Thứ Sáu, 4/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 6/7/2011 13:52'(GMT+7)

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đầu tư công có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, bởi đóng góp đáng kể vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại nước ta. Khi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới xảy ra, đầu tư công trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần bảo đảm việc làm và an sinh xã hội. Nhưng với đặc trưng phát triển dựa vào tăng vốn của nước ta, thì tăng đầu tư công cũng sẽ tác động đến lạm phát. Theo nguyên tắc, khi lượng tiền được đưa ra nhiều thì giá trị đồng tiền của quốc gia sẽ giảm. Trong khi đó, lạm phát là sự mất giá trị thị trường hay giảm sức mua của đồng tiền. Khi so sánh với các nền kinh tế khác thì lạm phát là sự phá giá tiền tệ của một loại tiền tệ so với các loại tiền tệ khác. Do đó, cùng với chính sách tiền tệ thắt chặt, tại Nghị quyết số 11, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ ngành, địa phương thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách Nhà nước.

Thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ, một số bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cắt giảm, đình hoãn một số lượng vốn lớn. Theo Báo cáo của Chính phủ, đến 30.5, các bộ, ngành và địa phương đã cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư là 80.550 tỷ đồng, bằng khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Số vốn giảm nhờ thực hiện các giải pháp trong lập và điều hành kế hoạch của Chính phủ; cắt giảm, điều chuyển vốn trực tiếp. Nhờ thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ việc cắt giảm đầu tư công, cũng như các giải pháp khác thuộc Nghị quyết số 11 để kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, chi tiêu ngân sách, quản lý thị trường và giá cả, mà chỉ số giá tiêu dùng đã dần ổn định.

Nhưng có thể thấy, vốn đầu tư công lớn không phải là tác nhân chính gây ra tình trạng lạm phát cao hiện nay. Nếu công trình bảo đảm tiến độ, nhanh chóng phát huy hiệu quả thì sẽ khuyến khích kinh tế - xã hội phát triển, từ đó, góp phần nâng cao giá trị của tiền đồng. Như vậy, nếu đầu tư công hiệu quả sẽ góp phần kiềm chế lạm phát. Do đó, yếu tố then chốt trong cắt giảm đầu tư công không phải là về số vốn, mà cần tạo được hiệu quả khi sử dụng vốn từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA... Có nghĩa là phải cắt đi những thứ dễ gây lãng phí, thất thoát và không hiệu quả, để dòng vốn ngân sách chảy vào đúng chỗ cần thiết, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số vốn cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ được sử dụng để tăng vốn cho 283 dự án, với tổng giá trị là 868 tỷ đồng. Như vậy, chưa thực hiện được mục tiêu quan trọng trong giải pháp cắt giảm đầu tư công là rà soát, cắt giảm, sắp xếp lại để điều chuyển vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ năm 2011 trong phạm vi quản lý để tập trung vốn đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm. Hay phần lớn các dự án đình hoãn của tập đoàn, tổng công ty nhà nước là đầu tư trụ sở, văn phòng, mua sắm trang thiết bị đắt tiền, không trực tiếp phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh chính; khởi công trong năm 2011 nhưng chưa đủ điều kiện đầu tư. Rõ ràng, số vốn được cắt giảm tại tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chủ yếu là vốn trên danh nghĩa. Lượng vốn ở các công trình chậm tiến độ chưa được báo cáo đã điều chuyển để tập trung cho công trình cần thiết hay chưa.

Giám sát của các cơ quan của Quốc hội cũng cho thấy, còn tình trạng vốn điều chỉnh chưa được tập trung nhiều cho những công trình trọng điểm, cấp bách, các dự án có khối lượng hoàn thành cần được bố trí vốn để sớm bàn giao đưa vào sử dụng. Nhiều dự án còn đang thi công dở dang, có khối lượng lớn cần có vốn để bảo đảm đúng tiến độ. Trong khi đó, một số bộ, ngành, địa phương vẫn tiếp tục bố trí vốn để khởi công thêm nhiều dự án mới làm tăng mức độ dàn trải, thiếu hiệu quả và khó khăn trong công tác quản lý. Đồng thời, do hướng dẫn về cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ dự án không rõ ràng, khiến một số dự án, công trình khởi công trước khi ban hành Nghị quyết số 11 không được giải ngân dù có khối lượng thực hiện lớn. Đặc biệt là một số công trình có giá trị không cao, nhưng lại có ý nghĩa to lớn do góp phần hoàn thiện tổng thể dự án để sớm đưa vào sử dụng, hoặc là dự án giải quyết như cầu bức xúc của người dân. Những dự án này nếu không được triển khai thì sẽ gây lãng phí xã hội.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì lạm phát tăng cao hiện nay xuất phải từ hạn chế nội tại của nền kinh tế như thâm hụt thương mại lớn, bội chi ngân sách cao nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp... Vì thế, nếu chỉ dừng lại ở việc cắt giảm một số dự án, để giảm kinh phí đầu tư thì không đủ. Quan trọng là phải chấn chỉnh tình trạng đầu tư công để nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ... Đây cũng là dịp để rà soát tính hợp lý, nâng cao hiệu quả của đầu tư công, tái cấu trúc nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.

Lê Bình

(Nguồn: Đại biểu nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất