Thứ Bảy, 21/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 2/10/2015 14:58'(GMT+7)

Nâng tầm phong trào khuyến học

Ảnh minh họa/Hoàng Hà

Ảnh minh họa/Hoàng Hà

 

Người Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học từ hàng nghìn đời nay. “Tôn sư trọng đạo”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” không chỉ là một nét văn hóa ứng xử, mà còn thể hiện tinh thần trọng chữ nghĩa, đề cao học vấn của người Việt. Học tập vốn là nhu cầu tự thân của con người nói chung. Đối với người dân Việt Nam, đó còn là khát vọng nội sinh để vượt qua tăm tối, đói nghèo, lạc hậu. Trong vòng hơn 1 năm (từ tháng 10-1945 đến hết tháng 12-1946), nhờ có phong trào bình dân học vụ ra đời và nở rộ khắp mọi miền, cả nước ta đã có hơn 2,5 triệu người dân biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ, thoát khỏi nạn mù chữ.

Theo Hội Khuyến học Việt Nam, sau 7 năm ra đời, đến nay Hội Khuyến học các cấp đã chứng nhận cho hơn 5,5 triệu gia đình hiếu học và hơn 50.000 dòng họ khuyến học. Có thể khẳng định rằng, phong trào khuyến học như cây cao bóng cả đã “bén rễ, lan tỏa” đến khắp vùng miền trên cả nước, từ thành thị đến nông thôn, từ biên giới đến hải đảo và trở thành một trong những phong trào thu hút đông đảo người dân tham gia, với khoảng 11 triệu hội viên khuyến học, chiếm 12% dân số. Đó là những "con số biết nói” về tinh thần hiếu học của người dân Việt Nam.

Tuy vậy, dù số lượng gia đình hiếu học, dòng học khuyến học, hội viên khuyến học trong cả nước tương đối lớn, nhưng chất lượng nguồn nhân lực của đất nước lại chưa cao. Phải chăng, do phong trào khuyến học mới triển khai trên diện rộng, mà chưa chú trọng đi vào chiều sâu? Hay do người Việt rất ham học, nhưng chưa tìm ra cách học hợp lý, hiệu quả để nâng cao chất lượng thực học, thực tài? Hay do nền giáo dục của nước ta chưa bắt “đúng mạch” xu thế giáo dục thời đại?

Để góp phần giải quyết những câu hỏi trên, cùng với quyết liệt đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào khuyến học lên tầm cao mới. Muốn vậy, các cấp hội khuyến học, các dòng họ, các gia đình cần đổi mới nhận thức của việc học thời nay là, thay vì chạy theo bằng cấp, chạy theo “học đại học bằng mọi giá”, cần chú trọng học thực chất hơn để có công ăn việc làm phù hợp và nghề nghiệp ổn định. Nên chăng, các cấp hội khuyến học, các dòng họ khuyến học không chỉ dừng lại ở việc khen thưởng thanh thiếu niên vượt khó học giỏi và thi đỗ đại học, mà còn góp sức cùng các nhà trường, thầy cô giáo định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh biết lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng, trình độ, sở thích của các em. Ngoài “bảng vàng danh dự” ghi danh những con em trong dòng họ đỗ đạt, cũng cần có thêm “trang vàng tri ân” ghi nhận những người đã hiến trí, góp công, góp của cho phong trào khuyến học của dòng họ, quê hương mình đã phát huy, lan tỏa trong cộng đồng.   

Gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học là hạt nhân cốt lõi của phong trào khuyến học. Phong trào khuyến học nở rộ là nền tảng để xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập. Tiếp tục nhân rộng, phát huy và nâng tầm hiệu quả hoạt động của phong trào này là thiết thực động viên mọi người dân thường xuyên, bền bỉ học tập để không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

ANH THẢO/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất