Che Căn được biết là bản văn hóa Thái cổ, bởi nơi đây đang bảo tồn nhiều
giá trị văn hóa, tín ngưỡng tâm linh độc đáo, là địa điểm du lịch hấp
dẫn đối với du khách khi đến Mường Phăng - vùng đất căn cứ địa cách mạng
nổi tiếng, nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trong Chiến dịch
Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Bản Che Căn thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên nằm ngoài lòng chảo
Mường Thanh, cách thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên hơn 30km.
Để đến được bản Che Căn, du khách có thể di chuyển từ Quốc lộ 279, qua
xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, sau đó theo Tỉnh lộ 3 vào địa bàn xã Mường
Phăng. Du khách cũng có thể theo tuyến đường bộ phía Đông Nam của thành
phố Điện Biên Phủ đi qua xã Tà Lèng. Hai tuyến đường này đều dẫn du
khách qua những con đường quanh co, uốn lượn ven lòng hồ Pá Khoang, ẩn
mình dưới tán rừng đặc dụng xanh ngát, không khí trong lành, cảnh sắc
thiên nhiên yên ả.
Đặc biệt, du khách sẽ “lạc” vào những “tiểu vùng văn hóa” của cộng đồng
các dân tộc Khơ-mú, Thái, Mông... sinh sống từ hàng chục năm qua dưới
đại ngàn, được trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây.
Bản Che Căn có gần 100 hộ dân với hơn 430 nhân khẩu, đều là đồng bào dân
tộc Thái. Bản hội tụ những điều kiện để phát triển các loại hình du
lịch tự nhiên và nhân văn. Bản dựa lưng vào một phần dãy núi Pú Đồn, có
đỉnh cao nhất là Pú Huốt, cao hơn 1.700m so với mực nước biển. Chính
trên đỉnh núi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho đặt trạm quan sát để
theo dõi diễn biến, hình thái chiến trường ở lòng chảo Mường Thanh trong
Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954.
Phía trước bản là con suối Nậm Phăng, đi qua nhiều bản của xã. Đặc biệt,
bản Che Căn đang lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa Thái cổ độc
đáo, ít nơi có được như kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Thái
đen, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội. Ngoài ra, còn có các nghề truyền
thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, mộc, làm nhạc cụ truyền thống...
Từ những lợi thế này, cùng với cảnh quan tự nhiên tươi đẹp, khí hậu
trong lành, Che Căn có cơ sở để khai thác, phát triển thành bản du lịch
cộng đồng, thu hút khách du lịch trong, ngoài tỉnh tới tham quan.
Nhà sàn của người Thái mang tính cộng đồng nên được làm gần nhau. (Ảnh: TTXVN)
Từ trung tâm xã Mường Phăng, đi trên con đường bê tông hóa sạch sẽ,
thoáng đãng, hiện lên trước mắt chúng tôi là những nếp nhà sàn rêu phong
trên nền xanh thẫm của núi và trời. Những cây mận đang trĩu bông trắng
muốt phía đầu hồi của nhiều căn nhà như tô điểm thêm cảnh sắc cho bản
làng. Tại mỗi gia đình, chúng tôi bắt gặp nhiều chị em đang thêu thùa,
may vá bên hiên nhà, nấu những món ăn dân tộc truyền thống...
Theo ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường Phăng, huyện
Điện Biên, ngày 29/6/2006, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch) đã ký Quyết định số 2620/QĐ-BVHTT công nhận Che Căn là
bản truyền thống tiêu biểu dân tộc ít người và là một trong 20 bản văn
hóa truyền thống của cả nước được đầu tư bảo tồn.
Những năm qua, chính quyền địa phương luôn nỗ lực bảo tồn, phát huy giá
trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái tại bản Che Căn; xây dựng,
phát triển các giá trị mới về văn hóa, kết hợp hài hòa giữa truyền thống
với hiện đại, mang nét đặc trưng văn hóa cộng đồng; bảo tồn các đồ dùng
sinh hoạt truyền thống trong gia đình của người Thái đen như cối đá xay
ngô, cối giã gạo bằng đá, đồ nấu rượu...
Người dân trong bản Che Căn cũng luôn gìn giữ và phát huy các giá trị
văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái với những nếp nhà sàn
truyền thống, trang phục, điệu dân ca, dân vũ, món ăn đặc trưng, trò
chơi dân gian. Để phát huy tiềm năng du lịch ở bản Che Căn, bảo tồn giá
trị văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái đen, chính quyền đã xây dựng một
điểm du lịch cộng đồng ngay trong bản. Tuy mới đầu tư chưa lâu nhưng nơi
đây đã trở thành điểm du lịch cộng đồng đặc thù của tỉnh Điện Biên.
Nhà 3 gian của người dân tộc Thái. (Ảnh: TTXVN)
Theo ông Lường Văn Lả, bản Che Căn, xã Mường Phăng, nét độc đáo nhất mà
du khách đến đây đều muốn tìm hiểu là kiến trúc nhà sàn truyền thống của
người Thái đen. Theo quan niệm từ cha ông để lại, nhà sàn truyền thống
thường được dựng ở nơi cao ráo, thoáng mát với lưng tựa vào đồi, núi,
mặt quay ra sông, suối hoặc cánh đồng. Nhà sàn có hai tầng, tầng trên
thường có 3 gian, dành cho sinh hoạt gia đình chủ nhà và tiếp khách,
tầng dưới dùng để các nông cụ sản xuất, gỗ, củi, chăn nuôi...
Trước đây, đời sống khó khăn, nhà sàn của người Thái thường làm đơn
giản, lợp tranh, thưng ván chỉ là tre nứa. Từ sau năm 1954, người dân
trong bản làm nhà sàn chắc chắn hơn, mái được lợp ngói, thưng ván gỗ.
Trước đây, do dân cư thưa thớt, lại sinh sống gần rừng nên người dân
thường nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn của nhà để tránh thú dữ. Nhiều
năm qua, người dân đã di chuyển gia súc, gia cầm ra khu vực riêng để
giữ gìn vệ sinh cho gia đình, bản làng.
Nét hấp dẫn du khách ở Che Căn còn được thể hiện ở các lễ hội đặc sắc
như lễ hội “Xên bản”, “Xên mường”, “Kin lẩu nó” cùng những điệu dân ca,
dân vũ rất độc đáo, có tính kết nối cộng đồng cao.
Cũng theo ông Lường Văn Lả, ông thường xuyên tuyên truyền cho các thế hệ
con cháu trong bản về giá trị truyền thống văn hóa để gìn giữ nét đẹp
của cộng đồng dân tộc mình.
Pa Pỉnh Tộp - một trong những món ngon đặc trưng của người Thái bản Che Căn. (Nguồn: svhttdldienbien.gov.vn)
Một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Thái đen ở Che Căn mà du
khách khi đặt chân đến đây đều ấn tượng là văn hóa ẩm thực. Đối với
người Thái đen ở bản Che Căn, các món ăn có vai trò đặc biệt nên được
chế biến rất cầu kỳ theo nhiều phương thức, sử dụng nguyên liệu riêng,
gia vị độc đáo mang đặc trưng của dân tộc để tỏ lòng hiếu khách.
Các món ăn độc đáo mà người Thái ở Che Căn thường dùng là xôi nếp nương
đồ bằng chõ gỗ dùng với loại nước chấm (chẩm chéo) được chế biến từ
những nguyên liệu như cá, ruột cá, rau thơm, ớt, mắc khén (hạt tiêu
rừng). Ngoài ra, còn có các món thịt trâu, bò, cá, gà được tẩm ướp gia
vị mắc khén, tỏi, ớt, gừng, muối rồi gói trong lá chuối rừng, lá dong
hoặc kẹp tre nướng trên than củi hồng hay vùi tro bếp nóng. Xuất phát từ
quá trình sống, điều kiện địa lý, khí hậu và tập quán sinh hoạt nên
những món ăn của cộng đồng dân tộc Thái ở Che Căn luôn có hương, vị, sắc
màu độc đáo và trở thành văn hóa ẩm thực đặc trưng của dân tộc.
Che Căn đã và đang trở thành bản kiểu mẫu trong phát triển du lịch cộng
đồng trên địa bàn xã Mường Phăng. Cùng với việc sở hữu nhiều di tích cấp
quốc gia đặc biệt trong hệ thống quần thể di tích Chiến trường Điện
Biên Phủ như: Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trạm quan sát trên
đỉnh Pú Huốt, Quảng trường mừng công Chiến thắng Điện Biên Phủ... kết
hợp với khu du lịch sinh thái rừng đặc dụng Mường Phăng, hồ Pa Khoang,
nếu chính quyền xã Mường Phăng, cơ quan chức năng khai thác tối đa tiềm
năng này, loại hình du lịch cộng đồng ở bản Che Căn sẽ ngày càng phát
triển; nơi đây sẽ trở thành điểm dừng chân lý tưởng đối với khách du
lịch khi đến Điện Biên./.
Tuấn Anh-Hải An (TTXVN)