được thu hút không nhiều.

Có thể nói, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành trong tỉnh trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết "tam nông" đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, giá trị sản xuất của các ngành nông, lâm, thuỷ sản, công nghiệp và dịch vụ đều tăng; kinh tế - xã hội nông thôn đã thay đổi theo hướng ngày càng hiện đại. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng qua các năm, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng nhanh giá trị công nghiệp và dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế, cơ cấu sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng khai thác lợi thế của từng vùng, sản xuất gắn thị trường tiêu thụ. Từ đó, đã định hình phát triển một số nông sản chủ lực của tỉnh, sản xuất gắn thị trường tiêu thụ được thực hiện ngày càng tốt hơn, khả năng cạnh tranh từng bước được nâng cao. Công tác bảo vệ và phát triển rừng nhiều chuyển biến tích cực, môi trường nông thôn được từng bước cải thiện. Cùng với đó, văn hóa, giáo dục, y tế có sự phát triển ổn định, các chương trình xóa đói giảm nghèo, chăm lo cho các đối tượng chính sách được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tốt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nội địa và biên giới cũng được giữ vững, ổn định... Những kết quả quan trọng đạt được trong thời gian qua sẽ là cơ sở, tiền đề quan trọng cho sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.  

Nguyễn Quang Thắng

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất