Ngày 12/3/2019 đi vào lịch sử nền hành chính công của Việt Nam, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký bằng chữ ký số, ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia trên hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ công việc và gửi nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng.
Hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký duyệt bằng chữ ký số đã
truyền đi thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về quyết tâm cải cách hành
chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý,
hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, loại bỏ dần việc xử lý công việc
bằng hệ thống văn bản giấy. Một nền điều hành Chính phủ không giấy tờ
đang dần được hình thành.
Có thể nói, nền hành chính giấy tờ là một nền hành chính kiểu cũ, tồn
tại từ rất lâu. Nền hành chính giấy tờ hình thành tư duy giấy tờ khá
cứng nhắc, phong cách chậm chạp không còn phù hợp với nhu cầu phát triển
hiện nay. Trong nền hành chính giấy tờ, mọi loại công việc liên quan
đến cơ quan, doanh nghiệp, cho đến từng người dân đều được giải quyết,
được công nhận, chứng nhận bằng giấy. Và chỉ có “giấy trắng, mực đen,
con dấu đỏ” mới đủ tính chắc chắn về pháp lý bảo đảm cho một nội dung
nào đó có đủ điều kiện để thi hành, được công nhận, được chứng thực. Tư
duy hành chính giấy tờ khiến người ta cảm thấy yên tâm khi cầm trong tay
một tờ quyết định, một hợp đồng bằng văn bản giấy và cho rằng như thế
là chắc chắn nhất.
Thế nhưng điều này cần phải xem xét lại, vì việc làm giả mạo giấy tờ
hiện nay khá đơn giản với các công nghệ in ngày càng hiện đại, các thủ
thuật làm giả rất tinh vi. Đã có những “sổ đỏ” bị làm giả, mà người cầm
giữ nó cứ đinh ninh là thật. Do đó, cầm một quyết định “giấy trắng, mực
đen, con dấu đỏ” cũng không thể coi là an toàn 100%. Không những thế,
văn bản hành chính giấy tờ sẽ tạo ra các quy trình thủ công từ trình ký
đến chuyển văn bản. Chỉ riêng để chuyển tay văn bản từ khâu trước đến
khâu sau có thể mất hàng ngày trời, thậm chí lâu hơn. Văn bản có thể
được “ngâm” trong ngăn kéo của một nhân viên hành chính nào đó, hoặc bị
thất lạc mà không dễ truy cứu. Cũng vì các văn bản giấy đòi hỏi tiếp xúc
trực tiếp giữa công chức với người dân và doanh nghiệp nên dễ phát sinh
những tiêu cực, các biểu hiện tham nhũng vặt. Rồi văn bản giấy còn gây
không ít khó khăn cho việc lưu trữ, truy cứu hồ sơ, tài liệu. Khi một
chứng nhận, một bằng cấp, một hợp đồng giấy bị mất thì chủ nhân của nó
rất rắc rối để làm lại và có những trường hợp không thể làm lại.
Vì vậy, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đi đầu trong việc hình
thành nền hành chính không giấy tờ-nền hành chính số-là cơ sở quan trọng
để hình thành nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy mọi hoạt động được
tiến hành nhanh hơn, tiện lợi hơn, chính xác hơn, thông minh hơn, minh
bạch hơn. Chiếc điện thoại thông minh sẽ ngày càng trở nên hữu dụng,
giải phóng con người khỏi mớ giấy tờ. Để nhân viên nhà nước nắm được các
thông tin cơ bản về một công dân chỉ cần chiếc điện thoại thông minh
kết nối internet. Và để công dân biết nội dung công việc của mình được
thực hiện tới đâu cũng chỉ cần qua điện thoại thông minh.
Tất nhiên, để hình thành một nền hành chính số cần lộ trình, với nhiều
bước thực hiện. Trong đó, yêu cầu an ninh, an toàn, bảo mật là tối quan
trọng, phải được quan tâm đặc biệt. Các lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến
quốc phòng, an ninh cần rất thận trọng trong thực hiện hành chính số,
có lẽ chỉ nên làm ở những mảng, những nội dung phù hợp và làm khi các
yếu tố an toàn, bảo mật đã được thực hiện tốt./.
Hồ Quang Phương (qdnd.vn)