Cây muốn phát triển tươi cành xanh lá phải luôn được chăm sóc, vun trồng từ gốc rễ. Tuổi trẻ muốn trưởng thành, tiến bộ và có sự phát triển hài hòa về đức-trí-thể-mỹ thì phải được sống trong không gian văn hóa trong lành và “hút” những dưỡng khí tinh khôi từ nền tảng văn hóa truyền thống tốt đẹp của tổ tiên.
Lịch sử là một dòng chảy không ngừng. Muốn cho nền tảng truyền thống
không bị lung lay, mạch nguồn dân tộc không bị đứt gãy thì thế hệ trẻ
ngoài việc hấp thụ “bầu sữa” văn hóa ngọt lành của các bậc tiền nhân để
lại còn phải có bổn phận chung tay giữ gìn và không ngừng làm giàu, làm
đẹp thêm những giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Có lẽ chưa bao giờ thế hệ trẻ lại có điều kiện tiếp cận, hưởng thụ đời
sống văn hóa phong phú như hiện nay. Khi cuộc cách mạng công nghệ thông
tin bùng nổ, internet len lỏi, luồn lách đến mọi ngóc ngách của cuộc
sống đã đưa cả thế giới vào trong tầm tay mỗi bạn trẻ. Hầu như ai cũng
có thể trở thành công dân toàn cầu để thỏa sức với niềm đam mê, khát
khao khám phá các nền văn hóa của dân tộc khác. Nhưng thực tế cho thấy,
càng có điều kiện hòa mình vào thế giới văn minh của nhân loại, tuổi trẻ
càng dễ trở nên bị mất phương hướng nếu không có bản lĩnh, thái độ,
trình độ văn hóa cần thiết, thậm chí có thể tự đánh mất mình nếu không
được hưởng thụ dưỡng chất văn hóa tốt đẹp của ông cha để lại.
Đã có những bài học về một bộ phận giới trẻ dù mang hình hài Việt, sống
trong không gian Việt, ăn cơm Việt, nhưng có lúc như bị “lóa mắt, mù
màu” trước những luồng văn hóa lai căng. Rồi một số người trẻ, hoặc thờ ơ
với quá khứ, hoặc không tôn trọng văn hóa truyền thống, nên có những
hành vi phản cảm. Ví như một nam diễn viên mặc quần đùi, áo phông đu
mình trên tượng đài 10 cô gái thanh niên xung phong tại Khu di tích Ngã
ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); một nữ ca sĩ mang trang phục không phù hợp thể
hiện những động tác múa uốn éo bên những bức tượng nghiêm trang trong
Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh; một nhóm sinh viên xếp hình chữ “sex”
để chụp ảnh ngay trong không gian thiêng của khuôn viên di tích Hoàng
thành Thăng Long-Hà Nội… Những hành vi đó vừa trái với thuần phong mỹ
tục của dân tộc, vừa không phù hợp với nếp sống nhã nhặn, tinh tế của
người Việt Nam.
Hiện cả nước có hơn 30 triệu đoàn viên, thanh niên, chiếm tỷ lệ gần 1/3
dân số. Như vậy, trong 3 người dân Việt thì có một người ở độ tuổi
thanh niên. Thế nên không quá lời khi nói rằng, hồn cốt tổ tiên, gương
mặt cha ông, dòng chảy văn hóa dân tộc có được tồn tại, lưu truyền hay
không phụ thuộc rất lớn vào vai trò, trách nhiệm gìn giữ và phát huy bản
sắc văn hóa truyền thống của giới trẻ. Tất nhiên, tự thân giới trẻ
không thể gánh vác, đảm đương được trọng trách cao cả này nếu thiếu sự
chung tay góp sức của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp và các
đoàn thể, trong đó vai trò của đoàn thanh niên, hội sinh viên, đội
thiếu niên tiền phong là nòng cốt.
Việt Nam được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa quốc tế nhận định là một
trong số không nhiều quốc gia có lịch sử phát triển lâu đời và có truyền
thống văn hiến, bản sắc văn hóa độc đáo. Nhưng niềm tự hào chân chính
đó chỉ có giá trị khi nhân dân Việt Nam, nhất là tuổi trẻ-với tư cách là
người nối tiếp các thế hệ cha ông-không bao giờ đứng ngoài cuộc, mà hãy
đam mê hơn nữa, dấn thân hơn nữa vào công cuộc bảo tồn, phát huy những
nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam đã, đang có sức quyến
rũ, say lòng bao bạn bè quốc tế. Từ câu nói của Bác Hồ: “Nước nhà thịnh
hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”, có thể nói
rằng, bản sắc văn hóa Việt thời nay tồn tại hay không cũng một phần
trông mong, cậy nhờ vào thế hệ trẻ./.
Thiện Văn (qdnd.vn)