Theo họ: “Muốn đất nước thật sự phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam phải “thay đổi cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng CNXH, chuyển hẳn sang đường lối “dân tộc và dân chủ”, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị “từ toàn trị sang dân chủ…”, mà thực chất là mô hình “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” theo kiểu “ngoại nhập”.
Đó là những nhận định sai trái, không phù hợp với thực tế, thậm chí là sự xuyên tạc cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Dân chủ là một hình thức tổ chức, thiết chế chính trị của nhà nước và xã hội, dựa trên nguyên tắc cơ bản: Nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thông qua một hệ thống bầu cử tự do. Giá trị của dân chủ là ở chỗ, đó là động lực cơ bản của sự phát triển xã hội. Chính vì vậy trong các hình thái kinh tế xã hội, giai cấp cầm quyền luôn sử dụng dân chủ như một nhân tố nhằm phát huy sức mạnh của cộng đồng, của chế độ xã hội và của dân tộc.
Cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười năm 1917 đã mở ra một chế độ dân chủ mới, đó là dân chủ XHCN, nền dân chủ do giai cấp công nhân lãnh đạo hướng đến lợi ích cho toàn dân. Ngày nay trên thế giới có nhiều mô hình dân chủ với những thiết chế cụ thể khác nhau, chủ yếu ở các nội dung: Lực lượng chính trị nào cầm quyền, vì lợi ích của ai; chế độ đa đảng hay một đảng duy nhất lãnh đạo cầm quyền; mối quan hệ giữa các nhánh quyền lực như thế nào (phân lập hay phân công phối hợp)…
Nền dân chủ của dân tộc ta ra đời trong cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; đã được thử thách, trải nghiệm trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, đánh bại những kẻ thù hung bạo nhất của chủ nghĩa đế quốc, để lại dấu ấn thời đại. Bước vào giai đoạn xây dựng xã hội XHCN, nền dân chủ đó cũng đã được trải nghiệm trong mô hình cũ của chủ nghĩa xã hội, mà đặc trưng của nó là: Về chính trị, đó là nhà nước chuyên chính vô sản…; về kinh tế, đó là nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu với hai thành phần duy nhất: Kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Tại Đại hội VI, năm 1986, Đảng ta đã quyết định chuyển sang xây dựng xã hội XHCN theo mô hình mới-mô hình được hoàn thiện từng bước từ Đại hội VII đến nay. Những thành tố của mô hình đó là: Về chính trị, đó là xã hội do nhân dân làm chủ với nhà nước pháp quyền do Đảng ta lãnh đạo; về kinh tế, đó là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN…
Mặc dù đã đạt được những thành quả to lớn, song sau gần 30 năm đổi mới, xã hội ta đã xuất hiện nhiều vấn đề kinh tế, xã hội cần giải quyết. Đó là tình trạng phân hóa giàu nghèo, tham nhũng, lợi ích nhóm, “bệnh nhiệm kỳ”… có xu hướng gia tăng; quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một số lĩnh vực còn bị vi phạm… Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã công khai, thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên các cấp. Nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn, loại trừ tình trạng suy thoái đó thì có thể dẫn đến những bất ổn xã hội, xóa nhòa những thành quả của công cuộc đổi mới trong nhiều thập kỷ qua. Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung bảo đảm và phát huy mạnh mẽ dân chủ XHCN, mà cốt lõi là quyền làm chủ của nhân dân.
Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, quyền làm chủ của nhân dân ta đã được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013. Thời gian qua, Hiến pháp 2013 đã và đang được triển khai thực hiện, trước hết là việc hoàn thiện pháp luật, trong đó có Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi)… Nhiều quy định trong dự thảo sửa đổi những luật trên được các đại biểu phát biểu dựa trên bảo đảm quyền con người được quy định trong Hiến pháp 2013. Theo tinh thần đó, quyền của bị can, bị cáo, quyền của những người đã bị tước một phần quyền tự do (người đang chấp hành án phạt tù) cũng được quan tâm; vai trò của luật sư được đề cao...
Đầu tháng 10-2014, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc phê chuẩn Công ước Chống tra tấn đã được Thường vụ Quốc hội thông qua. Việc Việt Nam ký kết và phê chuẩn Công ước Chống tra tấn một lần nữa thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta chống mọi hành vi tra tấn, hạ nhục con người. Việt Nam đã ký Công ước Chống tra tấn vào tháng 11-2013 và dự kiến Quốc hội sẽ phê chuẩn tại kỳ họp thứ 8, khai mạc vào trung tuần tháng 10 tới.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và triển khai Hiến pháp 2013, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trên cơ sở tư tưởng cơ bản: “Đoàn kết-Dân chủ-Đổi mới”, đã và đang tập trung nâng cao chức năng giám sát và phản biện. Đây là một khía cạnh mới, nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong nền dân chủ của chúng ta.
Trong nền dân chủ XHCN, vai trò lãnh đạo của Đảng là một nguyên tắc. Tuy nhiên, vai trò đó cần có những quy định phù hợp, để vừa giữ vững trách nhiệm chính trị của Đảng, đồng thời không được lạm quyền của cơ quan, tổ chức nhà nước và của nhân dân. Điều này đã được quy định tại Điều 4, Hiến pháp 2013, như sau: Đảng Cộng sản Việt Nam-Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Khác với quy định tại Điều 4, Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013 quy định rõ, không chỉ tổ chức Đảng, mà cả đảng viên của Đảng cũng phải tuân thủ pháp luật như những công dân bình thường.
Theo tinh thần mở rộng dân chủ, đồng thời giữ vững kỷ cương, quyền tự do ngôn luận, báo chí được bảo đảm và phát huy. Nhiều sự kiện chính trị mà trước đây được xem là “nhạy cảm”, thời gian qua đã được báo chí đưa tin công khai. Việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí, đồng thời giữ nghiêm kỷ cương báo chí luôn được các cơ quan chức năng tôn trọng.
Như vậy có thể nói, mặc dù còn không ít vấn đề cần giải quyết, nhưng không ai có thể phủ nhận được rằng, nền dân chủ của chúng ta đã và đang phát triển đúng hướng, phù hợp với xu thế chung của thời đại ngày nay.
Cao Đức Thái
Nguồn: QĐND