Thứ Sáu, 20/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 17/9/2014 21:42'(GMT+7)

Nâng cao nhận thức về ASEAN và tinh thần Cộng đồng ASEAN

Chiều 17-9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Quốc gia về giá trị Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Đây là hoạt động nhằm hướng tới việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và nhằm tăng cường vai trò điều phối Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại Việt Nam. Hoạt động nằm trong kế hoạch công tác về hợp tác ASEAN năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan điều phối Cộng đồng Văn hóa - Xã hội tại Việt Nam. Việc tổ chức Hội nghị nhằm tăng cường truyền thông về ASEAN theo lĩnh vực chuyên ngành trong khuôn khổ Kế hoạch tuyên truyền, quảng bá ASEAN do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tham dự và chủ trì hội nghị có bà Phạm Thị Hải Chuyền (Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), ông Phạm Quang Vinh (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), ông Nguyễn Cẩm Tú (Thứ trưởng Bộ Công thương), ông Lê Lương Minh (Tổng thư ký ASEAN).

Hội nghị đã nghe những nội dung chính về hợp tác ASEAN, tác động của Cộng đồng Chính trị - An ninh và Cộng đồng Kinh tế ASEAN; chia sẻ của các cơ quan chuyên ngành về những đóng góp cho Cộng đồng Văn hóa - Xã hội; giá trị của Cộng đồng ASEAN và tầm nhìn sau 2015.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Minh (Bộ Ngoại giao – Trưởng ban Thư ký ASEAN Quốc gia Việt Nam) cho biết, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đại hội XI - “là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN”, có nhiều sáng kiến được nêu ra, trong đó có những sáng kiến có giá trị và tầm ảnh hưởng trong nhiều năm. Điều đó làm cho vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam tăng cao trong khu vực và ASEAN.

Ông Nguyễn Tiến Minh đã giới thiệu tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN và cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN. Theo đó, cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành dựa trên 3 trụ cột là cộng đồng Chính trị - An ninh, cộng đồng Kinh tế và cộng đồng Văn hóa – Xã hội.

Cộng đồng Chính trị - An ninh nhằm mục tiêu là tạo dựng môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực Đông Nam Á thông qua việc nâng hợp tác Chính trị - An ninh ASEAN lên tầm cao mới, với sự tham gia và đóng góp xây dựng của các đối tác bên ngoài; và không nhằm tạo ra một khối phòng thủ chung. Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam luôn chủ động và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển và ổn định của ASEAN nói chung và hợp tác Chính trị - An ninh ASEAN nói riêng, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực. Kết quả lớn nhất là Việt Nam đã góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực cũng như tăng cường quan hệ hợp tác có hiệu quả giữa Việt Nam và các nước ASEAN cũng như các đối tác bên ngoài. Việt Nam cũng là một trong những nước chủ chốt trong ASEAN đấu tranh cho sự đoàn kết, nhất trí trong ASEAN, dùy trì sự đồng thuận và lập trường chung ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Về cộng đồng Kinh tế ASEAN, ông Lương Hoàng Thái (Bộ Công thương) đã chỉ ra những cơ hội và thách thức, trong đó nhấn mạnh cộng đồng Kinh tế ASEAN là một tiến trình liên tục, kể cả sau năm 2015, trong đó, cần tiếp tục rà soát hàng rào phi thuế quan, thực hiện thuận lợi hóa thương mại, rà soát xóa bỏ các ngoại lệ, linh hoạt, bảo lưu của các nước lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, di chuyển con người… Tiếp tục mở rộng các lĩnh vực có ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển như tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Nâng cấp hội nhập với các đối tác FTA và các đối tác khác, thông qua đàm phán các FTA mới và nâng cấp các FTA hiện nay.

Đối với Việt Nam, các kết quả xây dựng cộng đồng Kinh tế ASEAN tới nay đã góp phần tạo ra các khuổn khổ tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại. Cộng đồng kinh tế ASEAN đã nâng vị thế Việt Nam với ý nghĩa là một cửa ngõ của ASEAN với thế giới, thu hút sự quan tâm của các đối tác Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…Từ đó, hiện thực hóa tiềm năng đầu tư của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng các nền tảng thương mại mở ra để liên kết, xúc tiến thương mại và đầu tư. Cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua các nỗ lực bền bỉ về cải thiện chất lượng, xây dựng thương hiệu. Tích cực giải quyết các vấn đề cụ thể phát sinh thông các các nỗ lực hợp tác cấp Chính phủ.

Về cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN, theo TS. Lê Kim Dung (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cộng đồng này nhằm gắn bó chặt chẽ các nước Đông – Nam Á trong một cộng đồng gắn kết, phát triển đồng đều, hòa hợp với các “xã hội quan tâm và chia sẻ”. Cộng đồng được xây dựng trên 4 thành tố: xây dựng cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau; điều tiết những ảnh hưởng về mặt xã hội của các liên kết kinh tế; bảo đảm tính bền vững của môi trường; tăng cường nền tảng gắn kết xã hội của khu vực. Từ đó, sẽ giúp thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu văn hóa - xã hội quốc gia; tăng cường thể chế pháp lý. Nhiều chính sách được sửa đổi, bổ sung, ban hành nhằm đem lại lợi ích cộng đồng, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Nâng cao nhận thức, hiểu biết, kiến thức của người dân về các vấn đề văn hóa, xã hội, thúc đẩy hội nhập khu vực.

TS. Lê Kim Dung cũng đưa ra khuyến nghị, cần tăng cường chia sẻ những cơ hội, thách thức, tác động cũng như giá trị của cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nói riêng và cộng đồng ASEAN nói chung. Tận dụng các nội dung hợp tác khu vực để thúc đẩy các ưu tiên quốc gia và ngược lại.

Từ những ý kiến, tham luận tại Hội nghị, cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đã đề ra những ưu tiên cần hướng tới trong hoạt động. Trong đó, bao gồm việc xây dựng Kế hoạch hành động để thực hiện những khuyến nghị của Đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN, cũng như xây dựng Tầm nhìn của Cộng đồng sau 2015. Trong tiến trình đó, việc xác định rõ những giá trị của ASEAN nói chung và của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khơi dậy ý thức của Cộng đồng, tạo ra động lực của sự phát triển, hướng tới một Cộng đồng ASEAN vững mạnh.

Hội nghị về giá trị Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN được tổ chức là một trong những hoạt động trong kế hoạch chung để thực hiện những cam kết của các nhà lãnh đạo ASEAN về tương lai của ASEAN. Thành công của Hội nghị góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về ASEAN và tinh thần Cộng đồng ASEAN trong Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, hướng tới hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Thu Hằng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất