Để nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên-môi trường biển giai đoạn 2012-2020, nhằm tăng cường năng lực quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Ban Chỉ đạo Nhà nước giao cho Bộ làm nhiệm vụ đầu mối, thẩm định nội dung, đánh giá sản phẩm của các dự án trong Đề án này.
Nhận thức rõ về vị trí chiến lược của biển, hải đảo đối với kinh tế và an ninh quốc phòng của đất nước, ngày 1/3/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 47/2006 phê duyệt Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên-môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án tổng thể).
Đây là bước chuyển biến lớn nhất về nhận thức và đầu tư cho công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên-môi trường biển, qua đó xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý Nhà nước về biển, nâng cao đáng kể chất lượng công tác điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển phục vụ khai thác tổng hợp và bền vững các nguồn tài nguyên biển đảo của đất nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên-môi trường biển là một đề án lớn, quan trọng, đa ngành, đa lĩnh vực, có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành gồm Ngoại giao, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường; Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và một số tỉnh, thành phố có liên quan.
Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, trong giai đoạn 2006-2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án tổng thể.
Kết quả sau 5 năm thực hiện, đã có 18/20 dự án được các Bộ, ngành, các địa phương tích cực triển khai thực hiện, nên đã mang lại hiệu quả nhất định, cơ bản đáp ứng được các nhiệm vụ cấp bách và phát triển kinh tế biển, bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội ở vùng biển ven bờ; thể chế, chính sách pháp luật về điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên-môi trường biển từng bước được xây dựng hoàn thiện; bộ máy quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về tài nguyên-môi trường biển dần được kiện toàn.
Cụ thể là 5 nhóm vấn đề của Quyết định số 47/2006 nằm trong nội dung của Đề án tổng thể đều đã được triển khai và mang lại kết quả và hiệu quả bước đầu. Bao gồm chính sách quản lý tài nguyên và môi trường biển; Điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên và tài nguyên-môi trường biển; Bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; Đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở vật chất; Công tác hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển.
Tiêu biểu nhất là nhiệm vụ điều tra cơ bản đã thu được một số kết quả quan trọng, có có tính chất hệ thống về điều kiện tự nhiên và tài nguyên-môi trường biển, như địa hình đáy biển, địa chất khoáng sản, địa động lực, địa chất môi trường, tai biến địa chất, tài nguyên sinh vật, tài nguyên vị thế, đất đai, tiềm năng nước ở một số vùng ven biển, một số hải đảo và cửa sông...
Kết quả bước đầu là đã phát hiện tiềm năng khoáng sản, các đặc điểm địa chất, địa động lực, địa chất khoáng sản, địa chất môi trường và dự báo tai biến địa chất và còn thu được nhiều kết quả quan trọng về các yếu tố tự nhiên, môi trường tai biến địa chất, địa chất công trình trên nền san hô trong vùng biển Trường Sa và DKI.
Đặc biệt, công nghệ xử lý các yếu tố tự nhiên tác động lên công trình đã phục vụ kịp thời cho công tác thiết kế, thi công xây dựng, sử dụng và nâng cấp công trình DKI; đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng hợp lý, bảo tồn tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái và kỳ quan địa chất vùng biển, ven bờ và các đảo của Việt Nam.
Về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, cho đến nay các trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam đã và đang được xây dựng, một số trung tâm đưa vào hoạt động phát huy tác dụng hữu ích; đồng thời hoàn thiện về phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu, đánh giá về ô nhiễm tràn dầu trên biển; xác định các khu vực nhạy cảm tràn dầu và bước đầu đề xuất phương pháp tính toán lượng giá tổn thất, do ô nhiễm tràn dầu và ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, việc thực hiện các dự án thuộc nội dung này cũng đã xác định và hoàn thiện hệ thống các tiêu chí về đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên-môi trường biển trên một số vùng biển trọng điểm, như khu vực dàn khoan, các vùng biển nhạy cảm về môi trường để có thể tiếp tục triển khai nhân rộng trên những khu vực rộng lớn hơn. Nhất là tiến hành điều tra, khảo sát bổ sung, đo vẽ, thành lập bộ bản đồ, đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên-môi trường biển cho 16 vùng trọng điểm.
Tuy vậy, Đề án tổng thể mặc dù được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006, nhưng trên thực tế hầu hết các dự án chỉ bắt đầu triển khai từ cuối năm 2008. Nên nhìn chung tiến độ và giá trị thực hiện các dự án chậm và thấp so với yêu cầu đặt ra, nguyên nhân chính yếu là do việc xây dựng và trình phê duyệt của các chủ dự án chậm.
Do đó, để nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện Đề án tổng thể giai đoạn 2012-2020, nhằm tăng cường năng lực quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Ban Chỉ đạo Nhà nước giao cho Bộ làm nhiệm vụ đầu mối, thẩm định nội dung, đánh giá sản phẩm của các dự án trong Đề án này. Đồng thời đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án trong thời gian tới./.
(Văn Hào/TTXVN)