Thứ Bảy, 18/5/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 6/10/2017 20:9'(GMT+7)

Nâng cao hiệu quả công tác xuất bản ấn phẩm phục vụ đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc về nhân quyền

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhằm đấu tranh, ngăn chặn hoạt động này, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều công tác khác nhau; trong đó, việc xuất bản, phát hành các ấn phẩm, tài liệu (AP-TL) phục vụ việc tuyên truyền và đấu tranh phản bác các luận điệu vu cáo, xuyên tạc dân chủ, nhân quyền ở nước ta là một trong những công tác quan trọng được chú trọng triển khai. 

Xác định rõ tính chất, tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền và đấu tranh, phản bác trên lĩnh vực nhân quyền, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo công tác này như: Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 17/4/2009 của Ban Bí thư về tăng cường công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; Kết luận số 16-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Chiến lược phát triển TTĐN giai đoạn 2011-2020”; Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”; Kế hoạch số 03/KH-BCĐNQ ngày 28/5/2012 của Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ về công tác thông tin, tuyên truyền về nhân quyền...Để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền trên lĩnh vực này, những năm qua, các cơ quan chức năng đã xuất bản, phát hành một số loại AP-TL chính sau: 

Một là, các AP-TL thể hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản pháp lý khác quy định về bảo vệ và phát huy quyền của người dân trên các lĩnh vực, như: Nghị quyết, Văn kiện Đại hội Đảng, các Bộ Luật, Luật, sách giáo khoa giảng dạy trong các trường...Đây là các tài liệu quan trọng và là “nguồn” trong việc thông tin, tuyên truyền về các chính sách, văn bản pháp lý trong đảm bảo quyền con người.

Hai là, các AP-TL thông tin, tuyên truyền về chính sách, thành tựu đã đạt được trong việc đảm bảo quyền con người trên các lĩnh vực xã hội như: Cẩm nang, Sách trắng, Tạp chí, tập san, báo, tranh, ảnh; các chuyên mục phát sóng định kỳ trên đài phát thanh, Truyền hình...

Ba là, các AP-TL phục vụ công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, vu cáo vấn đề dân chủ, nhân quyền ở nước ta, như: Các tài liệu trong phiên đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam - EU, Việt Nam - Mỹ…; tờ rơi, tờ gấp, công văn trả lời kháng thư; báo cáo của các Bộ, Ban, ngành chức năng trả lời về vụ việc, đối tượng cụ thể mà phía nước ngoài quan tâm...

Tính hết năm 2016, cả nước có 63 nhà xuất bản, 13.700 cơ sở xuất bản, phát hành, 117 đơn vị phát hành AP-TL thuộc các tỉnh, thành phố (1) phục vụ các Bộ, Ban, ngành in ấn, xuất bản các AP-TL. Số lượng AP-TL được xuất bản dưới hai dạng chính gồm: AP-TL in giấy và AP-TL điện tử. Theo Bộ Thông tin, Truyền thông, số liệu AP-TL xuất bản phục vụ độc giả trong và ngoài nước ngày càng tăng, năm sau luôn tăng hơn năm trước. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, ngành xuất bản đã xuất bản hơn 214 triệu bản giấy (gồm 195 triệu bản sách in, hơn 3,5 triệu lượt sách điện tử), gần 15 triệu AP –TL xuất bản dưới dạng tranh, ảnh, đĩa, tờ rơi; hơn 179 ngàn AP-TL phát hành không kinh doanh. Trong số AP-TL phát hành có 1 số lượng lớn AP-TL phục vụ tuyên truyền về chính sách và thành tựu nhân quyền; tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016 (2). 

Thời gian qua, nhằm tuyên truyền chính sách và thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người trên các lĩnh vực, các Bộ, ban, ngành đã đẩy mạnh xuất bản các ấn phẩm sách như: “Những thành tựu bảo vệ và phát triển Nhân quyền ở Việt Nam”, “Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ về việc thực thi quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế UPR”, “Cẩm nang nhân quyền” của Bộ ngoại giao, “Sách trắng về Tôn giáo”; “Tôn giáo và Chính sách tôn giáo ở Việt Nam” của Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ), “Báo cáo quốc gia việc thực hiện công ước chống phân biệt chủng tộc” của Ủy Ban Dân tộc.v.v.; sản xuất phim tài liệu:“Thành tựu về quyền con người trong hơn 20 năm đổi mới”, “Tết độc lập, Tết của muôn dân”, “Bình an với Đạo và đời”…

Trong đó, thông qua hơn 857 cơ quan báo chí (gồm 199 cơ quan báo chí in, 658 Tạp chí (trong đó có 105 báo, Tạp chí điện tử), 01 hãng thông tấn quốc gia; 67 cơ quan phát thanh truyền hình (3), điển hình là các kênh VTV1, VTV2, VTV4...(Đài Truyền hình Việt Nam), chương trình phát thanh bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài của Đài Tiếng nói Việt Nam, các báo (Nhân Dân, QĐND, CAND, Thanh Niên…) và thông qua cổng thông tin điện tử của Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành và các tỉnh, thành phố, chúng ta đã đăng tin, bài, phóng sự…tuyên truyền rộng rãi chính sách và thành tựu dân chủ, nhân quyền ở nước ta và đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch về vấn đề này đối với nước ta. 

Qua đó, đã đấu tranh, phản bác kịp thời những luận điệu xuyên tạc, thù địch vấn đề này ở nước ta; ngăn chặn không cho Hạ Viện Mỹ, Quốc hội EU, Anh…ra các dự luật, nghị quyết xuyên tạc dân chủ, nhân quyền với nước ta (điển hình là ta đã ngăn chặn không để Thượng viện Mỹ thông qua một số Dự luật về nhân quyền ở Việt Nam do L.Sanchez và một số chính khách cực đoan khác khởi xướng…). Thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn do các Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức; chúng ta đã chuyển tải những AP-TL tuyên truyền thành tựu đảm bảo quyền con người, trang bị kiến thức mới về nhân quyền, âm mưu, phương thức lợi dụng dân chủ, nhân quyền chống phá ta tới các đại biểu, đội ngũ cán bộ làm công tác nhân quyền từ trung ương đến các địa phương. 

Đặc biệt, thông qua việc Việt Nam trúng cử là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 – 2016 với số phiếu cao nhất, đồng thời bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia về chống phân biệt chủng tộc (CERD), về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa; bảo vệ thành công 2 phiên Báo cáo quốc gia theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ toàn cầu (UPR)…chúng ta đã thông tin đầy đủ tình hình thực tiễn đảm bảo quyền con người ở nước ta tới cộng đồng quốc tế, các chính khách Mỹ, phương Tây, làm cho họ hiểu đúng tình hình thực tế nước ta, là lời khẳng định mạnh mẽ nhất với nỗ lực, thành tựu đã đạt được trong việc đảm bảo quyền con người ở nước ta, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. 

Bên cạnh đó, thông qua nhiều kênh ngoại giao như: Hợp tác song phương, đa phương, đối thoại nhân dân…các Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương đã tuyên truyền các thành tựu trong việc đảm bảo quyền con người ở trong nước và đấu tranh công khai, trực diện với các luận điệu xuyên tạc, thù địch vấn đề này, qua đó, góp phần tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và các đối tác đối với Việt Nam. 

Cụ thể, thông qua các cuộc đối thoại nhân quyền thường niên với Úc, EU, Mỹ, Thụy Sỹ, Nauy…chúng ta đã chuyển tải các AP-TL về chính sách, thành tựu đảm bảo quyền con người ở Việt Nam; cung cấp thông tin, tài liệu về các đối tượng vi phạm pháp luật trong nước mà bên ngoài cho là “các nhà đấu tranh” cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam,“người bất đồng chính kiến”; giải toả thông tin sai lệch về các vụ việc xảy ra trong nước như: Vụ việc ở Đồng Tâm (Hà Nội), chùa Liên Trì (TP.Hồ Chí Minh)…

Đặc biệt, qua đấu tranh trên các diễn đàn quốc tế từ năm 2011 đến nay, chúng ta đã tác động, yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ phải đánh giá Việt Nam “cải thiện tích cực về tình hình tự do tôn giáo” trong Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế và không đưa Việt Nam vào diện các nước “cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo” (CPC). Thông qua các chương trình hợp tác trên lĩnh vực nhân quyền với các nước, các tổ chức quốc tế; thông qua các đoàn của các Bộ, ngành ra nước ngoài học tập, trao đổi kinh nghiệm và qua việc đón nhiều đoàn khách quốc tế vào làm việc, tìm hiểu về tình hình dân chủ, nhân quyền ở trong nước, chúng ta đã thường xuyên cập nhật, cung cấp “bức tranh” sống động, chân thực về tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, giải tỏa thông tin sai lệch về vấn đề này, góp phần tuyên truyền kịp thời, hiệu quả thành tựu dân chủ, nhân quyền ở nước ta tới cộng đồng quốc tế.

Khẳng định rằng, trong những năm qua, với sự nỗ lực của các Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương, bằng nhiều biện pháp, qua nhiều kênh thông tin đa dạng, phong phú, chúng ta đã chuyển tải nhiều AP-TL thông tin, tuyên truyền về tình hình dân chủ, nhân quyền ở trong nước tới các tầng lớp nhân dân trong nước và các tổ chức quốc tế, cộng đồng quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài. 

Qua đó, chúng ta đã tạo thế chủ động trên các diễn đàn quốc tế, không để các thế lực bên ngoài lợi dụng dân chủ, nhân quyền can thiệp, gây sức ép nội bộ ta; góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác này vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định, như: Cấp ủy Đảng, thủ trưởng một số Bộ, ngành, địa phương nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác này nên chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương trong công tác này còn hạn chế, việc chuyển tải các AP-TL phản ánh thành tựu nhân quyền của nước ta đến bạn bè quốc tế còn khiêm tốn; chưa phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác này; chưa có nhiều AP-TL xuất bản bằng nhiều thứ tiếng được phát hành ra nước ngoài; chất lượng một số sản phẩm tuyên truyền chưa cao; các Bộ, Ban, ngành chưa chủ động cung cấp AP-TL cho báo, đài dẫn đến hiệu quả thông tin, tuyên truyền, đấu tranh trên phương tiện thông tin đại chúng còn hạn chế, bị động...

Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, toàn cầu hóa, khu vực hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, thâm độc hơn; đòi hỏi việc xuất bản, phát hành các AP-TL phục vụ công tác tuyên truyền và đấu tranh phản bác các luận điệu vu cáo, xuyên tạc dân chủ, nhân quyền ở nước ta cần tiếp tục được tăng cường cả về chất và lượng, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền chống phá nước ta. Cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như sau: 

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ với các Bộ, Ban, ngành và các địa phương trong đẩy mạnh công tác xuất bản các AP-TL thông tin, tuyên truyền về chính sách, thành tựu đảm bảo nhân quyền ở Việt Nam. Xuất phát từ vị trí, tính chất quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” với nước ta. Do vậy, công tác này phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Cần tiếp tục phát huy hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, thủ trưởng các đơn vị từ trung ương đến địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. 

Hai là,
tiếp tục nâng cao nhận thức của các Bộ, ban, ngành và các địa phương về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc xuất bản, phát hành các ấn phẩm thông tin, tuyên truyền về dân chủ, nhân quyền trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền chống phá nước ta. Nắm vững và thực hiện đúng những nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu mà công tác này đặt ra trong từng từng thời kỳ phát triển của đất nước, đặc biệt, nó phải phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội trong những năm tới. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cần tiếp tục quan tâm, chủ động hơn nữa trong việc cung cấp các AP-TL cho phương tiện thông tin đại chúng thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền. 

Ba là, các Bộ, ban, ngành và các địa phương cần phát huy và tận dụng tối đa sức mạnh của đa dạng hình thức, phương pháp trong việc xuất bản, phát hành các AP-TL, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức AP-TL phù hợp với từng loại đối tượng đón nhận. Ban Tuyên giáo TW, Bộ Thông tin, Truyền thông cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo các Bộ, ban, ngành tăng cường xuất bản các AP-TL tuyên truyền thành tựu đảm bảo quyền con người bằng nhiều thứ tiếng trên các lĩnh vực phụ trách; chú ý gắn kết chặt chẽ giữa tuyên truyền đối nội với tuyên truyền đối ngoại, tận dụng tối đa sức mạnh nội lực kết hợp với ngoại lực hướng đến cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam, góp phần giảm sức ép từ bên ngoài về dân chủ, nhân quyền, giải tỏa những thông tin sai lệch, định kiến về vấn đề này với nước ta một cách chủ động, có tính thuyết phục và hiệu quả hơn. Định kỳ sơ kết, tổng kết công tác xuất bản, phát hành các AP-TL thông tin, tuyên truyền về nhân quyền theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, kịp thời phát hiện tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm để phát huy những thành tựu, khắc phục hạn chế, tồn tại; góp phần thực hiện hiệu quả công tác này trong những năm tiếp theo./.

Đức Quỳnh

Chú thích: 
1. Bộ Thông tin, Truyền thông, Báo cáo tổng kết công tác năm 2015, phương hướng, nhiệm vụ năm 2016; 
2. Bộ Thông tin, Truyền thông, Báo cáo trình bày tại Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2017. 
3. Bộ Thông tin, Truyền thông, Báo cáo tổng kết công tác báo chí toàn quốc năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016

                                                                                                     

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất