NHỮNG DIỄN BIẾN PHỨC TẠP, KHÓ LƯỜNG CỦA THIÊN TAI, BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở VIỆT NAM
Biến đổi khí hậu Trái đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển, băng quyển, hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm.
Tại Việt Nam, BĐKH không những làm nhiệt độ trung bình tăng, lượng mưa thay đổi, nước biển dâng mà còn gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra bất thường. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất nếu khí hậu nóng lên.
Nghiên cứu dữ liệu khí tượng chi tiết của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho thấy trong vòng 30 năm qua, ở Việt Nam nhiệt độ có xu huớng gia tăng đáng kể, các tỉnh Miền Bắc gia tăng nhiều hơn Miền Nam, đặc biệt trong những tháng mùa hè. Nhiệt độ trung bình tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam hiện tại cao hơn từ 0,5 -1,0 độ C so với nhiệt độ trung bình của các năm trước theo tính toán dựa trên dữ liệu cập nhật của 30 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, lượng mưa trên các vùng trong cả nước biến đổi thất thường theo các tháng 1, tháng 7, theo mùa vụ và hàng năm.
Cũng như các yếu tố khí hậu, mực nước biển trung bình trên toàn dải bờ biển Việt Nam có thể tăng lên 40cm vào năm 2050 và ước tính có thể tăng lên 100cm vào năm 2100. Theo số liệu quan trắc trong khoảng 50 năm qua ở các trạm Cửa Ông và Hòn Dấu cho thấy, mực nước biển trung bình đã tăng lên khoảng 20cm. Các trạm đảo xa bờ có xu thế tăng mạnh hơn so với khu vực ven bờ. Khu vực ven biển Trung Bộ tăng mạnh nhất là 4 mm/năm trong đó lớn nhất tại khu vực ven biển Nam Trung Bộ 5,6 mm/năm. Từ đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng biến đổi khó lường. Số đợt không khí lạnh giảm đi rõ rệt trong hai thập kỷ gần đây. Biểu hiện bất thường là đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại kéo dài. Những năm gần đây, số cơn bão có cường độ mạnh nhiều hơn, quỹ đạo bão dịch chuyển dần về các vĩ độ phía Nam và mùa bão kết thúc muộn hơn, nhiều cơn bão có quỹ đạo di chuyển dị thường hơn. Những hiện tượng thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng lớn và tiêu cực đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân trên cả nước.
Theo thống kê, trong vòng 10 năm, từ năm 2005 đến 2014, trung bình hàng năm ở Việt Nam có đến khoảng 649 đợt thiên tai xảy ra như lũ lụt, mưa đá, bão, lũ quét, lốc xoáy, sạt lở đất. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, chỉ riêng năm 2018 thiên tai xảy ra liên tiếp trên các vùng miền của cả nước với 16/21 hình thái thiên tai, cụ thể: 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận giông, lốc sét; 15 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất lớn; 09 đợt gió mạnh trên biển; 04 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng; lũ thượng nguồn sông Cửu Long kéo dài ở ở mức cao nhất kể từ năm 2011; triều cường lịch sử tại một số tỉnh Nam Bộ; sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển miền Trung…
Năm 2019, dự báo tình hình thiên tai tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khốc liệt hơn 2018 với các đợt nắng nóng kỷ lục ở miền Bắc; mưa lũ gây thiệt hại lớn về người và của ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên; hạn hán ở Nam Trung Bộ... Gần như 100% các trường tiểu học, THCS ở Hà Tĩnh năm nay không khai giải được đúng ngày do bị mưa lớn. Mới đây Thái Nguyên cũng bị trận mưa lớn gây gập lụt ngay tại thành phố. Thiên tai cũng định hình, ảnh hưởng đến cả văn hóa, cách sống của người dân như ở vùng miền Trung.
Theo các kịch bản dự báo về BĐKH tại Việt Nam, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 2 - 3oC, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng, trong khi đó lượng mưa mùa khô lại giảm, mực nước biển có thể dâng khoảng từ 75cm đến 1m so với thời kỳ 1980-1999. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng Sông Cửu Long với 35% dân số chịu ảnh hưởng; 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng với 9% dân số chịu ảnh hưởng; 2,5% tổng diện tích các tỉnh ven biển miền trung với 9% dân số chịu ảnh hưởng; 4% hệ thống đường sắt, 9% hệ thống đường quốc lộ, 12% hệ thống tỉnh lộ chịu ảnh hưởng, trong đó, thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích và tổn thất khoảng 10% GDP.
HỆ LỤY CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai, cả về tần số và cường độ do BĐKH là mối đe doạ thường xuyên, trước mắt và lâu dài đối với tất cả các lĩnh vực, các vùng và các cộng đồng. Bão, lũ lụt, hạn hán, mưa lớn, nắng nóng, tố, lốc là thiên tai xảy ra hàng năm ở nhiều vùng trong cả nước, gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống, làm gia tăng tỷ lệ đói nghèo.
Đối với sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng vật nuôi và mùa vụ có thể thay đổi ở một số vùng, trong đó vụ đông ở miền Bắc có thể bị rút ngắn lại, thậm chí không có vụ đông, vụ mùa thì kéo dài hơn. Biến đổi của các yếu tố thời tiết khác và thiên tai làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, dịch bệnh, dẫn đến giảm năng suất và sản lượng, tăng nguy cơ rủi ro đối với nông nghiệp và an ninh lương thực. Sự gia tăng nhiệt độ còn ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác như năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng, du lịch, thương mại...
Thiên tai như bão, tố, nước dâng, ngập lụt, hạn hán, mưa lớn và sạt lở đất … gia tăng về cường độ và tần số làm tăng số người bị thiệt mạng và ảnh hưởng gián tiếp đến sức khoẻ con người do ô nhiễm môi trường, suy dinh dưỡng, bệnh tật, kinh tế - xã hội, cơ hội việc làm và thu nhập. Biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xoá đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển bền vững của nước ta. Mỗi năm Chính phủ phải chi hàng nghìn tỷ đồng để giải quyết, khắc phục hậu quả thiên tai.
Hàng năm có hàng trăm người bị chết, mất tích, hàng ngàn người bị thương tật, hàng chục ngàn ngôi nhà bị sụp đổ, tốc mái, cuốn trôi, hàng trăm ngàn ngôi nhà bị ngập lụt, hư hỏng do thiên tai, lũ lụt, bão lốc... Theo thống kê, từ năm 2005 đến 2014, thiên tai, BĐKH đã gây thiệt hại kinh tế cho Việt Nam khoảng 5,2 tỷ USD/năm và tác động tiêu cực lên khoảng 3 triệu người/năm. Chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... đã làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP mỗi năm. Riêng năm 2018, thiên tai, BĐKH ở nước ta đã gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng, làm chết và mất tích 218 người.
Tác động của BĐKH có thể trực tiếp hoặc gián tiếp, tức thời hoặc lâu dài, gây ra những tổn thất to lớn về con người và tài sản, trong đó đối tượng yếu thế trong xã hội là những người sẽ phải chịu nhiều tác động nhất và hậu quả nặng nề hơn cả. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng BĐKH tác động lớn nhất đến nhóm đối tượng yếu thế như người nghèo, người dân tộc thiểu số, người di cư, người khuyết tật, người vô gia cư, người nhiễm HIV/AIDS, người già cô đơn, phụ nữ, trẻ em, người có trình độ học vấn thấp, người thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. BĐKH sẽ tác động về sức khỏe, sinh mạng, tài sản, tư liệu sản xuất và cả phương thức, tập tục canh tác làm cho vốn sinh kế của nhóm yếu thế càng bị rủi ro và suy giảm nhiều.
Thời tiết cực đoan tác động nghiêm trọng đến sức khoẻ người già, phụ nữ và trẻ em cả về thể chất và tinh thần; trẻ em, đặc biệt là trẻ em các vùng có khí hậu khắc nghiệt bị ảnh hưởng cả về sức khỏe và điều kiện kinh tế hộ gia đình thấp kém. Các em bị hạn chế hoặc không được đảm bảo 4 quyền cơ bản (sống còn, phát triển, bảo vệ, tham gia). Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra dưới tác động của BĐKH lên sức khoẻ, sinh mạng, sự bất ổn trong đời sống sinh hoạt; nước sạch, vệ sinh môi trường, các đối tượng này thường có điều kiện sống khó khăn, nhà ở và các điều kiện sinh sống tồi tàn hơn; thường ở vùng có nhiều thiên tai. Khi xảy ra các biến cố, các đối tượng này cũng khó có khả năng khắc phục và phục hồi, ổn định đời sống một cách nhanh chóng như các thành phần khác trong xã hội, dẫn đến những hệ luỵ lâu dài. Mất tư liệu sản xuất do BĐKH, thiên tai, bão lũ dẫn đến người dân lâm vào cảnh đói nghèo, tái nghèo; không có điều kiện sinh kế.
Có Thể nói, những tác động của BĐKH đối với nước ta là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo, cho đảm bảo an sinh xã hội, công cuộc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước./.
Thu Hằng