Thứ Sáu, 4/10/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Bảy, 2/11/2019 11:0'(GMT+7)

Tích cực xúc tiến các dự án phòng chống thiên tai ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết bất thường

Lực lượng quân đội nỗ lực hết mình gia cố những đoạn đê xung yếu (Tiền Giang). Ảnh: Nam Thái/TTXVN

Lực lượng quân đội nỗ lực hết mình gia cố những đoạn đê xung yếu (Tiền Giang). Ảnh: Nam Thái/TTXVN

NHÌN LẠI NĂM 2018 VỚI NHỮNG DIỄN BIẾN THỜI TIẾT PHỨC TẠP

Trên cả nước cũng ghi nhận 9 đợt gió mạnh trên biển; 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng; lũ lớn tại thượng nguồn sông Cửu Long sau 7 năm kể từ 2011, triều cường vượt mốc lịch sử tại các tỉnh Nam Bộ, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nghiêm trọng tại miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long… gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng, làm 218 người chết và mất tích (tính đến ngày 20/12/2018). Song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống, tái thiết sau thiên tai có nhiều chuyển biến tích cực.

CHỦ ĐỘNG HÀNH ĐỘNG TRƯỚC NHỮNG KHẮC NGHIỆT CỦA THỜI TIẾT

Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Quang Hoài cho biết: Năm 2018, Tổng cục đã xây dựng nhiều Dự án Luật sửa đổi, bổ sung; 3 Nghị định: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai cho phù hợp với nội dung liên quan tại Luật Quy hoạch số 21/QH14/2017 đã được Quốc hội thông qua; Nghị định 160/2018/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành; trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/2014/NĐ-CP về thành lập và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai.

Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Tổng cục đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018; đề nghị xem xét hỗ trợ 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; xin chủ trương đầu tư 36 triệu USD từ 2 dự án ODA (đã được Thủ tướng Chính phủ cũng như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á đồng ý) để hỗ trợ cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long xử lý sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển; xây dựng và triển khai trên Web bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 về công tác phòng, chống thiên tai, Tổng cục đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Dự thảo “Chiến lược Quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050”; Dự án tổng thể Di dời dân cư khẩn cấp phòng, chống lũ ống,  lũ quét, sạt lở đất; xây dựng Đề án tổng thể phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc, Miền Trung – Tây Nguyên; Đề án Nâng cao năng lực quốc gia về phòng chống thiên tai; Trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Đề án ‘ Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng’.

Công tác phòng chống thiên tai được thực hiện hết sức chủ động và quyết liệt. “Việc điều hành đóng, mở cửa xả hồ thủy điện trong đợt mưa lũ tháng 10/2017, có lúc vào sáng sớm Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu tôi phải chỉ đạo đóng ngay toàn bộ cửa xả hồ Sơn La, không được xả lũ xuống hồ Hoà Bình và vận hành xả 8 cửa hồ Hòa Bình. Nhờ đó, chúng ta đã đảm bảo được an toàn đợt xả lũ, giảm thiểu được nhiều thiệt hại. Quyết định linh hoạt, sáng suốt, kịp thời trên đã được Thủ tướng Chính phủ biểu dương và khen thưởng”, ông Hoài kể lại.

Đề cập đến công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, ông Trần Quang Hoài cho biết, Tổng cục đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo ban hành 66 công điện chỉ đạo công tác ứng phó với các đợt thiên tai; Tổ chức 15 đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ, Ban chỉ đạo đi thị sát, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả tại các địa phương trọng điểm; tổ chức tham mưu tính toán vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đảm bảo an toàn và hiệu quả; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ các địa phương khu vực phía Bắc 1.135 tỷ đồng để khắc phục hậu quả sau thiên tai, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 6.300 tỷ đồng và 36 triệu USD (vốn ODA) để khắc phục khẩn trương các công trình đê điều, xử lý sạt lở đồng bằng sông Cửu Long, xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông miền Trung.

Tổng cục cũng phối hợp các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ di dời khẩn cấp 5.495 hộ dân bị thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất hiện không có nhà ở, phải đi ở nhờ hoặc đang ở lều lán, nhà tạm thuộc 13 tỉnh.

Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài ví dụ: “Sự kiện lũ năm 2018 tại Đồng bằng sông Cửu Long tương đương lũ năm 2011 nhưng không có trường hợp nào bị chết do đuối nước. Trong khi lũ năm 2011 làm chết 89 người, (năm 2000 là 481) đã cho thấy kết quả của quá trình từ đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân, sự chủ động của chính quyền địa phương, cộng đồng đến sự chỉ đạo kịp thời, chính xác của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai trong ứng phó với lũ năm 2018”.

