1. Khái niệm lao động, kỹ năng
Lao động là hoạt động quan trọng nhất của con người, tạo ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần của xã hội. Lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao là nhân tố quyết dịnh sự phát triển của một quốc gia. Trong văn kiện thành lập của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), một nguyên tắc nêu rõ rằng con người không nên bị đối xử như các thứ hàng hóa vô cảm, như vốn tư bản, hay đơn thuần như phương tiện sản xuất, nguồn lực nào đó. Thay vào đó, những người làm việc vì sinh kế cần được đối xử như con người có phẩm giá và đáng trọng. Vậy nên lao động không được coi là hàng hóa.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Kỹ năng (tiếng Anh: skill) là khả năng thực hiện một hành động với kết quả được xác định thường trong một khoảng thời gian cùng năng lượng nhất định hoặc cả hai. Các kỹ năng thường có thể được chia thành các kỹ năng miền chung và chuyên biệt. Ví dụ: trong lĩnh vực công việc, một số kỹ năng chung sẽ bao gồm quản lý thời gian, làm việc theo nhóm và lãnh đạo, tự tạo động lực và những người khác, trong khi các kỹ năng dành riêng cho miền chỉ được sử dụng cho một công việc nhất định. Kỹ năng thường đòi hỏi các kích thích và tình huống môi trường nhất định để đánh giá mức độ kỹ năng được thể hiện và sử dụng. Con người cần một loạt các kỹ năng để đóng góp cho nền kinh tế hiện đại. Một điểm chung giữa Hiệp hội phát triển tài năng (ASTD) và nghiên cứu của Bộ Lao động Hoa Kỳ cho thấy thông qua công nghệ, nơi làm việc đang thay đổi và xác định 16 kỹ năng cơ bản mà nhân viên phải có để có thay đổi theo. Ba loại kỹ năng được đề xuất và đây là các kỹ thuật, con người và khái niệm. Hai cái đầu tiên có thể được thay thế bằng các kỹ năng cứng và mềm, tương ứng.
Theo từ điển Oxfort, “kỹ năng” là khả năng để làm tốt một công việc nào đó thường có được qua đào tạo hoặc kinh nghiệm (the ability to do something well, usually gained through training or experience). Theo đó, kỹ năng được hiểu là sự thành thạo, tinh thông về các thao tác, động tác trong quá trình hoàn thành một công việc cụ thể nào đó.
Theo Từ điển Giáo dục học, kỹ năng được phân chia thành 2 bậc: Kỹ năng bậc thấp (bậc 1) và kỹ năng bậc cao (bậc 2). Kỹ năng bậc thấp là khả năng thực hiện đúng hành động, phù hợp với những mục tiêu và điều kiện cụ thể. Ở bậc này có những kỹ năng hình thành không cần qua luyện tập,nếu biết tận dụng hiểu biết và kỹ năng tương tự đã có để chuyển sang các hành động mới. Kỹ năng bậc cao là khả năng thực hiện hành động, hoạt động một cách thành thạo linh hoạt, sáng tạo phù hợp với những mục tiêu trong những điều kiện khác nhau. Để đạt tới kỹ năng này cần trải qua giai đoạn luyện tập các kỹ năng đơn giản, sao cho mỗi khi hành động, người ta không còn bận tâm nhiều đến thao tác nữa vì nhiều thao tác đã tự động hóa.
Theo Tâm lý học và Tâm lý học sư phạm của Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thàng (2001), kỹ năng là khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết một nhiệm vụ.
Theo tác giả Đặng Thành Hưng trong “Vai trò của kỹ năng trong sự phát triển con người” (2016), kỹ năng là dạng hành động tự giác, được thực hiện có kĩ thuật, dựa và những điều kiện sinh học, tâm lí và xã hội ở cá nhân, và có kết quả nhất định đáp ứng mục tiêu hay chuẩn đã định trước. Có kĩ thuật tức là không tùy tiện, mà tuân theo trình tự, qui tắc và yêu cầu kĩ thuật.
Trên thế giới, thuật ngữ kỹ năng đã được luật hóa trong nhiều đạo luật của nhiều quốc gia.
Tuy có các khái niệm khác nhau, nhưng nhìn chung kỹ năng có một số đặc điểm sau:
- Kỹ năng có một số nội dung là những quá trình tâm lý, vì nó là tổ hợp của hàng loạt các yếu tố hợp thành như tri thức, kỹ năng, kỹ xảo đã có; khả năng chú ý, tư duy....;
- Kỹ năng có tính linh hoạt và có thể di chuyển từ hoàn cảnh này sang hoàn cảnh khác; kỹ năng có tính kĩ thuật, tức là có cấu trúc thao tác và trình tự tổ chức các thao tác đó;
- Kỹ năng được hình thành do luyện tập, được hình thành trong quá trình hoạt động của con người. Kỹ năng ở một hoạt động được thể hiện bằng những phẩm chất như tính chính xác, tốc độ thực hiện hành động, khả năng thực hiện độc lập công việc, tính linh hoạt, hành động hợp lý, trong các hoàn cảnh khác nhau.
Như vậy, kỹ năng là một quá trình tâm lý, được hình thành khi con người áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Kỹ năng có được do quá trình lặp đi lặp lại một hoặc một nhóm hành động nhất định nào đó. Kỹ năng theo nghĩa hẹp hàm chỉ đến những thao tác, hành động của thể của con người. Kỹ năng hiểu theo nghĩa rộng hướng nhiều đến khả năng, đến năng lực của con người.
Hiểu theo nghĩa hẹp trong một nghề cụ thể thì khái niệm kỹ năng nghề, tức hàm ý đến thao tác, hành động của con người. Vì vậy, theo cách tiếp cận năng lực thực hiện, kỹ năng là một thành tố quan trọng trong ba thành tố tạo nên năng lực thực hiện của con người (kiến thức, kỹ năng và thái độ), để giúp con người thực hiện một công việc nào đó như mong đợi.
Kỹ năng nghề nghiệp (professional skills hoặc vocational skills) là thuật ngữ có nguồn gốc từ thuật ngữ kỹ năng (skill), nhưng nội hàm được mở rộng theo hướng khả năng và năng lực thực hiện của con người. Theo quan niệm này, năng lực thực hiện được coi là sự tích hợp nhuần nhuyễn của ba thành tố kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để hoàn thành được từng công việc cụ thể của nghề, chứ không phải là sự tồn tại độc lập giữa chúng với nhau và ít liên quan đến công việc của nghề [6].
Nếu kỹ năng thuần túy được hiểu theo nghĩa hẹp, hướng tới thao tác, khả năng hoạt động cụ thể thì kỹ năng nghề nghiệp được hiểu theo nghĩa rộng hướng tới khả năng, năng lực thực hiện hành động của con người trong các lĩnh vực nghề nghiệp. Kỹ năng theo nghĩa hẹp chỉ là một thành tố của năng lực (năng lực bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ). Trong hoạt động nghề nghiệp, con người luôn biểu hiện những khả năng nhất định để thực hiện công việc nào đó. Khi thực hiện những hoạt động ấy, con người cần phải có tri thức, kinh nghiệm cần thiết tương ứng với hoạt động, có khả năng tập trung chú ý, tư duy, tưởng tượng để thực hiện hoạt động theo mục đích.
Vì vậy, kỹ năng nghề nghiệp cần phải được hiểu theo nghĩa rộng (tức là năng lực), mới thấy được đầy đủ ý nghĩa của kỹ năng nghề nghiệp. Ngày nay, với việc đổi mới phương pháp tiếp cận mục tiêu trong đào tạo, thì cần quan tâm đến kết quả đầu ra của người học có được để có thể vận dụng vào việc thực hiện từng công việc cụ thể của một nghề, tìm được việc làm và cống hiến cho xã hội hơn là trang bị cho người học thật nhiều kiến thức lý thuyết. Do đó, kỹ năng nghề nghiệp được hiểu là khả năng của con người thực hiện công việc nghề nghiệp một cách có hiệu quả trong một thời gian thích hợp, với các điều kiện nhất định, dựa vào sự tích hợp nhuần nhuyễn các kiến thức, kỹ năng, thái độ.
Tiêu chuẩn xác định kỹ năng nghề nghiệp: nếu căn cứ vào mức độ của hành động, có các loại kỹ năng đơn giản như đọc, viết và các kỹ năng phức tạp như học tập, vận hành máy móc; và nếu căn cứ vào mức độ biểu hiện của kỹ năng có kỹ năng chung (là loại kỹ năng biểu hiện ở mọi hoạt động của con người như kỹ năng sử dụng các công cụ lao động, kỹ năng học tập, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghiên cứu..) và kỹ năng riêng (là kỹ năng trong hoạt động nghề nghiệp nhất định, tùy thuộc vào từng trình độ, đòi hỏi người lao động phải có các kỹ năng tương ứng); nếu căn cứ vào mức độ quan trọng của kỹ năng, người ta phân ra các loại kỹ năng cơ bản, kỹ năng chung, kỹ năng cốt lõi; nếu căn cứ vào tính chất của kỹ năng, người ta còn phân loại ra các kỹ năng cứng (là kỹ năng chuyên môn nghề - kỹ năng kỹ thuật cụ thể như khả năng học vấn trình độ chuyên môn cho mỗi công việc, ngành nghề nhất định và kinh nghiệm) và kỹ năng mềm (là các kỹ năng không mang tính kỹ thuật hay còn gọi là kỹ năng thực hành xã hội).
Như vậy, có thể hiểu, phát triển kỹ năng nghề nghiệp (skills development hay vocational skills development) là quá trình đào tạo hình thành, nâng cao khả năng thực hiện công việc nghề nghiệp của con người trong một thời gian thích hợp, với các điều kiện nhất định, trên cơ sở sự tích hợp nhuần nhuyễn các kiến thức, kỹ năng, thái độ. Tuy nhiên, phát triển kỹ năng nghề nghiệp khác phát triển đào tạo nghề nghiệp ở chỗ, khi nói tới đào tạo nghề nghiệp tức là đặt trọng tâm vào đầu vào (nhà cung cấp), trọng tâm vào nhà trường và giáo viên, còn khi nói tới phát triển kỹ năng nghề nghiệp tức là người ta quan tâm tới đầu ra (người học sau quá trình đào tạo), lấy người học là trung tâm.
2. Sự cần thiết phải nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam
Hiện nay, với xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, cũng như tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu về nâng tầm kỹ năng lao động đang trở nên hết sức cần thiết đối với mọi quốc gia. Việc nâng tầm kỹ năng lao động sẽ làm gia tăng chất lượng và hiệu quả lao động, là nhân tố hết sức quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến quý II năm 2019, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 55,46 triệu người (chiếm hơn một nửa dân số với tỷ lệ 57,65%); trong đó lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 22,37% (lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 10,82%, cao đẳng chiếm 3,82%, trung cấp chiếm 4,65%, sơ cấp chiếm 3,08% trong tổng lực lượng lao động). Những con số thống kê cho thấy lực lượng lao động Việt Nam khá dồi dào, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, tỷ lệ quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hiện tại và cũng như trong tương lai. Do đó, với lợi thế là quốc gia đang ở giai đoạn dân số vàng, việc nâng tầm kỹ năng cho người lao động về cả số lượng và chất lượng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia; nhằm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình vào năm 2030, hướng tới mục tiêu đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển hoặc nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Liên hợp quốc ngày càng quan tâm đến đề cao vai trò, tôn vinh người lao động có kỹ năng, đặc biệt là lao động trẻ. Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết chọn ngày 15 tháng 7 là Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới kể từ năm 2014. Hằng năm một số nước trên thế giới tổ chức ngày Kỹ năng quốc gia và tuần lễ kỹ năng quốc gia như nước Úc tổ chức Tuần lễ Kỹ năng quốc gia (National Skills Week), nước Anh tổ chức Ngày Kỹ năng quốc gia (National Skills Day). Đồng thời, vấn đề nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động cũng được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xác định là vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu, là một trong trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia trên thế giới.
Việt Nam đã tham gia Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới (WorldSkills International), với 84 tổ chức thành viên từ trên 60 quốc gia, trong đó có nhiều nước phát triển. Từ năm 2015 đến nay, Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới đã khuyến nghị các quốc gia chú trọng phát triển kỹ năng cho người lao động thông qua nhiều hình thức, trong đó khuyến khích tổ chức các hoạt động và sự kiện để kỷ niệm Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới. Vai trò, giá trị của lực lượng lao động và trình độ kỹ năng của người lao động đã được Tổ chức này công nhận thể hiện qua các thông điệp sau: “Kỹ năng của chúng ta, tương lai của chúng ta” và “Kỹ năng lao động mang đến giá trị đích thực”
Nước ta đã có những ngày kỷ niệm để tôn vinh người lao động trong một số lĩnh vực ngành, nghề như: Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2); Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6); Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10); Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Bên cạnh đó, hằng năm chúng ta vẫn tổ chức các sự kiện tôn vinh người lao động nói chung nhân Ngày Quốc tế lao động (1/5). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một ngày cụ thể tôn vinh kỹ năng lao động ở tất cả các lĩnh vực ngành, nghề. Do đó, việc có “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam” là hết sức cần thiết vừa để hội nhập với xu thế tôn vinh người lao động có kỹ năng của các nước trên thế giới, đồng thời thúc đẩy nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vai trò, giá trị của người lao động Việt Nam có kỹ năng trong tình hình mới./.
Đức Huy