Thứ Hai, 23/9/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 23/5/2010 10:51'(GMT+7)

Nâng tầm quan hệ đối tác

Sáng 23/5 (theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Belarus, Thụy Sĩ, thăm cấp Nhà nước tới Phần Lan, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và 3 quốc gia châu Âu này.Belarus, Thụy Sĩ và Phần Lan là các đối tác quan trọng của Việt Nam ở châu Âu, đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ giúp đỡ quý báu trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp, chẳng hạn với Belarus mới đạt 120 triệu USD, với Phần Lan là 230 triệu USD năm 2009.

Chính vì vậy, chuyến thăm chính thức lần đầu tiên của Chủ tịch nước ta tới Belarus, Thụy Sĩ và Phần Lan là nhằm tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với 3 nước, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư.

Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, thể hiện trên các kết quả chính sau: Lãnh đạo và nhân dân Belarus, Thụy Sĩ và Phần Lan trân trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, khẳng định quyết tâm phát triển quan hệ hữu nghị, đối tác tin cậy với Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và lãnh đạo 3 nước đã nhất trí về phương hướng và nhiều biện pháp lớn nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với ba nước, thể hiện rõ qua các Tuyên bố chung và nhiều Hiệp định quan trọng được ký kết trong chuyến thăm.

Belarus, Thụy Sĩ và Phần Lan đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, bày tỏ sẵn sàng làm cầu nối giúp tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với châu Âu và chúng ta cũng sẵn sàng làm cầu nối giúp ba nước mở rộng quan hệ với khu vực Đông Nam Á.

Trong chuyến thăm này, Việt Nam đạt được nhiều thỏa thuận cụ thể với 3 nước nhằm tăng cường hợp tác kinh tế- thương mại và đầu tư. Cả 3 nước đều coi đây là trọng tâm hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới. Thụy Sĩ và Phần Lan khẳng định tiếp tục ưu tiên dành cho Việt Nam viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) theo hướng thay đổi cơ cấu, tập trung vào hợp tác kinh tế, xây dựng chiến lược kinh tế vĩ mô, phát triển công nghệ xanh, năng lượng sạch, hợp tác đối phó với biến đổi khí hậu, đào tạo nghề…

3 nước và Việt Nam nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mỗi bên thâm nhập vào thị trường của nhau, và qua đó thâm nhập vào thị trường khu vực (như hàng hóa của các nước này qua Việt Nam đi vào thị trường ASEAN và hàng hóa Việt Nam qua các nước này vào Bắc Âu và Liên minh châu Âu).

Ngay trong thời gian Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Thụy Sĩ, Việt Nam và 4 nước thành viên Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) đã ký tuyên bố khởi động nhóm Nghiên cứu khả thi chung về đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).

Việt Nam và Belarus đã ký Hiệp định khung về hợp tác nông nghiệp, thỏa thuận về công nhận lẫn nhau quy chế nền kinh tế thị trường, quyết tâm phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai nước lên 1 tỷ USD trong năm tới, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, dầu khí, nông nghiệp, ngân hàng, du lịch, y tế, lao động...

Các doanh nghiệp Thụy Sĩ muốn đầu tư và kinh doanh nghiêm túc, lâu dài tại Việt nam, muốn tham gia phát hành trái phiếu của Chính phủ Việt Nam, thu xếp vốn, tư vấn tài chính cho các dự án lớn tại Việt Nam về xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý đô thị, giao thông, sân bay. Việt Nam và Phần Lan cam kết phấn đấu nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 1 tỷ USD và đầu tư của Phần Lan tại Việt Nam lên 1 tỷ USD trong một vài năm tới. Các doanh nghiệp Phần Lan đặc biệt quan tâm hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực công nghệ xanh sạch và năng lượng tái tạo.

Tiếp đó là hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo là một trọng tâm của chuyến thăm. Belarus, Thụy Sĩ, Phần Lan đều nhất trí thúc đẩy hợp tác với các trường đại học và trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam, cam kết dành học bổng và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên Việt Nam học tập, coi sinh viên, học sinh là cầu nối quan trọng của tình hữu nghị.

Các nước tới thăm đều đánh giá cao vai trò và sự hòa nhập tốt của cộng đồng người Việt Nam ở sở tại, sẵn sàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống làm ăn và hòa nhập vào xã hội sở tại.

Với những kết quả đó, chuyến thăm là bước phát triển mới, tạo động lực quan trọng, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước Belarus, Thụy Sĩ và Phần Lan tiếp tục phát triển sâu rộng và hiệu quả hơn.

Qua chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho thấy quan hệ giữa Việt Nam và Belarus, Thụy Sĩ và Phần Lan có nhiều tiềm năng để phát triển. Đó là nền tảng của quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và những thế mạnh có thể bổ sung cho nhau. Belarus có tiềm lực khá lớn về công nghiệp, nông nghiệp, khoa học, giáo dục. Thụy Sĩ và Phần Lan là những nước công nghiệp phát triển với các thế mạnh như ngân hàng, tài chính, dịch vụ du lịch, sản xuất hàng công nghiệp giá trị cao… Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào và trẻ, có thị trường lớn và đặc biệt là có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục nhiều năm và chính trị xã hộ ổn định. Các nước đều nhìn nhận Việt Nam là điểm đầu tư  hấp dẫn, an toàn.

Trong thời gian tới, để triển khai kết quả của chuyến thăm, chúng ta cần triển khai tích cực và hiệu quả các thỏa thuận và văn kiện đã được ký kết, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thiết lập quan hệ đối tác trực tiếp và đầu tư, kinh doanh, tiếp cận thị trường của nhau; thúc đẩy trao đổi và đa dạng hóa quan hệ thương mại, đặc biệt đối với những sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao.

Bên cạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, cần triển khai mạnh hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, nghệ thuật, thể thao để thắt chặt hơn nữa tình cảm hữu nghị, gắn bó giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước này.

Với kết quả tốt đẹp của chuyến thăm, với sự nỗ lực của các bên, quan hệ giữa Việt Nam với Belarus, Phần Lan và Thụy Sĩ đã tốt đẹp trong quá khứ và hiện tại, sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và thực chất  trong thời gian tới, tương xứng với tiềm năng, đáp ứng mong muốn và lợi ích của nhân dân ta và 3 nước./.

(VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất