Thành phố Hồ Chí Minh xác định việc thống kê số ca dương tính không còn ý
nghĩa lớn mà là số ca tiếp nhận điều trị, trong đó có bao nhiêu ca điều
trị khỏi, bao nhiêu ca chuyển nặng và số ca tử vong, để có những biện
pháp phù hợp trong điều trị.
Trên đây là nội dung được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố
Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ về chiến lược tập trung điều trị hiện
nay ở Thành phố Hồ Chí Minh tại cuộc họp cung cấp thông tin về phòng,
chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố ngày 3/8.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, việc hạn chế bệnh nhân COVID-19 tử vong là một vấn đề của Thành phố hiện nay. Theo đó, khi chuyển chiến
lược sang tập trung điều trị, thành phố đã rất khẩn trương chuẩn bị các
điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, thuốc men để
chăm lo, điều trị cho các bệnh nhân ở 5 tầng điều trị.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng tăng cường nhiều về cơ sở vật chất; một
số bệnh viện cấp quận, huyện đã tiến hành tách đôi, thậm chí có những
quận đã tăng năng lực tiếp nhận về điều trị, cấp cứu đến 100%.
Tuy nhiên, việc mở rộng năng lực điều trị đặt ra yêu cầu về nhân lực, trang thiết bị.
Mặc dù trong thời gian qua, Thành phố đã được tăng cường về nhân lực,
trang thiết bị, sự chỉ đạo chuyên môn của Bộ Y tế và các địa phương
nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn đang thiếu.
"Thành phố tiếp tục điều chỉnh, bổ sung nhân lực để làm sao mỗi ngày
có năng lực mới tiếp nhận, điều trị cũng như điều chỉnh các điểm bất hợp
lý để hạn chế tối đa việc người có nhu cầu chưa được nhận hay nhận trễ,
dẫn đến bệnh nặng hơn hoặc tử vong", Phó Bí thư Thường trực Phan Văn Mãi nói.
Về việc số ca tử vong tập trung nhiều ở tầng điều trị nào, theo đồng chí Phan Văn Mãi, Thành phố đang theo dõi số liệu và phân tích nên chưa có
thống kế đầy đủ để đưa ra nhận định cuối cùng.
Tuy nhiên theo quan sát, khâu tiếp nhận và xử trí ở tầng điều trị thứ
3 đang gặp khó khăn do hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội
ngũ y, bác sỹ.
Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế quan
tâm hỗ trợ khâu này để làm sao kết nối liên thông giữa tầng 3, tầng 4
và tầng 5 nhằm kịp thời có những chỉ định, biện pháp điều trị giảm
chuyển nặng cũng như giảm tử vong.
Xác định vaccine là một trong điều kiện quyết định, quan trọng để
thành phố đạt được tình trạng bình thường mới, ngoài nguồn vaccine phân
bổ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi
cho biết lãnh đạo thành phố cũng chủ động xin chủ trương Trung ương cho
phép Thành phố bằng nguồn lực vận động, ngân sách chủ động tìm kiếm các
nguồn vaccine.
"Thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng phối hợp công tư, phân quyền về cho quận, huyện chủ động
hơn. Với năng lực này, thành phố đang gửi đề xuất Trung ương tiếp tục
phân bổ 5-5,5 triệu liều để quyết tâm sớm nhất đạt miễn dịch cộng đồng", đồng chí Phan Văn Mãi nói.
Thông tin về giải pháp nhằm hạn chế số ca tử vong,
Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam cho biết
ngoài việc tập trung cứu chữa các bệnh nhân ở tầng 5 (điều trị bệnh nhân
COVID-19 nguy kịch), Thành phố cũng tập trung triển khai đội vận chuyển
các ca bệnh ở các tầng điều trị khác, từ tầng 1 đến tầng 4. Trong đó,
cố gắng vận chuyển nhanh các bệnh nhân đang điều trị tại tầng 1 nhưng
trở nặng lên tầng trên.
Theo Phó Giám đốc Nguyễn Hoài Nam, ngày 2/8, một doanh nghiệp đã trao tặng cho
thành phố 400 bình oxy trang bị trên các xe taxi để tạo điều kiện cho
bệnh nhân được thở oxy trong quá trình chuyển đến bệnh viện.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã hỗ trợ, đưa vào Thành phố Hồ Chí Minh nhiều
bác sỹ hồi sức cấp cứu để điều trị cho các bệnh nhân có diễn biến nặng.
Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 100.500 trường hợp mắc COVID-19.
Hiện thành phố có 924 bệnh nhân nặng đang thở máy và 8 bệnh nhân can
thiệp ECMO. Tính đến 7 giờ ngày 3/8, đã có hơn 40.973 bệnh nhân được
điều trị khỏi./.
Thu Hương (TTXVN)