Trong thông tin về trẻ em và thực hiện quyền trẻ em, báo chí có vai trò đi đầu và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong xã hội. Việc tổ chức hội thảo nhằm giúp các nhà quản lý báo chí, nhà báo tìm ra giải pháp nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức nhà báo khi tác nghiệp và đưa tin về trẻ em.
Ngày 23/6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Báo chí với quyền trẻ em - Đạo đức và kỹ năng” với sự tham gia của lãnh đạo một số cơ quan báo chí, các nhà báo, nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực liên quan đến trẻ em.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phạm Quốc Toàn khẳng định, quyền trẻ em là một trong những nội dung nhân quyền được Đảng và Nhà nước, các tổ chức xã hội ở Việt Nam đặc biệt quan tâm và thực thi trong cuộc sống.
Trong thông tin về trẻ em và thực hiện quyền trẻ em, báo chí có vai trò đi đầu và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong xã hội. Việc tổ chức hội thảo nhằm giúp các nhà quản lý báo chí, nhà báo tìm ra giải pháp nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức nhà báo khi tác nghiệp và đưa tin về trẻ em.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về những vấn đề liên quan đến quyền trẻ em; vai trò của báo chí-truyền thông trong việc thông tin về quyền trẻ em; đạo đức-kỹ năng của nhà báo trong việc thông tin về trẻ em; nhà báo với việc viết bài, phản ánh các vi phạm, xâm hại trẻ em…
Các đại biểu nhận định, thời gian qua, báo chí đã thông tin tích cực, đa dạng, đa chiều về những vấn đề của trẻ em; phản ánh những thành tựu cũng như những bất cập của chính sách và thực hiện chính sách bảo vệ quyền trẻ em; kiến nghị những giải pháp để việc thực hiện quyền trẻ em được tốt hơn. Song bên cạnh đó, một số nhà báo khi đưa tin về các vấn đề trẻ em đã gây không ít bức xúc trong dư luận.
Theo các đại biểu, trẻ em là nhóm công chúng đặc biệt của báo chí. Các nhà báo viết về trẻ em, viết cho trẻ em phải là những nhà báo có vốn hiểu biết, kiến thức về những lĩnh vực liên quan đến trẻ em như luật pháp, tâm lý và cần có thái độ tôn trọng, lắng nghe trẻ em.
Nhà báo cũng cần có sự nhạy cảm nghề nghiệp và luôn nêu cao đạo đức nghề báo, đặt lợi ích của trẻ em lên trên hết đồng thời cần hình thành và xây dựng hệ thống chính sách pháp luật để phát triển hệ thống báo chí cho trẻ em một cách thống nhất, cũng như tạo hành lang pháp lý để trẻ em được tham gia vào các hoạt động báo chí, thể hiện ý kiến, chính kiến của mình...
Nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của báo chí trong việc thông tin về trẻ em và quyền trẻ em ở Việt Nam, nhân dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã ký kết Kế hoạch phối hợp công tác năm 2014-2015 đồng thời mở Diễn đàn trao đổi nghiệp vụ về “Báo chí với quyền trẻ em - Đạo đức và kỹ năng” trên hai trang thông tin điện tử của hai Hội từ nay đến hết năm 2014 (website www.treemviet.vn và www.vja.org.vn )./.