CẦN ĐỔI MỚI TƯ DUY PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP
Kể
từ khi tiến hành đổi mới toàn diện năm 1986, nông nghiệp Việt Nam
chuyển hướng quan trọng với chủ trương đổi mới cơ chế quản lý trong các
hợp tác xã nông nghiệp, phát huy triệt để vai trò chủ động của hộ nông
dân. Nhờ đó, các nguồn lực phát triển nông nghiệp được huy động, quy mô
và đóng góp của ngành vào nền kinh tế tăng lên, cơ cấu thay đổi quan
trọng mặc dù tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu có xu hướng giảm.
Bên
cạnh sự chuyển hướng quan trọng về thể chế, góp phần giải phóng nguồn
lực, nền nông nghiệp vẫn nặng về sản xuất theo phương thức tư duy “lấy
công làm lãi”, quá trình sản xuất chưa gắn chặt với thị trường, vẫn còn
tình trạng “được mùa rớt giá”, chưa chấm dứt “giải cứu” nông sản dư
thừa, xuất khẩu gặp khó khăn khi có nhiều biện pháp kỹ thuật, tổ chức
sản xuất vẫn chưa triển khai đồng bộ, quy mô lớn. Nghĩa là, nền nông
nghiệp vẫn ở trong trạng thái thụ động trước biến động thị trường và
điều chỉnh chính sách của các nước. Rủi ro khi đầu tư vào nông nghiệp
khá cao.
Điều
này cho thấy tư duy chủ yếu “lấy công làm lãi” không còn phù hợp, gây
lãng phí nguồn lực phát triển, như đất đai, nguồn nước, phân bón, thuốc
trừ sâu và lao động. Đồng thời, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn
còn mang tính phân tán, phụ thuộc đáng kể vào tác động tự nhiên, mang
tính mùa vụ, thiếu kết nối chặt chẽ theo chuỗi dẫn đến tình trạng “bấp
bênh” khá cao. Công tác dự báo thị trường thiếu chuyên nghiệp, đầu tư
khoa học - công nghệ khiêm tốn, cơ chế giảm thiểu tác động bất lợi và
tận dụng tác động có lợi của thị trường còn yếu… Tất cả khía cạnh đó đòi
hỏi đổi mới tư duy phát triển, chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp
có tính chuyên nghiệp hóa cao, đổi mới sáng tạo và bền vững.
Thúc
đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nhằm phục vụ mục tiêu phát triển lâu
dài, bền vững trong nền kinh tế thị trường. Động lực cung, cầu trong
nước và ngoài nước trực tiếp tác động đến huy động và phân bổ nguồn lực
phát triển toàn ngành. Một nền nông nghiệp phát triển được tổ chức khoa
học, hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường về quy mô, cơ cấu và mối quan
hệ kết nối với các ngành còn lại. Đặc biệt, nền nông nghiệp được phát
triển liên tục theo sự thay đổi nhu cầu và phạm vi mở rộng của thị
trường, gắn với quá trình chuyển hóa nguồn lực thành giá trị thị trường
theo quy luật kinh tế, giảm thiểu tuân theo thói quen, kinh nghiệm hoặc
quyết định chủ quan, duy ý chí. Nhu cầu thị trường được mở rộng, lượng
giá trị sáng tạo và tích lũy càng lớn.
Kinh
tế nông nghiệp khắc phục tối đa tính mùa vụ, rủi ro nông nghiệp bằng
chính sách, cơ chế điều hành, như chính sách trợ cấp, thu mua, dự trữ,
bảo hiểm nông nghiệp hay đầu tư nghiên cứu và phát triển. Nông sản được
đầu tư chế biến để bảo đảm giá trị gia tăng cao nhất, giàu chất dinh
dưỡng, đáp ứng nhu cầu đa dạng với chất lượng ngày càng cao của người
tiêu dùng. Các kỹ thuật marketing được phát triển cùng với kỹ thuật phát
triển thương hiệu mạnh, mạng lưới bán hàng quy mô lớn, phạm vi rộng,
đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng. Nói cách khác, đây là quá trình giá
trị hóa các loại nguồn lực và tài sản trong nông nghiệp hay loại bỏ
tính hiện vật do trình độ phát triển thị trường thấp của nông nghiệp so
với công nghiệp, vì quá trình chuyên nghiệp hóa các loại kỹ thuật tổ
chức thực hiện giá trị, tổ chức mô hình kinh doanh hiệu quả, chi phí
thấp, tận dụng công nghệ trong nông nghiệp và tiến bộ tổ chức thị trường
với mọi loại quy mô. Đây là cách thức tổ chức nông nghiệp theo quy mô
công nghiệp. Đơn vị là hộ gia đình quy mô lớn, tổ, đội sản xuất chuyên
nghiệp, doanh nghiệp quy mô lớn và tiêu thụ nông sản khối lượng lớn.
Kinh
tế nông nghiệp có nội dung là chuỗi giá trị nông sản hoàn chỉnh. Các
khâu trong chuỗi được đánh giá đúng vị trí, vai trò và kết nối chặt chẽ
theo nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Giá trị mới sáng tạo
bởi từng tác nhân được tối đa hóa và rủi ro được tối thiểu hóa. Hơn nữa,
trong điều kiện phát triển bền vững, kinh tế nông nghiệp được tổ chức
theo tiêu chuẩn bền vững và tuân thủ cam kết quốc tế giảm phát thải ròng
về 0 đến năm 2050. Đây là đặc trưng của kinh tế nông nghiệp hiện đại,
không bị động trước tự nhiên, không chịu chấp nhận tác động tiêu cực của
thị trường và chủ động, tích cực tuân thủ cam kết quốc tế.
Từ
những phân tích trên, có thể tổng hợp một số điểm khác cơ bản giữa sản
xuất nông nghiệp “lấy công làm lãi” và kinh tế nông nghiệp như sau:
Từ
những điểm khác cơ bản giữa sản xuất nông nghiệp “lấy công làm lãi” và
kinh tế nông nghiệp cho thấy, sự chuyển dịch trạng thái phát triển nông
nghiệp từ trạng thái trước sang trạng thái sau là quá trình chuyển dịch
từ trạng thái phát triển truyền thống, dựa vào thói quen, thiếu linh
hoạt sang trạng thái phát triển hiện đại dựa vào tiến bộ khoa học, công
nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như hướng tới nông nghiệp bền vững, văn
minh. Đây cũng là xu hướng phát triển chung của nông nghiệp ở các nước
có nền kinh tế thị trường, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển
đổi mô hình tăng trưởng.
THỰC TRẠNG CHUYỂN DỊCH TRẠNG THÁI PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Trước
đổi mới (năm 1986), nền nông nghiệp Việt Nam mang nặng tính manh mún,
quy mô nhỏ, quá trình tích lũy nội bộ thấp. Một mặt, kỹ thuật sản xuất
lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; mặt khác, cơ chế quản
lý tập trung mệnh lệnh hầu như thủ tiêu hoàn toàn chức năng thị trường.
Trong giai đoạn này, nền nông nghiệp chỉ đáp ứng nhu cầu tồn tại, nghĩa
là nhằm giải quyết tình trạng thiếu ăn của người dân. Nông sản là mặt
hàng cầu ít co giãn theo giá cho nên khó có thể giảm giá để kích cầu.
Khi nông sản rơi vào tình trạng giảm giá mạnh cũng có nghĩa thiệt hại
kinh tế của nông nghiệp tăng lên, rủi ro gia tăng.
Sau
đổi mới, đặc biệt sau khi áp dụng chính sách khoán, nền nông nghiệp có
sự thay đổi, sản lượng nông sản tăng lên đáng kể. Trong giai đoạn từ khi
thực hiện chính sách khoán đến năm 2021, nền nông nghiệp có bước phát
triển mạnh thể hiện ở nông sản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất
khẩu. Việt Nam trong nhiều năm thuộc nhóm 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất
thế giới. Các mặt hàng khác, như cà phê, hồ tiêu, thủy sản cũng có vị
trí quan trọng trên thị trường thế giới.
Trong
giai đoạn 1995-2023, trị giá xuất khẩu hàng nông sản tăng lớn nhất từ
trên 1,7 tỷ USD năm 1995 lên khoảng 28,15 tỷ USD năm 2023. Mặt hàng
thủy sản có con số tương ứng là 621 triệu USD và 9,2 tỷ USD. Đối với
hàng lâm sản, con số này tương ứng là 154 triệu USD và 14,39 tỷ USD.
Điều
này cho thấy sản xuất nông nghiệp có tiến bộ lớn. Tuy nhiên, nông sản
Việt Nam vẫn rơi vào tình trạng “được mùa mất giá” và nông sản phụ thuộc
nhiều vào khả năng nhập khẩu, cho nên tình trạng dư thừa nông sản vẫn
xảy ra và cần sự giải cứu gần như hằng năm.
Nhiều
biện pháp kỹ thuật và phi kỹ thuật được quy định trong các cam kết của
hiệp định thương mại tự do đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào đáp ứng các loại
rào cản này. Các quy định như thẻ vàng thủy sản xuất khẩu sang Liên
minh châu Âu (IUU - đánh bắt bất hợp pháp, không đúng quy định và không
báo cáo), các biện pháp tự vệ, yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật - vệ sinh
xuất khẩu hoa quả sang Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ,… hay quy định gạo hữu
cơ xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) càng cho thấy tính đa dạng của
hàng rào kỹ thuật và việc có thêm các hàng rào kỹ thuật mới chưa có dấu
hiệu dừng lại. Việc đáp ứng đầy đủ và nghiêm túc quy định nhập khẩu của
các nước, mặc dù làm tăng chi phí xuất khẩu, song giá xuất khẩu thu được
cao hơn, lợi nhuận thỏa đáng. Sự kết nối theo chuỗi giá trị còn bảo đảm
tính ổn định của các khâu trong chuỗi, loại bỏ triệt để rủi ro do đứt
gãy chuỗi. Đây là cách thức góp phần tổ chức lại cơ cấu chuỗi giá trị
toàn ngành, theo đó, phân bổ lại nguồn lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu
kinh tế.
Những
thành công trên đây cho thấy tư duy kinh tế nông nghiệp tạo khả năng
hình thành nền nông nghiệp hiện đại, có khả năng sản xuất quy mô công
nghiệp, nông sản chất lượng cao, năng suất lớn và có khả năng phát triển
sâu thị trường trong nước cùng với mở rộng đáng kể thị trường ngoài
nước. Mô hình tổ chức vận hành hiệu quả nhất là hợp tác xã kiểu mới,
trang trại và doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh được phát triển. Thực
trạng này cho thấy tư duy kinh tế nông nghiệp là sự lựa chọn chiến lược
trong phát triển.
Chế biến thanh long sấy khô xuất khẩu. (Nguồn: Tô Thành Long/ nhiepanhdoisong.vn)
MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY CHUYỂN DỊCH TRẠNG THÁI
Hầu
hết các nước theo nền kinh tế thị trường đều phát triển nông nghiệp
theo mô hình kinh tế nông nghiệp, theo đó, nền nông nghiệp phát triển
dưới tác động của động lực trực tiếp và lâu dài là cung - cầu thị
trường. Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ phát triển thông qua các công
cụ phù hợp. Cơ cấu nội bộ ngành được xây dựng khoa học và chuỗi giá trị
từng loại hàng được phát triển.
Việc
chuyển dịch tư duy đồng bộ, kịp thời góp phần huy động hiệu quả và phát
huy nguồn lực phát triển tối ưu, loại bỏ được tình trạng đầu tư kém
hiệu quả hay tình trạng lãng phí. Đây là phương thức phát triển nông
nghiệp phù hợp với xu hướng chung của ngành trên toàn cầu. Chính vì vậy,
thời gian tới cần làm tốt các vấn đề sau:
Thứ nhất,
tăng cường thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong phát
triển nông nghiệp, từ đó, xây dựng kế hoạch hành động hợp lý và bao trùm
từ nhà hoạch định chính sách đến doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình
và từng nông dân. Cần có các chương trình truyền thông hiệu quả, như hội
thảo khoa học, hội chợ, triển lãm, diễn đàn, tập huấn, phong trào,
phương tiện thông tin đại chúng về chuyển đổi mô hình phát triển nông
nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp. Đầu tư xây dựng các mô hình tổ
chức kinh tế nông nghiệp theo hướng khoa học dựa trên các tiến bộ công
nghệ, thành tựu phát triển nông nghiệp và khoa học quản trị hiệu quả cao
để làm thành mô hình tổ chức điển hình tạo sức lan tỏa ảnh hưởng đến
nhận thức và hành động của ngành, doanh nghiệp, cộng đồng, hợp tác xã,
hộ gia đình và người nông dân..
Thứ hai,
cần coi trọng chuyển dịch cơ cấu nội ngành để phát huy triệt để lợi thế
so sánh của ngành, hình thành cơ cấu ngành mới, hiệu quả cao. Có cơ chế
xây dựng cơ cấu ngành theo hướng có các ngành nền tảng chi phí thấp,
như sản xuất thiết bị, vật tư nông nghiệp, công nghệ số nông nghiệp,
công nghệ sinh học, chế biến nông sản. Lấy xu hướng vận động của thị
trường trong nước và toàn cầu làm động lực điều chỉnh cơ cấu nội ngành.
Xu hướng tiêu dùng nông sản xanh, sạch, chất lượng cao, giàu chất dinh
dưỡng và phát thải ròng thấp, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn lực
đất đai, lao động, năng lượng là phương tiện để chuyển dịch cơ cấu hiệu
quả. Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp dựa trên mối
quan hệ nội ngành và quan hệ giữa nông nghiệp với công nghiệp, giảm
thiểu sự lãng phí các nguồn lực và tăng giá trị toàn ngành.
Thứ ba,
xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp theo hướng tối đa hóa lợi ích
từng tác nhân trong chuỗi và lợi ích cả chuỗi. Chuỗi giá trị này cần lấy
các doanh nghiệp Việt Nam làm tác nhân đầu nguồn với những thế mạnh về
năng lực đáng kể trong cung ứng nguồn hàng quy mô lớn, chất lượng cao,
tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm và kiểm dịch
động, thực vật, tiêu chuẩn chuỗi cung ứng xanh và bền vững, bảo đảm khả
năng chi phối hoặc gây ảnh hưởng cả chuỗi. Đồng thời, cần xây dựng hệ
thống phân phối ổn định đến cả thị trường trong nước và ngoài nước với
mạng lưới tiêu thụ kịp thời, phạm vi rộng, bảo vệ lợi ích của cả chuỗi.
Bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống, cần đầu tư phát triển các nền
tảng, ứng dụng và quy trình tiêu thụ trực tuyến, phát triển các loại
kênh tiêu thụ mới, các sàn giao dịch hiện đại, kết nối quốc tế, được bảo
hiểm rủi ro cao nhất.
Thứ tư,
hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế nông nghiệp trong điều kiện mới
với các tiêu chuẩn phát triển bền vững, phát triển bao trùm, thích ứng
biến đổi khí hậu, xây dựng hệ sinh thái vận hành để giảm phát thải ròng
về 0 vào năm 2050. Trước hết, các luật liên quan đến phát triển thị
trường các yếu tố đầu vào kinh tế nông nghiệp, như đất đai, lao động,
vốn, công nghệ, dịch vụ nông nghiệp cần được hoàn thiện để tạo tiền đề
phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng lấy điều tiết thị trường làm
chỗ dựa cơ bản. Đồng thời, cần bảo đảm tính minh bạch cao của môi trường
kinh doanh, giảm thiểu rào cản và chí phí, phát triển kết cấu hạ tầng
nông nghiệp đồng bộ, hình thành các vùng nông sản công nghệ cao, bền
vững, có khả năng lan tỏa cả trong nước và ngoài nước. Đồng thời, cần
đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong nông nghiệp có đủ năng lực
phát huy thế mạnh của nền nông nghiệp đất nước theo tư duy kinh tế nông
nghiệp như các nhà nông học hàng đầu, chuyên gia công nghệ nông nghiệp,
kỹ sư trình độ cao và đội ngũ lao động chuyên nghiệp./.
PGS. TS. NGUYỄN THƯỜNG LẠNG
Trường Đại học Kinh tế quốc dân
(Nguồn: tapchicongsan.org.vn)