Thứ Tư, 25/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 20/2/2009 12:15'(GMT+7)

Nâng lên tầm cao mới, chất lượng mới quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào

Attapư, Lào, ngày 18 - 2 - 2009

Kính thưa đồng chí Khămtày Xiphănđon, nguyên Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Cộng hoà dân chủ Nhân dân Lào;

Kính thưa đồng chí Xamản Vinhakệt, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phụ trách công tác tư tưởng, lý luận, văn hóa Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào;

Kính thưa đồng chí Phănđuôngchít Vôngxả, Uỷ viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào;

Kính thưa đồng chí Xinay Miênlavăn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Tỉnh trưởng tỉnh Áttapư;

Kính thưa các đồng chí Lào, Việt Nam dự Hội thảo Khoa học quốc tế về Khu Kháng chiến Hạ Lào, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập (tháng 2 - 1049 đến tháng 2 - 2009),

Qua một ngày làm việc, Hội thảo khoa học quốc tế về Khu Kháng chiến Hạ Lào nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập nhờ sự giúp đỡ tận tình của Tỉnh Attapư và sự ủng hộ tích cực của các vị đại biểu đã thành công tốt đẹp.

Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận của các đồng chí Lào và Việt Nam. Bài phát biểu khai mạc Hội thảo của đồng chí Xamản Vinhakệt, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phụ trách công tác tư tưởng, lý luận, văn hóa của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã khái quát sinh động về quá trình thành lập, hoạt động và ý nghĩa to lớn của Khu Kháng chiến Hạ Lào. Nội dung các bài tham luận cũng tập trung phản ánh về quá trình hình thành, xây dựng và chiến đấu của quân và dân các tỉnh Hạ Lào, thể hiện thế đứng vững chắc và những đóng góp to lớn của Khu Kháng chiến Hạ Lào đối với cách mạng Lào, đồng thời còn là chỗ dựa của chiến trường Nam Trung bộ của Việt Nam và chiến trường Đông Bắc của Campuchia. Bằng nhiều cứ liệu lịch sử, hầu hết các bài đều khẳng định Khu Kháng chiến Hạ Lào là nơi thể hiện sinh động tình đoàn kết sắt son và liên minh chiến đấu giữa quân đội, dân quân của các tỉnh Hạ Lào với bộ đội chủ lực, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược. Sức mạnh to lớn của tình đoàn kết nhân dân hai nước được khẳng định, đồng thời tên tuổi của nhiều nhân vật lịch sử có công xây dựng và một thời gắn bó với chiến trường Hạ Lào như các đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Hoàng thân Xuphanuvông, đồng chí Khămtày Xiphănđon, đồng chí Nuhắc Phumxavẳn, đồng chí Chummaly Xayphaxỏn, đồng chí Xamản Viankệt và các đồng chí khác đã được trân trọng nhắc đến trong nhiều tham luận.

Cho phép tôi thay mặt Đoàn Chủ tịch chân thành cám ơn các đồng chí đã đến dự và viết bài tham luận cho Hội thảo Khoa học quốc tế quan trọng này. Những bài viết này sẽ được chọn lọc để đưa vào Kỷ yếu, Hồi ký quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà chúng ta đang tiến hành.

Thưa các đồng chí,

Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể khẳng định rằng, sự ra đời và phát triển của Khu Kháng chiến Hạ Lào thể hiện sự quyết tâm và tư duy chiến lược tài tình của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng bộ Lào và của lãnh đạo hai nước Lào và Việt Nam trong chỉ đạo cuộc kháng chiến của nhân dân hai nước chống thực dân Pháp.

Từ khi Khu Kháng chiến Hạ Lào được thành lập vào đầu năm 1949, cách mạng Lào đã có nhiều chuyển biến to lớn. Các cơ sở cách mạng của vùng Hạ Lào ngày càng được củng cố và phát triển, tạo thế liên hoàn chiến đấu giữa Hạ Lào với Trung Lào, Thượng Lào. Trọng tâm công tác của Khu Kháng chiến Hạ Lào là xây dựng lực lượng bộ đội chủ lực, lực lượng dân quân chiến đấu, huấn luyện cán bộ, xây dựng, củng cố các tổ chức cơ sở đảng, giác ngộ, giáo dục, tập hợp quần chúng để tăng cường sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Lào. Đồng thời, Khu Kháng chiến Hạ Lào đã trở thành một mắt xích quan trọng của cách mạng Lào trong mối quan hệ với cách mạng Việt Nam từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong những năm kháng chiến anh dũng của nhân dân các bộ tộc Lào chống ngoại xâm, các lực lượng Pathét Lào đã kề vai, sát cánh với quân tình nguyện nhân dân Việt Nam, chiến đấu vô cùng mưu trí, dũng cảm, giành lấy từng tất đất, từng khúc sông, trả lại nguyên vẹn cho các bộ tộc và đất nước Lào. Tại vùng Hạ Lào, trong hai cuộc kháng chiến đã diễn ra những trận đánh ác liệt giữa liên quân Lào - Việt Nam với quân viễn chinh Pháp cùng quân tay sai của Pháp và quân đội Mỹ cùng quân tay sai của Mỹ.

Khi cuộc kháng chiến kết thúc, nước Lào được giải phóng, quân tình nguyện nhân dân Việt Nam đã rút khỏi nước Lào trong sự lưu luyến, yêu thương và tình đoàn kết keo sơn của các đồng chí Lào và nhân dân các bộ tộc Lào.

Qua Hội thảo, có thể rút ra một số nhận định về Khu Kháng chiến Hạ Lào:

Một là: Việc thành lập Khu Kháng chiến Hạ Lào là một chủ trương đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương và các nhà lãnh đạo cách mạng Lào. Vị trí này đã trở thành bàn đạp và thế vững chắc cho cuộc kháng chiến toàn diện ở Lào, bản thân Khu Kháng chiến Hạ Lào cũng là chiến trường để tiêu diệt quân địch.

Hai là: Đây là một trong những nơi chủ chốt nhất để xây dựng lực lượng vũ trang, huấn luyện, đào tạo cán bộ cho cách mạng Lào; nơi hoạt động có hiệu quả của nhiều cơ quan quan trọng của cách mạng Lào qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Ba là: Đây còn là địa điểm tập kết thuận lợi cho cả lực lượng cách mạng Lào và lực lượng cách mạng Việt Nam. Khi lực lượng cách mạng Lào gặp khó khăn thì rút về tập kết tại vùng biên giới Việt Nam sát với Lào. Khi lực lượng cách mạng Việt Nam gặp khó khăn thì rút về tập kết tại vùng biên giới Lào sát với Việt Nam. Đường mòn Hồ Chí Minh, địa phận Hạ Lào và địa phận Nam Trung bộ của Việt Nam đã là những địa danh trực tiếp kết nối cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, là nôi kết nối sự đồng hành của hai dân tộc Việt Nam và Lào trong cuộc trường chinh vì nghĩa lớn giúp đỡ lẫn nhau giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Thưa các đồng chí,

Từ ngày hòa bình lập lại ở Việt Nam và ở Lào, gần 35 năm qua, mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào càng gắn bó hơn bao giờ hết. Phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, trong những năm qua, những công trình do Việt Nam xây dựng trên đất nước Lào càng tô thêm vẻ đẹp của truyền thống và quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào ngày hôm nay. Ngay trên vùng đất lịch sử Hạ Lào và tỉnh Áttapư này cũng đã xuất hiện những công trình thể hiện sinh động tình đoàn kết Việt Nam - Lào. Tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam và sự giúp đỡ của cách mạng Việt Nam với cách mạng Lào vẫn còn nguyên vẹn như những năm quân đội và nhân dân hai nước đang chiến đấu “nằm gai, nếm mật”, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”. Đồng thời, trong điều kiện và yêu cầu mới của cách mạng hai nước, tình cảm truyền thống đó đang được nâng lên tầm cao và chất lượng mới.

Trong hai Lễ mít tinh trọng thể tại thủ đô Viên Chăn và tại thủ đô Hà Nội, cùng ngày 17-7-2007, kỷ niệm 30 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác và 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Lào - Việt Nam, đồng chí Chumaly Xaynhaxỏn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, nhấn mạnh đến việc mở rộng quan hệ ở mọi cấp, cả trung ương và địa phương của Lào và Việt Nam trong hoàn cảnh mới, kết hợp thực hiện những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hợp tác quốc tế với tính đặc biệt của quan hệ Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào, khẳng định Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có mối quan hệ truyền thống hiếm có, gắn bó thủy chung son sắt lâu đời. Mối quan hệ ấy đang được phát huy trong công cuộc đổi mới của mỗi nước. Cùng với những thành quả phát triển đáng tự hào của mỗi nước, chúng ta hết sức vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng được củng cố và tăng cường. Tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế về Khu kháng chiến Hạ Lào là cơ hội chúng ta bày tỏ lòng tri ân sâu sắc va to lớn đối với đồng bào - đồng chí, cùng cán bộ chiến sỹ Việt Nam – Lào đã hy sinh xương máu vì sự trường tồn và phồn vinh của mỗi nước vì sự trường tồn và phát triển của mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào.

Xin chúc cho tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào và mối quan hệ gắn bó giữa các tỉnh miền Trung của Việt Nam với các tỉnh của Hạ Lào, trong đó có Áttapư đời đời bền vững và ngày càng phát triển.

Cho phép tôi thay mặt Đoàn Chủ tịch Hội thảo, trân trọng cảm ơn Đảng Nhà nước Lào, Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, cảm ơn đồng chí Khămtày Xiphănđon, đồng chí Xamản Vinhakệt và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Lào đã có mặt chỉ đạo và tham dự Hội thảo, cảm ơn Tỉnh uỷ Áttapư, đại diện lãnh đạo các tỉnh của Lào và Việt Nam, các chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, các nhà khoa học, các đại biểu tham dự Hội thảo, các cơ quan thông tin báo chí và các đồng chí phục vụ, nhờ đó đã mang lại thành công tốt đẹp cho cuộc Hội thảo hôm nay.

Tôi xin tuyên bố kết thúc Hội thảo Khoa học quốc tế về Khu Kháng chiến Hạ Lào.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất