Trong một động thái gây áp lực với các
nhà lãnh đạo Afghanistan một ngày trước khi các Ngoại trưởng NATO tham
dự cuộc gặp 2 ngày tại Brussel, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen
ngày 2/12 bày tỏ hy vọng rằng Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai sẽ ký
vào Hiệp định an ninh song phương Mỹ-Afghanistan.
Điều này sẽ cung cấp cho NATO quyền lực
hợp pháp để có thể lên kế hoạch hỗ trợ lực lượng quân đội nước này vào
cuối năm 2014, thời điểm quan trọng trong bối cảnh NATO đang giảm dần số
quân tham gia vào chiến dịch quân sự lớn nhất từ trước đến nay của mình
tại Afghanistan.
“Tôi muốn nói rõ rằng, điều kiện tiên
quyết để có sự hiện diện của NATO tại Afghanistan sau năm 2014 chính là
việc chúng tôi phải có được một khung pháp lý phù hợp. Nếu không đạt
được điều này, chúng tôi sẽ không thể điều quân tham gia các chiến dịch
huấn luyện phi chiến đấu cũng như đóng vai trò cố vấn và hỗ trợ cho
Afghanistan”, Tổng thư ký Ramussen tuyên bố tại trụ sở NATO sau cuộc gặp
với Thủ tướng Na Uy Erna Solberg.
Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã
từ chối ký vào Hiệp định an ninh song phương Mỹ-Afghanistan với chính
quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama bất chấp sự phản đối kịch liệt của
Hội đồng Trưởng lão Afghanistan và “nhường lại” việc ký kết này cho
người kế nhiệm ông sau cuộc bầu cử tháng 4 năm sau.
Các nhà lãnh đạo quân sự và ngoại giao
của NATO cho rằng, họ cần có thời gian để lên kế hoạch giúp Afghanistan
và Mỹ cũng đã đe dọa rút quân hoàn toàn khỏi nước này nếu như Hiệp định
an ninh song phương Mỹ-Afghanistan không được ký vào cuối tháng 12 năm
nay.
Đại sứ Mỹ tại NATO Doughlas Lute ngày
2/12 tuyên bố rằng Hiệp định an ninh song phương Mỹ-Afghanistan là một
mắt xích đầu tiên và quan trọng nhất để Mỹ cung cấp khoản viện trợ trị
giá 8 tỷ USD cho lực lượng an ninh và các dự án phán triển của nước này.
Cuộc gặp của các bộ trưởng NATO được kỳ
vọng sẽ giúp tạo ra cơ hội cho các thành viên NATO thể hiện những thành
công của họ tại Afghanistan bất chấp tình hình bất ổn đang diễn ra tại
quốc gia Trung Đông này và việc người dân tại Mỹ và châu Âu không ủng hộ
chiến dịch đã kéo dài hơn 12 năm qua của NATO.
Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001,
Mỹ đã dẫn đầu các nước thành viên NATO trong một chiến dịch quân sự
nhằm lật đổ chính thể thân Taliban tại Afghanistan và luôn đóng góp số
lượng quân lớn nhất trong Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế của NATO
hiện diện tại Afganistan./.
Theo VOV