Thứ Năm, 21/11/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Sáu, 25/10/2024 12:0'(GMT+7)

Nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó với thiên tai cho thế hệ trẻ

Đồng chí Nguyễn Huỳnh Quang, Phó Trưởng phòng Quản lý thiên tai cộng đồng – Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phát biểu tại Hội thảo tập huấn

Đồng chí Nguyễn Huỳnh Quang, Phó Trưởng phòng Quản lý thiên tai cộng đồng – Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phát biểu tại Hội thảo tập huấn

Sáng ngày 25/10, tại tỉnh Kiên Giang, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp cùng Vụ Cơ sở vật chất (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã tổ chức hội thảo tập huấn nhằm tích hợp nội dung giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào chương trình giáo dục bậc trung học cơ sở.

Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ chương trình phối hợp về phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong giáo dục giai đoạn 2024-2029, theo Chương trình số 01/CTrPH-BNNPTNT-BGDĐT ngày 05/01/2024. Mục tiêu chính của chương trình là nâng cao nhận thức và năng lực phòng chống thiên tai cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030” (theo Quyết định số 553/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06/4/2021).

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, các cơ quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Cơ sở vật chất, Vụ Giáo dục trung học), cùng 44 học viên là cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên từ các trường trung học cơ sở ở 15 huyện, thành phố trong tỉnh Kiên Giang. Tại đây, các học viên được hướng dẫn về cách tích hợp nội dung giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào chương trình giáo dục trung học cơ sở, nhằm giúp học sinh nhận thức và chuẩn bị tốt hơn trước các tình huống thiên tai.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Huỳnh Quang, Phó Trưởng phòng Quản lý thiên tai cộng đồng – Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, nhấn mạnh rằng mặc dù thiên tai có thể rất khốc liệt, nhưng thiệt hại sẽ được giảm thiểu nếu chúng ta có hiểu biết, kinh nghiệm và hành động quyết đoán trong những tình huống cấp bách. Đồng chí đã dẫn chứng trường hợp cô giáo Bùi Thị Châm tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa, người đã nhanh chóng sơ tán 214 học sinh khỏi khu ký túc xá chỉ 10 phút trước khi sạt lở đất xảy ra.

Phó Trưởng phòng Quản lý thiên tai cộng đồng – Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cũng chia sẻ về các giải pháp phòng chống thiên tai tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi nhiều tỉnh đã triển khai các mô hình bảo vệ cộng đồng hiệu quả như trông giữ trẻ tập trung và dịch vụ đưa đón học sinh trong mùa lũ. Những mô hình này giúp giảm thiểu rủi ro cho người dân và trẻ em, minh chứng cho tầm quan trọng của kiến thức và kỹ năng phòng chống thiên tai trong nhà trường và cộng đồng.

Theo đồng chí Nguyễn Huỳnh Quang cho biết, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai, đặc biệt là lồng ghép nội dung này vào chương trình giáo dục, đã nhận được sự quan tâm lớn từ lãnh đạo các cấp. Nổi bật là Chương trình ký kết số 01/CTrPH-BNNPTNT-BGDĐT ngày 05/01/2024 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm thực hiện hiệu quả Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030. Chương trình này đặt mục tiêu tăng cường kiến thức và khả năng ứng phó với thiên tai cho thế hệ trẻ, giúp xây dựng một cộng đồng an toàn hơn.

Ngay sau khi chương trình phối hợp về phòng chống thiên tai được ký kết, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cùng Vụ Cơ sở vật chất đã triển khai kế hoạch cho năm 2024 với nhiều hoạt động thiết thực. Kế hoạch này không chỉ tập huấn cho đội ngũ giáo viên cấp trung học cơ sở mà còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, như cuộc thi “Rung chuông vàng,” vẽ tranh, sáng tác ca khúc về phòng chống thiên tai (PCTT). Đặc biệt, hội thảo tập huấn về tích hợp nội dung giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào chương trình giáo dục tại tỉnh Kiên Giang là một phần quan trọng của kế hoạch. Tại đây, giáo viên và cán bộ quản lý đã chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về mô hình thực tế và các khó khăn để nâng cao hiệu quả tập huấn, giúp thầy cô có nền tảng để truyền đạt kiến thức PCTT cho học sinh, góp phần giảm thiểu rủi ro do thiên tai.

Đại biểu phát biểu tham luận tại Hội thảo tập huấn

Đại biểu phát biểu tham luận tại Hội thảo tập huấn

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đoàn Chí Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, nhấn mạnh rằng tỉnh Kiên Giang thường xuyên phải đối mặt với các hình thái thiên tai khắc nghiệt như bão, áp thấp nhiệt đới, giông lốc, hạn hán và xâm nhập mặn, gây thiệt hại lớn cho người dân và hạ tầng. Trước những tác động này, công tác phòng chống thiên tai của tỉnh đã được tăng cường, từng bước bảo vệ tốt hơn tính mạng và tài sản của người dân. Đồng chí cũng khẳng định rằng việc nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là qua các hoạt động trong giáo dục, đóng vai trò thiết yếu trong việc hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang đã chú trọng đến công tác phòng, chống thiên tai trong nhà trường, tạo điều kiện để giáo viên và học sinh nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng phó. Các cơ sở giáo dục ở Kiên Giang đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa theo chủ đề thiên tai, các buổi sinh hoạt Đoàn, Hội, Đội, và phát thanh học đường, giúp học sinh nắm vững các kiến thức cần thiết. Nhiều trường còn được xây dựng theo tiêu chuẩn phòng chống thiên tai, như bố trí phòng học, ký túc xá tránh hướng gió nắng, hệ thống thoát nước chống ngập úng, và các biện pháp bảo vệ thiết bị học tập.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Trong hội thảo, các chuyên gia từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cùng với Vụ Cơ sở vật chất và Vụ Giáo dục trung học đã trình bày về việc tích hợp kiến thức phòng chống thiên tai trong giáo dục trung học cơ sở (THCS). Họ hướng dẫn cụ thể về cách lồng ghép nội dung này vào các môn học và hoạt động giáo dục, cũng như sử dụng tài liệu phòng chống thiên tai trong trường học. Qua đó, giáo viên được trang bị kiến thức và phương pháp để nâng cao hiệu quả giáo dục PCTT trong nhà trường.

Các giáo viên cũng tích cực thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tích hợp kiến thức PCTT vào chương trình giảng dạy. Họ nêu lên các thành tựu và thách thức trong quá trình thực hiện, đồng thời đề xuất giải pháp để làm cho công tác tích hợp được thực hiện hiệu quả hơn.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu sẽ tham quan công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé tại tỉnh Kiên Giang, một dự án giúp kiểm soát lũ lụt và ngăn chặn tình trạng xâm nhập mặn trong khu vực./.

Thế Hoàng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất