Thứ Tư, 9/10/2024
Đời sống
Thứ Hai, 30/8/2010 10:50'(GMT+7)

Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo

Sinh viên tình nguyện Đại học Quốc gia Hà Nội tuyên truyền nâng cao nhận thức về Luật Bảo vệ rừng cho đồng bào xã Hua Păng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La (7-2010). Ảnh: Chu Khánh

Sinh viên tình nguyện Đại học Quốc gia Hà Nội tuyên truyền nâng cao nhận thức về Luật Bảo vệ rừng cho đồng bào xã Hua Păng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La (7-2010). Ảnh: Chu Khánh

Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý và xã hội nên ở những nơi này mức sống của đồng bào các dân tộc còn rất thấp, nạn mù chữ và tái mù chữ chiếm tỷ lệ cao, đồng bào ít có điều kiện tiếp thu những kiến thức và thành tựu văn hóa mới. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ vi phạm pháp luật, sự lạc hậu, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội ở những vùng này. Chính vì vậy, tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, biên giới, hải đảo là một trong những nhiệm vụ cấp thiết mà Đảng, Nhà nước ta đặt ra.

Để tăng cường hơn nữa việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc ở các huyện nghèo, biên giới, hải đảo, ngày 18-8-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 52/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020.

Quyết định này quy định chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020 theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP). Đối tượng được hưởng hỗ trợ pháp lý gồm người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP.

Nội dung chính sách hỗ trợ pháp lý bao gồm: Thực hiện hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo; tăng cường năng lực cho các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, tư pháp xã, tổ hòa giải để trực tiếp thực hiện hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo.

Các hoạt động hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số bằng các hình thức sau: Tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, các hình thức trợ giúp pháp lý khác theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về các xã thuộc các huyện nghèo để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý để giải quyết những vướng mắc pháp luật, cung cấp thông tin pháp lý nhằm nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã thuộc các huyện nghèo; tổ chức sinh hoạt các Tổ hòa giải để giải quyết các tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư; phổ biến giáo dục và truyền thông pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động: Sinh hoạt chuyên đề pháp luật; tổ chức lớp học pháp luật buổi tối; in ấn, phát hành miễn phí tờ gấp pháp luật và băng cát-xét, đĩa CD bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số; lồng ghép nội dung pháp luật vào sinh hoạt văn hóa, lễ hội dân tộc...

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 2-10-2010. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương đẩy mạnh hơn nữa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số, từng bước giúp họ vận dụng pháp luật có hiệu quả vào việc bảo vệ lợi ích của bản thân, gia đình và quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới và giám sát việc thi hành pháp luật của chính quyền địa phương.

 Giang Long (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất