Ngoài thành công xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt, thúc đẩy và nâng
tầm giá trị hàng sản xuất trong nước, tác động từ Cuộc vận động đã giúp
kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu, bảo đảm cân đối cung cầu, đóng góp to
lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
NHỮNG CON SỐ "BIẾT NÓI"
Những năm gần đây, cùng tốc độ phát triển nhanh của các hệ thống siêu
thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng Việt Nam, lượng hàng Việt tại các hệ
thống siêu thị trong nước cũng luôn đạt tỷ lệ từ 90% trở lên. Đối với
kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi
đang chiếm ít nhất 60%. Thậm chí, tại các hệ thống siêu thị có vốn nước
ngoài, hàng Việt cũng đang chiếm tỷ lệ áp đảo, cụ thể: Lotte (82% theo
doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu),
AEON (80% theo mã hàng), MegaMarket (95% theo mã hàng),...
Sức lan tỏa
từ Cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu
dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm,
quyền lợi của người tiêu dùng đối với những sản phẩm hàng hóa sản xuất
trong nước. Thông điệp “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã
lan tỏa mạnh mẽ, trở thành hành động trong mọi tầng lớp nhà sản xuất,
người tiêu dùng.
Bộ Công thương nhận định, đây là yếu tố quan trọng giúp tổng mức lưu
chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay liên tục tăng
trưởng ấn tượng khoảng 10% mỗi năm, nhất là trong ba năm gần đây
(2016-2018), mức tăng này liên tiếp xác lập các kỷ lục mới lần lượt là
10,2%, 10,9%, 11,7%. Mặt khác, đây cũng chính là động lực thúc đẩy sản
xuất công nghiệp trong nước tăng trưởng tích cực, tỷ lệ nội địa hóa được
nâng cao. Theo đó, chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp qua các năm
có sự tăng trưởng đáng kể (năm 2018: 10,2%; năm 2017: 9,4%; năm 2016:
7,5%; năm 2015: 9,8%).
Cùng với đó, nhiều ngành sản xuất hàng Việt Nam
có thế mạnh cũng đã tăng được tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học -
công nghệ trong sản phẩm. Chẳng hạn, tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của
ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chiếm
khoảng 40-50%; áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất ô-tô, chế biến sữa,
sợi và dệt nhuộm đã làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm…
Cũng nhờ
sức lan tỏa mạnh mẽ từ Cuộc vận động, cộng đồng DN trong nước đã xây
dựng được ý thức không ngừng cải tiến, ứng dụng khoa học - công nghệ,
đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng;
chủ động tạo mối liên kết hữu cơ trong cộng đồng DN nhằm góp phần nâng
cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Có thể thấy, từ chỗ phải vận động người
dân ưu tiên dùng hàng Việt, đến nay nhiều sản phẩm hàng hóa trong nước
đã thật sự chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở
thành niềm tự hào của người Việt Nam.
SẴN SÀNG ĐỐI MẶT THÁCH THỨC MỚI
Những kết quả thiết thực từ Cuộc vận động cũng như sự khởi sắc từ các
ngành sản xuất, dịch vụ,… đã góp phần quan trọng vào kiềm chế lạm phát
ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chỉ số
giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống
mức dưới 5% trong các năm gần đây, đặc biệt, nước ta đã chuyển từ nhập
siêu sang xuất siêu. Năm 2010, Việt Nam nhập siêu là 12,5 tỷ USD, nhưng
đến năm 2018, Việt Nam đã xuất siêu gần 7,2 tỷ USD.
Rõ ràng, Cuộc vận
động đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, mang ý nghĩa
to lớn về nhiều mặt. Đó là đã khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong
mỗi người Việt Nam, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, góp
phần xây dựng nền kinh tế tự cường, tự lực; phát huy sức mạnh dân tộc
giúp các DN Việt Nam đứng vững, vượt qua khó khăn trong xu hướng hội
nhập; tạo nên nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và làm
cho mọi người gắn bó, chia sẻ với nhau hơn. Đây là tiền đề quan trọng để
Cuộc vận động tiếp tục được triển khai hiệu quả trong thời gian tới,
nhất là trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng, thị trường
quốc tế được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa sản xuất
trong nước và làm tăng tính đa dạng với thương mại nội địa.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi có được, DN Việt Nam cũng sẽ đối
mặt sức ép từ việc phải tuân thủ các cam kết trong các hiệp định thương
mại tự do mà Việt Nam tham gia cũng như việc mở cửa và cắt giảm các dòng
thuế theo lộ trình của các cam kết nêu trên.
Không những vậy, áp lực
cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước với hàng hóa nhập ngoại cũng
như do các DN FDI sản xuất là rất gay gắt, trong đó chủ yếu là khối DN
nhỏ và vừa, các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ của Việt Nam do còn hạn chế
về vốn, thương hiệu, chưa có khả năng bảo vệ mình trước những vi phạm về
thương mại.
Một số hàng hóa của Việt Nam chưa đủ năng lực cạnh tranh về
chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, dịch vụ hậu mãi,... Nghiêm trọng
hơn, một số DN trong nước còn gian lận thương mại, sản xuất hàng giả gây
mất uy tín hàng hóa thương hiệu Việt.
Trong khi đó, kinh tế thế giới
mặc dù đã dần đi vào ổn định, nhưng bối cảnh chung cũng không hoàn toàn
thuận lợi khi các nền kinh tế chủ chốt, cũng là đối tác thương mại đầu
tư lớn của Việt Nam, đang phải đối mặt với nhiều bất định; tình hình
biến động địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới diễn biến
nhanh, chắc chắn gây ảnh hưởng tới thị trường thế giới và trong nước.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa chương trình “Người Việt Nam ưu tiên
dùng hàng Việt Nam”, thời gian tới, cần tiếp tục có những nâng tầm Cuộc
vận động, trong đó khẳng định vai trò quan trọng của Cuộc vận động trong
bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.
Cùng với đó là
tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo theo hệ thống ngành dọc để có sự
phối hợp thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong việc tiếp tục
thúc đẩy sản xuất và kinh doanh hàng Việt Nam cũng như hỗ trợ, tạo thuận
lợi cho DN phát huy vai trò, trách nhiệm trong sản xuất - kinh doanh,
đưa sản phẩm đến người tiêu dùng đúng với các quy định hội nhập.
Cùng
với các giải pháp đồng bộ khác, chắc chắn Cuộc vận động sẽ được triển
khai hiệu quả hơn, tạo tiền đề thuận lợi đưa hàng hóa và thương hiệu
Việt Nam ngày càng phát triển và vươn ra thế giới./.
Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động, các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương đã tập trung tuyên truyền mạnh mẽ về các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Cuộc vận động. Đến nay, đã có hàng trăm nghìn tin, bài, phóng sự cùng hàng trăm chuyên mục về chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được đăng tải, phát sóng. Hơn 844 cơ quan báo in, 72 đơn vị phát thanh truyền hình, 24 báo điện tử, 1.600 trang điện tử, hơn 400 mạng xã hội, 673 cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện và hơn 9.000 đài truyền thanh cấp xã,… đã tạo thành mạng lưới thông tin sâu rộng, là lực lượng hùng hậu trong thực hiện tuyên truyền về Cuộc vận động.
(Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông)
|
Khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển thị trường trong nước
10 năm qua, Bộ Công thương đã triển khai nhiều giải pháp tổng thể nhằm thực hiện Chương trình hành động hưởng ứng Cuộc vận động, trong đó đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động; rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường. Thời gian tới, để triển khai hiệu quả hơn nữa Cuộc vận động, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị tăng cường thực hiện các nhiệm vụ được phân công, trong đó trọng tâm là khẩn trương trình Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 để có những giải pháp phát triển cho các nhà bán lẻ và hàng hóa Việt Nam./.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương)
|
Thái Linh (nhandan.com.vn)