(TG)-PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm
Việt Nam, Giám đốc bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã chia sẻ về tình hình
bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi trong năm 2013-2014 và xu thế bệnh
truyền nhiễm hiện nay.
Ngày 26/12, tại Hà Nội, Liên chi hội Nhà báo Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn chia sẻ kinh nghiệm truyền thông nâng cao năng lực phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Giám đốc bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trình bày về tình hình bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi trong năm 2013-2014 và xu thế bệnh truyền nhiễm hiện nay.
Trong năm 2013-2014 ở Việt Nam xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới và tái xuất hiện các bệnh dịch cũ với mức độ nặng hơn và nguy cơ lan rộng hơn như: Sởi, sốt xuất huyết, lao, viêm gan virus. Các bệnh nhiễm trùng gia tăng, đặc biệt là nhiễm trùng trên các cơ địa đặc biệt. Hai năm qua, thế giới cũng chứng kiến sự xuất hiện và tái xuất hiện của các loại virus: vius cúm gia cầm A(H7N9), Virus coronavirus mới, Virus Ebola, Virus sởi...
Trong số các bệnh truyền nhiễm, bệnh đã lan rộng toàn cầu và gây nguy hiểm đến tính mạng con người nhất vẫn là HIV/AIDS. Đối với dịch HIV/AIDS ở Việt Nam, số trường hợp hiện nhiễm HIV được báo cáo là 219.163. Số người nhiễm HIV đã tử vong được báo cáo là 69.449. Hiện, Việt Nam đã thực hiện được 3 giảm (giảm nhiễm HIV, giảm mắc AIDS và giảm tử vong phát hiện mới hàng năm), nhưng lũy tích số người nhiễm HIV và số mắc AIDS vẫn tiếp tục gia tăng. Lây truyền HIV qua nhóm nghiện chích ma túy vẫn là nguyên nhân chính làm lây truyền HIV tại Việt Nam (77%). Dịch HIV tại Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát, có những thôn, bản khu vực miền núi có tỷ lệ nhiễm HIV được phát hiện rất cao. Các yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện và bùng phát bệnh truyền nhiễm chính là do sự biến đổi của tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Miễn dịch của cộng đồng và sự di dân; Yếu tố kinh tế xã hội và môi trường…
Để giảm thiểu sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi truyền thông giúp người dân hiểu được tác hại, sự nguy hiểm của các bệnh truyền nhiễm và hướng dẫn người dân cách phòng, chống bệnh nhằm tránh được nguy cơ bùng phát các đại dịch của bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu./.
Bảo Châu