Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 14/1/2014 23:4'(GMT+7)

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân trong việc chấp hành pháp luật

Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên vào 09/11 tới (Ảnh: Internet)

Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên vào 09/11 tới (Ảnh: Internet)

1. Năm 2013, lần đầu tiên cũng là năm đầu tiên nước ta tổ chức “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thống nhất trên phạm vi toàn quốc, nhằm mục đích tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội, thực hiện nguyên tắc “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 20-6-2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013, đã quy định lấy “Ngày 9 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật).

Ngày Pháp luật 9-11 chính là ngày Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ hai thông qua bản Hiến pháp năm 1946, đạo luật cơ bản đầu tiên của Nhà nước ta. 

Năm 2010, Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ đã hướng dẫn việc nhân rộng mô hình Ngày Pháp luật trong các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương. Kết quả là có nhiều cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương đã triển khai thực hiện mô hình này và đem lại hiệu quả thiết thực trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân, giúp cho việc tìm hiểu các văn bản pháp luật không còn khô cứng, gần hơn với cuộc sống, hiện diện thường xuyên hơn trong hành vi của mỗi cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Để triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức Ngày Pháp luật được thống nhất trong toàn quốc, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP, ngày 4-4-2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong tháng 11-2013, Ngày Pháp luật đã được tổ chức tuyên truyền với nhiều nội dung phong phú: Khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức; vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

Theo Nghị định số 28/2013/NĐ-CP, hằng năm, Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật trong phạm vi cả nước. Trên cơ sở hướng dẫn tổ chức Ngày Pháp luật của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành Trung ương. Ủy ban nhân dân các cấp hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật cho các tổ chức thành viên.

Có thể nói, thông qua tổ chức Ngày Pháp luật hằng năm, cũng như các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, các cơ quan, tổ chức và cá nhân đều có quyền được thông tin về pháp luật, được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thông tin về pháp luật, qua đó nâng cao sự hiểu biết về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật được tốt hơn.

2. Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Mỗi hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật với ưu thế riêng đã góp phần chuyển tải được nội dung văn bản pháp luật đến các đối tượng trong xã hội, kể cả đối tượng là người nước ngoài sinh sống, làm việc và học tập tại Việt Nam. Hiện nay, các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đều được triển khai tương đối phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, đưa pháp luật tới gần cán bộ và người dân hơn, góp phần nâng cao ý thức pháp luật và hành vi thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật.  

Theo đó, các phương tiện thông tin đại chúng được sử dụng và phát huy như một hình thức chủ yếu trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi đối tượng trong xã hội. Nhận thức được lợi thế của hình thức này là phổ cập, kịp thời, hấp dẫn và có đông đảo người đọc, người nghe, người xem trong nước và ngoài nước, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương đã duy trì và đẩy mạnh việc phổ biến, giáo dục pháp luật qua đài phát thanh, đài truyền hình, báo, tạp chí, bản tin. Các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật trên các loại hình báo chí với cách thể hiện hấp dẫn dưới nhiều thể loại, như: Hỏi - đáp pháp luật, tình huống pháp luật, tiểu phẩm, phóng sự, nghiên cứu trao đổi về pháp luật; với nhiều nội dung phong phú có ý nghĩa, tác dụng thiết thực, như: Pháp luật và cuộc sống; bạn đọc và pháp luật; câu chuyện pháp luật; bạn hỏi luật sư trả lời... đã phát huy tác dụng, hiệu quả cao trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật. Hệ thống đài truyền thanh ở cơ sở đều có chương trình, chuyên mục về pháp luật. Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến nội dung các văn bản pháp luật, các cơ quan báo chí còn tập trung phản ánh những vấn đề thực tiễn cuộc sống có liên quan đến quy định của pháp luật, như: Đất đai, xây dựng, thuế, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội,v.v.. Thông qua đó, các cơ quan báo chí đã phát hiện, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khắc phục những bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật, góp phần hoàn thiện và tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật.

Tuyên truyền miệng là một hoạt động quan trọng, không thể thiếu trong phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây là hình thức tuyên truyền có nhiều ưu thế, có thể chuyển tải trực tiếp nội dung văn bản pháp luật đến người nghe, đồng thời có thể trao đổi, giải thích, đối thoại với người nghe về những quy định của pháp luật mà người nghe chưa hiểu, những bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đã chú trọng sử dụng hình thức tuyên truyền miệng trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, thông qua các buổi học tập pháp luật, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn về pháp luật. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp đã chú trọng lựa chọn những nội dung pháp luật phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền, minh họa bằng những dẫn chứng cụ thể trong thực tiễn áp dụng pháp luật có tính thuyết phục, làm cho người nghe dễ hiểu, dễ nhớ.

Giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục và đào tạo là một nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục toàn diện của các nhà trường. Nội dung giáo dục pháp luật được chuẩn hóa ở môn giáo dục công dân, tích hợp trong một số môn học khác ở bậc phổ thông và chương trình giảng dạy pháp luật ở bậc đại học. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường cũng đã có nhiều cải tiến về nội dung và cách làm để gắn việc học pháp luật với thực tiễn chấp hành pháp luật, gây hứng thú cho người học. Nhiều địa phương đã xây dựng được mô hình điểm về phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học, như tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân” cho học sinh, sinh viên đầu năm học; tổ chức diễn đàn “Học sinh, sinh viên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xây dựng mô hình “Chi đoàn không có đoàn viên vi phạm pháp luật”,v.v.. Thông qua các mô hình này đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trong nhà trường.

Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ đã thu hút được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người dân thuộc mọi lứa tuổi tham gia. Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật ngày càng đa dạng, ngoài thi viết truyền thống, còn tổ chức các cuộc thi trắc nghiệm, thi vấn đáp, thi trên internet. Các hình thức thi sân khấu hóa, hái hoa dân chủ, thi theo chủ đề có nội dung phong phú, sát hợp với từng đối tượng. Các cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tổ chức thường xuyên, giúp cán bộ và nhân dân hiểu biết về pháp luật được thuận tiện, kịp thời. 

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua loại hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng trở nên phổ biến. Hiện nay cả nước có hơn 400 nghìn tổ chức tư vấn pháp luật, câu lạc bộ pháp luật và câu lạc bộ trợ giúp pháp lý thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể xã hội khác. Các tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý đã tăng cường kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với trợ giúp pháp lý lưu động cho người dân ở những địa bàn khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đáp ứng nhu cầu được giải đáp những vướng mắc về pháp luật trong nhân dân. Vì thế, công tác hòa giải đã góp phần tham gia giải quyết các tranh chấp ngay từ cơ sở, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở. Trong thời gian qua, một số lượng lớn các vụ, việc tranh chấp không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của nhân dân, đồng thời mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc của mọi người, mọi nhà trong tình cảm gia đình, xóm giềng gần gũi.

Ngoài các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống nêu trên, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương còn sử dụng nhiều hình thức mới có hiệu quả, như: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua trang thông tin điện tử; giải đáp pháp luật trực tuyến trên internet. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư; tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp tại nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng. Lựa chọn những nội dung pháp luật phù hợp đưa vào hương ước, quy ước của thôn, xóm, tổ dân phố để người dân thực hiện, đồng thời kiểm tra, giám sát, có biện pháp xử lý nghiêm túc những trường hợp không thực hiện hương ước, quy ước.

3. Mặc dù công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương quan tâm tổ chức thực hiện, mang lại nhiều kết quả thiết thực, nhưng hiệu quả vẫn còn thấp, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người dân chưa cao, làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cũng như hiệu lực, hiệu qủa quản lý của Nhà nước, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Trước yêu cầu tăng cường vai trò của pháp luật, hiệu lực, hiệu quả của việc thực thi pháp luật trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải thực sự có sự chuyển biến căn bản và toàn diện, phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức và mọi người trong xã hội, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội; của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Kết luận số 04-KL/TW, ngày 19-4-2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Xác định rõ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên cần xác định việc tìm hiểu, học tập pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên; thông qua việc gương mẫu chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên mà thuyết phục, giáo dục quần chúng nhân dân, các thành viên trong gia đình ý thức tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật.

Hai là, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền; bảo đảm kết hợp hài hòa giữa những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống với những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mới đang được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn. Các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương cần chú trọng nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình điểm về phổ biến, giáo dục pháp luật trong thực tiễn; sáng tạo, linh hoạt trong việc áp dụng các biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật mới cho phù hợp; gắn phổ biến, giáo dục pháp luật với việc hướng dẫn chấp hành pháp luật; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật. 

Ba là, tăng cường lồng ghép việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong quá trình thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công, các phong trào vận động quần chúng ở cơ sở, như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào “Toàn dân thực hiện tốt pháp luật”; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”...

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với việc tổ chức thi hành pháp luật, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tư pháp và các cơ quan có chức năng tổ chức thi hành pháp luật trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. 

Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và Nghị định số 28/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Vận động sự tham gia rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân vào các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; khuyến khích các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về pháp luật, trung tâm tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư, công chứng tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật miễn phí cho nhân dân.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đối với các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo đúng định hướng chính trị, nâng cao hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, đề cao trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức và cá nhân; đồng thời thông qua công tác kiểm tra mà phát hiện, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay trong tổ chức thực hiện, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích; phê bình, kiểm điểm, có hình thức xử lý phù hợp đối với những tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật./.

Ths.Nguyễn Văn Tạo
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất