Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 5/7/2022 10:54'(GMT+7)

Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nhân lực làm công tác báo chí truyền thông cho vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Niềm vui của đồng bào DTTS khi đọc Báo Dân tộc và Phát triển tại Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 tại Hà Nội

Niềm vui của đồng bào DTTS khi đọc Báo Dân tộc và Phát triển tại Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 tại Hà Nội

 

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp những kiến thức, kỹ năng truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số

Cán bộ lãnh đạo, quản lý ở vùng DTTS phải có kiến thức, kỹ năng truyền thông cho đồng bào. Họ không chỉ quản lý, điều hành mà còn phải biết vận động, thuyết phục những người xung quanh tin và thực hiện chủ trương, chính sách.

Ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, cán bộ lãnh đạo, quản lý cần nắm vững những chủ trương, chính sách về vùng DTTS nói chung, chính sách về truyền thông nói riêng. Chính họ sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà khâu đầu tiên là phải làm tốt công tác truyền thông về mục đích, ý nghĩa, nội dung chính sách. Nghĩa là cần phải xây dựng kế hoạch truyền thông chính sách một cách khoa học, hợp lý, phù hợp với trình độ, nhu cầu của người dân; và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức bên dưới triển khai việc thực hiện. Để kế hoạch truyền thông đạt hiệu quả cao, họ phải được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông, nhất là dành cho đối tượng đồng bào DTTS.

Ở cấp huyện, xã, bản làng, bản thân mỗi cán bộ quản lý có thể trở thành một tuyên truyền viên với bà con. Vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng truyền thông cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cần được đẩy mạnh.

Cần nghiên cứu và đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo phương châm: Bám sát thực tiễn; cân đối và hài hòa giữa lý luận và thực tiễn; tránh xu hướng nặng về lý thuyết, hoặc chỉ chú trọng chuyên môn nghiệp vụ truyền thông thuần túy.

Nâng cao chất lượng công tác tổ chức - cán bộ ở các tổ chức, cơ quan làm công tác truyền thông cho vùng dân tộc thiểu số

Với tư cách là cơ quan phụ trách quản lý công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc phải là đầu mối xây dựng chiến lược truyền thông cho các vùng DTTS, trong đó phân công rõ ràng trách nhiệm của từng đơn vị trực thuộc. Ban Tuyên giáo Trung ương cần xây dựng chiến lược về truyền thông ở vùng DTTS. Các cơ quan BCTT như TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN, báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, báo Pháp luật… thành lập các bộ phận chuyên trách truyền thông về vùng DTTS để tăng cường tính chuyên sâu, chuyên đề.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên chuyên về vùng DTTS có trách nhiệm chính trị cao, phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, đồng cam cộng khổ, chung tay góp sức cùng bà con xây dựng vùng DTTS phát triển bền vững. Cán bộ Ban Dân vận các cấp cần tăng cường thâm nhập thực tiễn cuộc sống đồng bào DTTS, nhất là nói được tiếng dân tộc để công tác vận động đồng bào đạt hiệu quả cao. Bộ Thông tin - Truyền thông kiểm tra, giám sát nội dung BCTT viết về vùng DTTS, xử lý kịp thời những bài báo, bài viết có dấu hiệu vi phạm thuần phong mỹ tục, viết sai lệch, kỳ thị người DTTS. Lãnh đạo các tỉnh ở vùng DTTS chỉ đạo các cơ quan BCTT địa phương quan tâm hơn nữa đến việc truyền thông cho người DTTS và quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương trên báo chí Trung ương. Cần phối hợp tốt giữa BCTT cấp tỉnh, huyện với hệ thống truyền thông cấp xã và thôn.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí – truyền thông làm công tác truyền thông cho vùng dân tộc thiểu số

Chất lượng của công tác truyền thông ở vùng DTTS phụ thuộc khá lớn vào đội ngũ cán bộ, phóng viên của cơ quan báo chí. Hiện nay, công tác tuyển chọn nhân sự đầu vào khá tốt, hầu hết các nhà báo, phóng viên đáp ứng được yêu cầu, nhưng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác truyền thông ở vùng DTTS, cần chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất là về nghiệp vụ BCTT và kiến thức về dân tộc và DTTS.

Công tác tổ chức bồi dưỡng sau khi tuyển dụng nên chia thành nhiều cấp độ: cơ bản, nâng cao và chuyên sâu, thông qua nhiều khóa học để cán bộ, phóng viên luôn được cập nhật kiến thức nghề báo mới, các xu hướng làm báo mới. Tăng cường công tác đào tạo tại chỗ trên cơ sở tự dạy, tự học lẫn nhau trong từng phòng, ban. Phân công luân chuyển, điều động phóng viên, biên tập viên đi công tác ở các vùng, miền khác nhau, với yêu cầu làm được nhiều việc của nhà báo đa phương tiện. Về kiến thức DTTS, các cơ quan BCTT phối hợp với Ủy ban Dân tộc mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về dân tộc cho đội ngũ nhà báo chuyên phục vụ đồng bào DTTS, nhất là những người thường trú ở các vùng DTTS.

