Các tổ, đội đoàn kết đi vào hoạt động từng bước giúp bà con ngư dân nâng cao
hiệu quả đánh bắt hải sản, tham gia tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển, góp phần
bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Từ năm 2005, một số địa phương có số lượng tàu thuyền lớn như xã Tam Hải, Tam
Giang (huyện Núi Thành) đã thành lập một số tổ đội đoàn kết đánh bắt trên biển.
Những tổ đội này đã lập ra quy chế hoạt động như giúp nhau đánh bắt trên biển,
thông tin về ngư trường…
Sau một thời gian mô hình tổ đội hoạt động khá hiệu quả, Chi cục Khai thác và
Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Quảng Nam đã tham mưu cho tỉnh Quảng Nam nhân
rộng các tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển.
Với chiều dài bờ biển 125 km, ngư trường khai thác rộng, hai cửa biển lớn là Kỳ
Hà (Núi Thành) và Cửa Đại (Hội An), Quảng Nam có các yếu tố tự nhiên thuận lợi
để phát triển nghề khai thác hải sản. Hiện toàn tỉnh có trên 4.150 phương tiện
chuyên hoạt động khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển; trong
đó có khoảng trên 1.270 phương tiện có công suất từ 20 CV trở lên.
Sau khi mô hình tổ đội đoàn kết được nhân rộng thì hiệu quả kinh tế cũng như
việc tìm kiếm cứu nạn trên biển càng rõ rệt. Ông Nguyễn Văn Giỏi, Chi cục Trưởng
Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Quảng Nam cho biết với hình
thức hoạt động tự nguyện nhưng các tổ đội đoàn kết của tỉnh Quảng Nam đã xây
dựng được quy chế hoạt động, giúp đỡ nhau trong sản xuất, đánh bắt.
Tùy theo tình hình thực tế tại địa phương và ngư trường đánh bắt mà các tổ
đội xây dựng phương châm hoạt động. Tuy đa dạng nhưng mục đích cuối cùng của các
tổ đội là cùng giúp đỡ nhau đánh bắt, thông tin về ngư trường, tham gia tìm kiếm
cứu hộ, cứu nạn và đặc biệt là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng
của Tổ quốc.
Đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam đã phát triển được 104 tổ, đội đoàn kết với sự tham
gia của 844 chủ phương tiện. Trung bình mỗi tổ đoàn kết có khoảng 5 phương tiện
tham gia.
Trong quá trình hoạt động, các tổ đội đoàn kết đã tham gia cứu hộ cứu nạn
nhiều tàu cá cũng như ngư dân bị nạn trên biển như vụ cứu hộ tàu cá Qna 91649,
Qna 00548…
Ông Phạm Quyến, Chủ tàu Qna 90334 (thuộc tổ đoàn kết 11 xã Tam Giang) kể lại
"trong điều kiện sóng to gió lớn, tàu của chúng tôi bị chết máy, nguy cơ nằm lại
giữa biển khơi là rất lớn. May mắn thay, chúng tôi đã được tàu Qna 901009 và tàu
Qna 91135 lai dắt vào bờ an toàn."
Hiệu quả hoạt động cũng như độ an toàn khi tham gia các tổ đội sản xuất trên
biển đã được khẳng định. Từ đầu năm đến nay, sản lượng thuỷ hải sản Quảng Nam
đánh bắt được đạt khoảng 35.000 tấn. Từng bước đem lại thu nhập khá cho người
dân cũng như góp phần đưa kinh tế địa phương đi lên thấy rõ.
Tuy nhiên, do mô hình hoạt động tổ đội còn mang tính tự phát, đặc thù đánh bắt
của ngư dân Quảng Nam khá khác biệt so với những tình thành ven biển khác nên
cũng gặp không ít khó khăn trong việc sinh hoạt tổ đội và tiêu thụ sản phẩm.
Hiện, giá mực khơi tại địa phương chỉ còn 60.000 đồng/kg, chỉ bằng 50% so với
cùng kỳ năm trước, phí tổn đầu vào tăng cao nên đời sống ngư dân cũng gặp nhiều
khó khăn.
Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam đã đi vào hoạt động với vốn điều lệ là 20 tỷ
đồng. Hiện đã xét duyệt được 9 dự án (dự toán khoảng 12 tỷ đồng) cho ngư dân vay
đóng tàu với công suất từ 600CV trở lên để đánh bắt xa bờ. Người dân địa phương
rất phấn khởi và càng yên tâm bám biển dài ngày.
Tuy nhiên, để người dân thực sự yên tâm bám biển thì Quảng Nam cũng như các
ngành chức năng cũng cần hỗ trợ về thông tin, thị trường cũng như góp phần bao
tiêu sản phẩm của người dân đánh bắt được. Như vậy, ngư dân Quảng Nam nói riêng
và ngư dân miền Trung nói chung ngày càng yên tâm hơn khi sản xuất trên biển./.
Theo TTXVN