Ngày 26/11, hàng triệu cử tri Nepal đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử được cho là mang tính bước ngoặt với hy vọng khép lại một chương đầy biến động trong lịch sử của đất nước Nam Á này, sau khi chấm dứt chế độ quân chủ lập hiến kéo dài 239 năm và cuộc nội chiến cách đây 10 năm.
Cuộc bầu cử quốc gia và cấp bang diễn ra theo hai giai đoạn được xem là phù hợp với Hiến pháp đầu tiên của Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal, được soạn thảo và công bố năm 2015, theo đó Quốc hội mới cần phải được thành lập trước ngày 21/1/2018.
Trong giai đoạn đầu tiên, cuộc bỏ phiếu diễn ra trên toàn miền Bắc Nepal vào ngày 26/11 với sự tham gia của khoảng 3,2 triệu cử tri đủ tư cách. Giai đoạn thứ hai sẽ diễn ra vào ngày 7/12 tại các khu vực miền Nam nước này.
Hiến pháp Nepal đề ra quy định về một cuộc cải cách quy mô hệ thống chính trị của nước này nhằm chuyển bớt quyền lực từ chính quyền trung ương sang cho bảy bang mới thành lập ở nước này.
Trước thềm bầu cử, Nepal đã đóng cửa các đường biên giới của nước này giáp Ấn Độ và Trung Quốc; triển khai hàng nghìn lực lượng an ninh tại các điểm bỏ phiếu. Dự kiến, kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố vài ngày sau cuộc bỏ phiếu vòng hai diễn ra vào ngày 7/10 tới.
Nepal hiện vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á, khoảng 1/4 trong tổng dân số 28 triệu người nước này sống với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày. Kể từ năm 2008, sau khi chế độ quân chủ bị xóa bỏ tại nước này, Nepal đã rơi vào bất ổn chính trị, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế và đã trải qua tới chín chính phủ./.
(TTXVN)