Bên cạnh đó, Tổng cục đã xây dựng phương án chỉ đạo ứng phó với lũ lớn trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, xây dựng bản đồ phục vụ điều hành công tác hộ đê và phòng chống thiên tai; Phê duyệt kế hoạch duy tu bảo dưỡng cho 20 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; ban hành hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật trong công tác duy tu, bảo dưỡng đê điều. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý đê…

Trong năm qua, công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng cũng được Tổng cục quan tâm chú trọng và đấy mạnh, có định hướng, bài bản; triển khai tới các địa phương, thôn bản, từng bước thay đổi nhận thức của người dân và đưa công tác phòng chống thiên tai đi vào cuộc sống. Theo đó, nhận thức của chính quyền các cấp và người dân trong phòng chống thiên tai ngày càng được nâng cao nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Mặt khác, việc bước đầu ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác dự báo, cảnh báo đã đạt hiệu quả cao, huy động nhiều nguồn lực từ tổ chức trong nước và quốc tế cho công tác ứng phó khẩn cấp và khắc phục hậu quả sau thiên tai; từng bước xây dựng nguồn lực đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, sẵn sàng tham gia ứng phó theo yêu cầu của khu vực và quốc tế; xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo chuyên dùng; công cụ cảnh báo mưa vượt ngưỡng cho các tỉnh miền núi; ứng dụng công nghệ viễn thám trong công tác quản lý đê điều; xây dựng và áp dụng thử nghiệm ứng dụng hệ thống “đê mềm” tại tỉnh Nam Định, đập Geotube ngăn mặn, giữ ngọt tại tỉnh Bến Tre. Đây là những giải pháp hết sức mới tại Việt Nam, có nhiều ưu điểm vượt trội trong phòng chống thiên tai.

NHỮNG GIẢI PHÁP TỨC THỜI ĐẶT RA

Năm 2019, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo Tổng cục phòng chống thiên cần thực hiện tốt và hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…; tham mưu hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan phòng chống thiên tai từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh đảm bảo tính chuyên nghiệp, chuyên trách đáp ứng yêu cầu; đào tạo, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp và cán bộ chuyên môn bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả.

Ngoài ra, Tổng cục cần tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch, dự án như: Kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia; Đề án tổng thể phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên cả nước và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Đề án tổng thể phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên; Đề án bố trí lại dân cư khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai; Dự án xây dựng Trung tâm điều hành phòng chống thiên tai Quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Tổng cục cần nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, trong đó tập trung vào công tác chỉ đạo kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều trước mùa mưa lũ; xác định vị trí trọng điểm xung yếu, phương án ứng phó; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ công tác duy tu, bảo dưỡng đê điều năm 2019 cũng như kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả khẩn cấp đê điều đảm bảo quy trình, thủ tục và chất lượng, hiệu quả đầu tư. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, khai thác cát sỏi lòng sông; xác định và xử lý sự cố giờ đầu, đảm bảo an toàn, giữ vững hệ thống đê điều nhất là từ cấp III đến cấp đặc biệt.

Tổng cục phòng chống thiên tai cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường tính toán vận hành điều tiết liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông trên cả nước, đặc biệt là hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình để sẵn sàng chỉ đạo các tình huống vận hành hồ đảm bảo an toàn công trình và hạ du; xây dựng các công cụ hỗ trợ, cơ sở dữ liệu phục vụ tham mưu chỉ đạo điều hành như: bản đồ bão, áp thấp nhiệt đới; Atlat điện tử cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai theo các khu vực sông; tính toán ngập lụt, nước biển dâng theo thời gian thực… Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo mục đích, đối tượng và hiệu quả nguồn kinh phí; Tổ chức tốt công tác trực ban theo chế độ 24/24 giờ để theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống, ứng phó với thiên tai.

Đối với việc ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo Tổng cục cần tập trung xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu tổng hợp phòng chống thiên tai và chia sẻ tới các cơ quan liên quan và cộng đồng; theo dõi, giám sát tự động, trực tuyến thông số các công trình trọng điểm và các vị trí xung yếu, các thiên tai lớn xảy ra (camera, viễn thám,…); ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng công trình phòng chống thiên tai như phòng, chống sạt lở, hệ thống đê điều và các công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; lắp đặt thí điểm cảnh báo tự động lũ quét, sạt lở đất tại một số tỉnh miền núi; tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về công trình an toàn trước thiên tai; tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống thiên tai, huy động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cho công tác ứng phó khẩn cấp và phòng chống thiên tai.

Bên cạnh đó, Tổng cục cần điều chỉnh Đề án 1002 về việc nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và hướng dẫn triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực của cộng đồng; có kế hoạch cụ thể phối hợp với các địa phương để chỉ đạo vệc triển khai đào tạo và huy động các nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là Quỹ phòng chống thiên tai để thực hiện. Cùng với đó, xây dựng chiến lược truyền thông, kế hoạch truyền thông năm 2019; xây dựng các tài liệu truyền thông đảm bảo hấp dẫn, dễ hiểu cho các đối tượng, kể cả vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc.

Cùng với đó, cần  xây dựng phần mềm APPs tuyên truyền, hướng dẫn cho cộng đồng và chính quyền các cấp về phòng chống thiên tai; trò chơi Game về phòng chống thiên tai; tổ chức các cuộc thi trong lực lượng làm công tác truyền thông trung ương, các đài, báo địa phương, các phóng viên và xã hội; tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền hình, đài truyền thanh, mạng xã hội (Facebook…)  trong hướng dẫn, tuyên truyền tới cộng đồng; xây dựng bộ tiêu chí về kiểm soát an toàn thiên tai; bộ tiêu chí lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, phát triển kinh tế xã hội; kiểm tra, kiểm soát việc xây dựng công trình đảm bảo an toàn và không làm gia tăng rủi ro thiên tai…

Duy Phong

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất