Thứ Ba, 8/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 13/9/2015 16:11'(GMT+7)

Nâng cao tính hiệu quả trong sự liên kết phát triển du lịch của vùng và khu vực

Đoàn chủ trì Hội thảo

Đoàn chủ trì Hội thảo

Tham dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Vĩnh Tân, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Phó trưởng Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung; ông Chaleune Warinthurasak, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và ông So VisoThy, Phó Quốc vụ, Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia. Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; Lê Thanh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cùng hơn 450 đại biểu là nhà quản lý, nhà nghiên cứu quan tâm đến lĩnh vực này.

Báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo, TS.Trần Du Lịch, Trưởng Nhóm Tư vấn hợp tác Phát triển vùng duyên hải miền Trung cho biết: Việc tổ chức Hội thảo này là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu phân tích, đánh giá tiềm năng, lợi thế và thực trạng đối với phát triển du lịch, từ đó đưa ra các chính sách, chủ trương, giải pháp gắn kết phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch của các tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh, xuất phát từ nhu cầu thực tế, muốn du lịch đạt được những thành tựu và nâng cao năng lực cạnh tranh thì cần thay đổi cách làm, không phải chỉ trước mắt mà phải có chiến lược cho lâu dài; không chỉ dựa vào lợi thế tĩnh đã có mà cần nâng cao chất lượng, tận dụng các lợi thế động. Đó là việc làm thiết thực để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 18-8-2015 về Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Cũng theo TS. Trần Du Lịch, hiện nay phát triển du lịch ở khu vực này tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc cần sớm tháo gỡ. Trong đó, phải nói đến là các địa phương đều thiếu tầm nhìn xa, thiếu tầm chiến lược để phát triển du lịch vượt tầm đối với từng địa phương và từng vùng; sự phát triển du lịch không đồng đều và thiếu sự liên kết giữa các địa phương; hạ tầng giao thông kết nối giữa các địa phương, các vùng và khu vực chưa đồng bộ; việc kêu gọi và thư hút đầu tư vẫn biểu hiện sự thiếu chọn lọc; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt.

Với 17 ý kiến, các đại biểu đã tập trung đánh giá, phân tích thực trạng, hạn chế trong phát triển du lịch, nhất là tính liên kết giữa các địa phương, khu vực còn thiếu chặt chẽ. Theo đó đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp với mục đích đưa ra giải pháp thiết thực để phát triển du lịch có sức cạnh tranh trên bản đồ khu vực ASEAN và thế giới.

Là thành viên Nhóm Tư vấn hợp tác Phát triển Vùng duyên hải miền Trung, PGS, TS. Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Với sự hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, chúng ta đang có nhiều cơ hội và thách thức để ngành du lịch phát triển nhanh theo hướng bền vững. Do đó, câu hỏi đặt ra là chúng ta cần làm rõ những lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam đối với các nước Đông Nam Á như thế nào? Bởi vậy, việc liên kết trong phát triển du lịch giữ các địa phương, các nước trong khu vực là vấn đề rất cần thiết, nên chúng ta cần nâng cao sự cạnh tranh về sản phẩm, năng lực của các doanh nghiệp du lịch. 

Cùng nhận định trên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải đề xuất, để tạo sự liên kết với các nước Lào và Campuchia thì đầu tư về giao thông đường bộ là rất quan trọng, vì trong nhiều năm qua du lịch của Campuchia ngày càng thu hút nhiều du khách quốc tế, trong đó nhiều nhất là Việt Nam, Lào. Làm được như vậy thì tam giác phát triển về du lịch sẽ ngày càng chặt chẽ.

Cùng với việc giới thiệu về những thuận lợi, khó khăn trong phát triển du lịch của đất nước mình, ông Prak Chandara, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Campuchia cho rằng, việc liên kết trong phát triển du lịch như chủ đề Hội thảo là một ý tưởng rất hay, nếu chúng ta phối hợp tốt, đồng bộ các nội dung đề ra, thì hiệu quả chắc chắn sẽ rất cao. Vấn đề cần bàn và tìm giải pháp để thực hiện ngay, trước hết đó là vấn đề giao thông, rồi đến thực hiện tốt việc thu hút doanh nghiệp có năng lực đầu tư. Ông Prak Chandara cho biết thêm, vừa qua với việc đánh giá cao các nhà đầu tư của Việt Nam, nên hiện nay ở Campuchia đang có nhiều dự án do các nhà đầu tư của Việt Nam đảm nhận. 

Tại Hội thảo, các đại biểu cho cho rằng, mỗi địa phương, mỗi vùng và sự liên kết với Lào và Campuchia có điều kiện thuận lợi, khó khăn riêng. Nhưng để khai thác tốt tiềm năng du lịch thì cần kết nối các chuỗi giá trị để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm, từng loại hình cung cấp cho du khách, làm được như vậy mới thúc đẩy được sự phát triển du lịch của từng vùng, từng địa phương và các nước bạn Lào, Campuchia, đồng thời cần chú ý khi liên kết khu vực chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá đúng lợi thế so sánh để tìm ra hướng đi thiết thực nhất. Đặc biệt, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch cần phải quan tâm, đầu tư tốt hơn nữa.

Phát biểu kết luận, đồng chí Đào Tấn Lộc đã đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu. Đồng chí cho rằng, những ý kiến này sẽ được tập hợp và kiến nghị với các cơ quan hữu quan của trung ương. Đồng chí Đào Tấn Lộc nhấn mạnh: Muốn đẩy mạnh hợp tác, liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch thì việc làm cần thiết là tạo sức mạnh chung, cùng hỗ trợ, giúp nhau phát huy những lợi thế vùng và từng địa phương trong vùng, khai thác các nguồn lực một cách hợp lý, giải quyết nhu cầu thực tiễn và tạo lực mới cho sự phát triển du lịch theo hướng bền vững. 

Để liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia ngày càng chặt chẽ, đồng chí Đào Tấn Lộc đề nghị sắp tới Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung sẽ sớm xây dựng chương trình cụ thể để đánh giá sát thực trạng của từng địa phương, từng vùng, vì thế mới đưa ra giải pháp cụ thể. Theo đó, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan hữu quan trung ương quan tâm hơn nữa đến việc phát triển hệ thống giao thông đồng bộ hơn; hỗ trợ nâng cấp các cảng hàng không trong vùng. Bên cạnh đó, hai nước bạn Lào và Campuchia cũng chú trọng hơn nữa việc phát triển hệ thống giao thông tại các cửa khẩu đến điểm du lịch và các cơ chế liên quan, để làm “1 visa - 3 điểm đến” trở thành hiện thực, đó sẽ là thuận lợi lớn trong sự liên kết phát triển du lịch./.

Đức Thuận
 

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất