Đào tạo tại chức: Hai mặt của một vấn đề
Hiện nay, trong hệ thống giáo dục nước ta có rất nhiều loại hình đào tạo như chính quy, tại chức, liên thông, văn bằng hai, từ xa. Ở một quốc gia đang trên đà phát triển, sự khác biệt, chênh lệnh về giáo dục giữa các vùng miền đòi hỏi cần phải đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Không ai có thể phủ nhận trong một giai đoạn khá dài, cho đến những năm cuối thập niên 1980 của thế kỷ trước, đào tạo tại chức theo hình thức vừa học vừa làm (VLVH) đã đáp ứng đáng kể nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội lúc bấy giờ.
Nhiều thế hệ cán bộ, công chức, do điều kiện đất nước chiến tranh chưa có điều kiện đi học, hoặc việc học bị gián đoạn, khi đất nước hòa bình, họ có nhu cầu cần được tiếp tục học tập để đáp ứng đòi hỏi chuyên môn. Hình thức VLVH nhằm bổ sung kiến thức cho thế hệ này là hoàn toàn phù hợp. Nhiều người trong số đó theo học các lớp hàm thụ đại học, tại chức... đã vươn lên trở thành cán bộ, chuyên gia giỏi trong nhiều lĩnh vực, kể cả chuyên gia đầu ngành.
Hiện nay, ở nhiều tỉnh miền núi, hải đảo, nhu cầu chuẩn hóa công chức, viên chức đang rất cần. Đào tạo theo hình thức VLVH hết sức phù hợp cho những địa phương này, nhiều cán bộ, chuyên viên người dân tộc, đã theo học và nâng cấp chuyên môn nghiệp vụ cho mình góp phần phục vụ tốt hơn công việc được giao.
Tuy nhiên ở các tỉnh, thành phố lớn, kinh tế - xã hội phát triển, nguồn nhân lực đào tạo chính quy đã gần như bão hòa, thì loại hình đào tạo tại chức đang bị nhiều người xem xét nghiêm túc về vấn đề chất lượng. Nhiều tỉnh, thành đã tuyên bố không tuyển dụng lao động có bằng tại chức vào làm công chức Nhà nước, lý do được đưa ra là chất lượng "bị thả nổi", trong khi đó lớp trẻ có rất nhiều người có bằng chính quy, được đào tạo một cách bài bản thì lại không tìm được việc làm hoặc làm trái ngành nghề.
Những băn khoăn về chất lượng đào tạo tại chức hiện nay của dư luận là hoàn toàn có cơ sở. Thực tế cho thấy, các lớp học tại chức hiện nay phần lớn là các sinh viên trẻ. Trong số đó nhiều người do thi trượt hệ chính quy ở các trường đại học nên tìm cách đi đường vòng, và họ chọn học tại chức. Nếu trước đây, học tại chức là những người lớn tuổi, đã có kinh nghiệm thực tế, đi học để bổ sung kiến thức. Thì nay, theo học VLVH lại là những thanh niên trẻ, hoặc là thi trượt đại học tìm đến tại chức, hoặc là những công chức trẻ, không có khả năng thi đỗ đại học, nay đang tại vị trong một cơ quan nhà nước nào đó muốn nâng cấp bằng cho mình.
Đã từng có chuyện ở cơ quan nọ, vị "sếp trưởng" thuộc diện “sính bằng cấp” đã yêu cầu cả cơ quan đi học, lại còn được trợ cấp tiền. Thế là công việc thì bỏ bê, từ chị nấu ăn, đến anh đánh máy vi tính với những bằng trung cấp, sơ cấp nhưng vẫn nộp đơn theo học tại chức đại học. Chất lượng học tập thì "không nói cũng biết". Và tất cả những người tham gia học tại chức đều được “nâng cấp” lên thành trình độ đại học, thậm chí có người "nâng hẳn" lên thành thạc sĩ. Thế những công việc thì anh đánh máy vẫn làm nhiệm vụ đánh máy, chị nấu ăn vẫn đảm nhiệm công việc nấu ăn, những người làm chuyên môn thì "trước sau vẫn vậy" cả về tư duy, kiến thức và tiến độ, hiệu quả công việc. Bởi, ai cũng biết giá trị thực của những tấm bằng tại chức đại học, thạc sĩ kia là thế nào!
Nâng cao chất lượng đào gắn với nhu cầu thực tiễn
Nếu nói không phân biệt tại chức và chính quy, đánh giá hai loại bằng này có giá trị ngang nhau, là chưa thật sự hợp lý. Không phải tất cả những người đi học tại chức đều kém cả, nhưng thực tế chứng minh loại hình đào tạo này đang có những bất cập mà chính quy trình, chương trình dạy và học của nó bộc lộ. Trong khi sinh viên chính quy phải vất vả lo học lo thi thì sinh viên tại chức thời gian học được rút ngắn, học dồn, lượng kiến thức được giản lược. Đặc biệt với những lớp học được tổ chức tại địa phương, để tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện cho người học sớm có bằng, người dạy nhanh hoàn thành chương trình, thì việc tuân thủ đúng chương trình đào tạo theo quy định khó ai kiểm soát nổi.
Đành rằng hệ tại chức ở một số cơ sở đào tạo từ lâu vẫn được coi như “nồi cơm” của nhà trường. Tuy nhiên không thể vì cái “nồi cơm” với nghĩa đen vật chất ấy mà làm ảnh hưởng đến cả xã hội. Một giảng viên đại học từng thừa nhận, so với cùng một ngành học của sinh viên chính quy thì thông thường chương trình cho tại chức bị cắt xén 10 - 15 %. Thời gian quy định đào tạo từ 4,5 đến 5 năm, nhưng thực chất học dồn 8 học kỳ, mỗi học kì được dạy trong thời gian ba tháng hè hàng năm. Thực tế cho thấy, do thời gian học kiểu cấp tốc như vậy, lượng kiến thức lớn dồn lại trong một thời gian ngắn thì sinh viên rất khó có thể tiếp thu. Lúc này, học chỉ để đối phó với thi cử.
Không thể phủ nhận một điều là loại hình đào tạo nào cũng có những mặt tích cực và hạn chế của nó. Với đào tạo tại chức, sẽ giúp người không có điều kiện thời gian, vật chất để học chính quy, mong muốn để có được tấm bằng đại học, đó là động lực khiến họ bền bỉ ôn luyện và theo học hình thức này. Nhưng đó là chuyện thế giới, ở các nước có nền giáo dục phát triển, đã hình thành từ lâu mô hình xã hội học tập, còn ở nước ta, mô hình xã hội học tập còn đang là mục tiêu phấn đấu.
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thì, tất nhiên là không nên đánh giá một chiều hoặc xóa bỏ hệ tại chức, nhất là ở các vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Vấn đề quan trọng là thay đổi cách đào tạo sao cho phù hợp và việc đánh giá người học sau khi kết thúc chương trình đào tạo phải được làm nghiêm túc như đào tạo chính quy. Ở nhiều nước, ai có nhu cầu bổ sung kiến thức đều có thể đăng ký khóa học, môn học phù hợp. Kể cả những người có trình độ kiến thức cao cũng vẫn học thêm nếu họ thấy cần, người già muốn đi học để mở mang kiến thức. Và cơ hội mở ra với tất cả. Vấn đề quan trọng ở chỗ cần xốc lại quy trình, chương trình dạy và học sao cho thật sự hiệu quả, đồng thời với việc đánh giá thi cử nghiêm túc, minh bạch.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần mạnh dạn, nghiêm túc nhìn nhận đúng thực chất để đánh giá khách quan, chính xác về loại hình đào tạo VLVH. Từ đó, sớm đưa ra giải pháp chấn chỉnh để loại hình đào tạo này thực hiện tốt sứ mệnh của mình, giữ đúng mục tiêu đề ra. Muốn thế, cần phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ của cơ quan đầu ngành giáo dục với các cơ sở đào tạo tại chức, từ siết chặt kỷ luật, kiểm soát chất lượng đầu vào, đầu ra, đến xây dựng nội dung chương trình, quy trình học tập sao cho thực sự phù hợp, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn./.
Khúc Hồng Thiện