Trong kế hoạch dài hạn, cần xây dựng đội ngũ biên tập viên tiếng dân tộc để kiểm soát nội dung và chủ động biên dịch các sản phẩm thông tin, đồng thời chuẩn bị cho việc phát các bản tin bằng tiếng dân tộc trên phát thanh và truyền hình. Đây là việc cần phải làm ngay để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hầu hết các cơ quan BCTT.

Để nâng cao chất lượng truyền thông cho vùng DTTS, trước hết các cơ quan BCTT cần xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên đảm bảo được các yêu cầu: Hiểu biết sâu về văn hóa, phong tục tập quán của người DTTS địa phương; có kiến thức chính trị, pháp luật về dân tộc; có nghiệp vụ truyền tải thông tin rõ ràng, giản dị, gần gũi; nói rõ ràng, chính xác, diễn đạt dễ hiểu, có sức thuyết phục; có kỹ năng giao tiếp và làm việc với đồng bào; ứng xử đúng đắn, tinh tế trước mọi tình huống nảy sinh khi tác nghiệp; trong đó thông thạo tiếng nói của người DTTS và sử dụng thành thạo mạng Internet, MXH là những lợi thế.

Tạo điều kiện cho các phóng viên, biên tập viên tham gia các hoạt động phối hợp với các Bộ, ban, ngành và địa phương nhằm trao đổi, mở mang tầm nhìn, kiến thức. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán người DTTS, hoặc các giải thưởng dành cho các sản phẩm truyền thông đặc sắc về DTTS để khuyến khích sự sáng tạo và dấn thân của các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên.

Cần mở rộng mạng lưới cộng tác viên là người DTTS. Tuyển chọn những người có khả năng viết bài; mở lớp tập huấn, hướng dẫn họ chụp ảnh, quay phim, viết bài rồi gửi cho các cơ quan báo chí truyền thông. Chỉ có như vậy, thông tin về vùng DTTS mới đa dạng, phong phú, và mới thu hút được công chúng là người DTTS, vì chỉ khi chính họ viết về họ mới phù hợp với sở thích, nhu cầu của họ. Để mạng lưới cộng tác viên hoạt động hiệu quả, cần có sự chỉ đạo chặt chẽ trong chiến lược tuyên truyền, có chế độ đãi ngộ cũng như sự đầu tư về kỹ năng tác nghiệp, từ đó, tần suất và chất lượng các tin bài sẽ đa dạng hơn, sâu hơn.

Cần có chính sách ưu tiên tuyển dụng, đào tạo con em là người DTTS để mở rộng các chương trình tiếng DTTS trên báo chí. Nhà báo địa phương đã khẳng định: “Lý tưởng nhất với phát thanh dân tộc là người DTTS làm phát thanh cho cộng đồng của mình”.

Việc tổ chức, quản lý tốt đội ngũ phóng viên, biên tập viên, động viên khích lệ và có chế độ kinh phí thỏa đáng cho họ là bảo đảm chắc chắn cho thành công trong hoạt động truyền thông cho đồng bào DTTS hiện nay.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các chủ thể làm công tác báo chí – truyền thông từ Trung ương đến địa phương trong quá trình truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số

Sự phối hợp công tác giữa các chủ thể không chỉ giúp chia sẻ được những nỗ lực trong xây dựng chính sách cho vùng DTTS, đảm bảo thực thi đầy đủ, hiệu quả những chính sách này, mà còn giúp phân bổ hiệu quả các nguồn lực (như tài chính, con người) trong công tác truyền thông. Khi thực hiện nhiệm vụ truyền thông cho vùng DTTS, mỗi chủ thể đều có những thẩm quyền, thế mạnh của mình, mỗi cấp đều có tính độc lập tương đối, song không được biệt lập mà phải phối hợp chặt chẽ vì có chung khách thể và đối tượng quản lý là đồng bào DTTS.

Bộ TTTT tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động BCTT, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức nghề báo, nhất là miệt thị, dùng ngôn ngữ phản cảm, xúc phạm người DTTS. Ủy ban Dân tộc cần cung cấp thông tin, đề xuất các chiến dịch, chủ đề truyền thông trong các thời kỳ trong năm để BCTT viết bài, xây dựng chương trình phản ánh cuộc sống vùng DTTS, động viên khích lệ bà con kịp thời, từ đó thuyết phục bà con tin vào những thông tin chính thống, phản bác thông tin xấu, độc hại. Các cơ quan BCTT cũng cần phối hợp với nhau để phát huy hiệu quả của từng cơ quan, loại hình báo chí, phương tiện truyền thông để cung cấp thông tin bổ ích cho đồng bào, giúp họ thay đổi tư duy, vượt qua khó khăn, kiên trì phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. 

Là những cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, các cơ quan BCTT tỉnh, huyện chính là phương tiện, công cụ để tuyên truyền phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản quản lý của chính quyền địa phương, đồng thời hướng dẫn người DTTS thực hiện, vì vậy nội dung truyền thông cần bám sát sự định hướng của các cấp uỷ Đảng và sự chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, BCTT phải nhạy bén trong nắm bắt và tuyên truyền những chính sách mới, hiểu rõ mục đích, nội dung chính sách để lựa chọn phương thức chuyển tải phù hợp với trình độ và thị hiếu của đồng bào

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý công tác truyền thông tại địa phương cần chủ động xây dựng, lên kế hoạch truyền thông theo hướng đa dạng hóa thông tin cho đồng bào DTTS tại địa phương.

Khuyến khích các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, NGO tham gia truyền thông ở vùng DTTS. Tuy nhiên, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm những thông tin hướng tới đồng bào là những thông tin chính thống, có giá trị nâng cao nhận thức và giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống văn minh. Kiên quyết xử lý các tổ chức lợi dụng dự án, chương trình hỗ trợ đồng bào để tuyên truyền kích động chống phá chính quyền, làm mất đoàn kết giữa các dân tộc, truyền đạo trái phép.

Tăng cường nguồn lực tài chính để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí - truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số

Muốn phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, công tác truyền thông phải đi trước một bước. Phải xây dựng chiến lược truyền thông dài hạn, với sự tham gia của cả HTCT các cấp, các cơ quan BCTT, đội ngũ cán bộ truyền thông cấp cơ sở... để tuyên truyền, giải thích cho đồng bào hiểu rõ, tin tưởng và tích cực tham gia phát triển KT-XH, làm giàu cho quê hương, đất nước, chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, cần tăng cường đầu tư nguồn lực, đặc biệt là cho hệ thống truyền thông ở các địa phương: đài phát thanh – truyền hình tỉnh, báo tỉnh, đài truyền thanh huyện/xã, các tuyên truyền viên, thông tin viên, già làng, trưởng bản, người uy tín…

Vì vậy, cần khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp … hỗ trợ các nguồn lực nhằm đẩy mạnh truyền thông ở vùng DTTS. Tuy nhiên, đi cùng đó là tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm những thông tin hướng tới đồng bào DTTS là những thông tin chính thống, có giá trị nâng cao nhận thức và giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống văn minh. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý các tổ chức lợi dụng dự án, chương trình hỗ trợ vùng DTTS để tuyên truyền kích động chống phá chính quyền, làm mất đoàn kết giữa các dân tộc, hoặc truyền đạo trái phép.

Bên cạnh tăng cường nguồn lực tài chính, thì phải đi liền với việc sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực, cơ sở vật chất dành cho truyền thông vùng DTTS. Có thể nói, nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư cho phát triển các vùng DTTS không nhỏ, trong đó có truyền thông, nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao, còn trùng chéo, lãng phí, thất thoát. Vì vậy, các cơ quan chức năng, nhất là Uỷ ban dân tộc và các Ban Dân tộc các tỉnh cần rà soát, thẩm định chất lượng các chương trình, dự án đã triển khai để tổng kết, rút kinh nghiệm. Việc cấp phát báo in, radio miễn phí hiệu quả chưa cao, số lượng người đọc và nghe đài chưa nhiều, nên khảo sát thực tế và phải tính toán lại về số lượng báo và đối tượng cấp phát để tăng tỷ lệ công chúng báo chí.

Ngoài ra, trong bối cảnh nhiều cơ quan BCTT địa phương còn khó khăn về tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cần tính đến phương án liên kết giữa các địa phương để phát hành, phát sóng các chương trình bằng tiếng DTTS ở một vùng bao gồm nhiều tỉnh gần nhau (ví dụ, một tờ báo, một đài phát tiếng H’Mông, tiếng Thái cho cả vùng Tây Bắc; tiếng Khmer cho cả vùng Tây Nam Bộ) để vừa giảm chi phí, vừa gia tăng được nguồn nhân lực để tăng hàm lượng thông tin, mức độ phát hành, tầm phủ sóng các ấn phẩm báo chí, các chương trình phát thanh - truyền hình. Như thế, hiệu quả truyền thông cho đồng bào DTTS chắc chắn sẽ cao hơn.

ThS. Lưu Văn Thắng, ThS Hoàng Liên Hương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất