Thứ Năm, 3/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 21/7/2008 22:57'(GMT+7)

Nâng cao hơn nữa chất lượng Giáo sư - Phó Giáo sư của Việt Nam

    Dự thảo, do Hội đồng Chức danh GS-PGS biên soạn, đưa ra các tiêu chuẩn, thủ tục phong chức danh chặt chẽ hơn, yêu cầu cao hơn các quy định trong Nghị định 20/2001/ NĐ-CP ngày 17/5/2001 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh GS và PGS. Hiện nay, trung bình mỗi năm, Việt Nam phong thêm 40 – 50 chức danh GS và 400 - 500 chức danh PGS gia nhập đội ngũ các nhà khoa khoa học.

    Theo Nghị định 20/2001/NĐ-CP ngày 17/5/2001 này, người được công nhận chức danh GS-PGS phải có các tiêu chuẩn và điều kiện chung như có bằng tiến sĩ từ đủ 3 năm trở lên kể từ ngày cấp bằng, có đủ số công trình khoa học theo quy định của Hội đồng Chức danh GS-PGS Nhà nước, trong đó có ít nhất 25% số công trình khoa học theo quy định được thực hiện trong 3 năm cuối tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký xét công nhận chức danh GS-PGS...

    Tại buổi làm việc, một số Ủy viên của Hội đồng chức danh đã nêu lên những bất cập của Nghị định 20/2001/NĐ-CP, của đội ngũ GS-PGS hiện nay cũng như đưa ra các ý kiến đóng góp hoàn thiện Dự thảo.

    Theo Hội đồng Chức danh GS-PGS Nhà nước, người nhận chức danh GS phải hướng dẫn ít nhất 2 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, với PGS là ít nhất 2 thạc sĩ hoặc 1 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. GS-PGS phải giao tiếp được bằng tiếng Anh, tối thiểu phải sử dụng thành thạo tiếng Anh trong chuyên môn.

    Ngoài ra, Hội đồng Chức danh nhất trí, người ký bổ nhiệm chức danh GS-PGS là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mức lương trung bình hiện nay của GS Việt Nam là 200 USD/tháng (so với lương trung bình của GS ở châu Á là 1.000 USD), thuộc diện thấp nhất thế giới.

    Nhiều ý kiến thống nhất, phải ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm với nghĩa vụ, quyền lợi của người mang chức danh GS-PGS, cũng như cho rằng, tiêu chuẩn xét phong GS-PGS cần chi tiết, cụ thể hơn, chặt chẽ hơn so với Nghị định 20/2001/NĐ-CP. Về chế độ đãi ngộ, còn nhiều hạn chế như thu nhập còn thấp so mới mức trung bình của khu vực, cần được cải thiện.

    Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Hội đồng Chức danh GS-PGS Nhà nước trong Dự thảo cần làm rõ hơn nữa trách nhiệm nghiên cứu khoa học của độ ngũ GS-PGS từ nay đến năm 2010. Phó Thủ tướng cơ bản nhất trí với các nội dung của Dự thảo được đánh giá sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ GS-PGS của Việt Nam.

    Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng ý giữ nguyên các chức danh GS-PGS đối với những người được phong hoặc công nhận trước năm 2008.

PV- theo Cổng TTĐT Chính phủ

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất