Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 12/2/2019 21:54'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh: Đông đảo khách tham gia các hoạt động văn hóa

Đường Sách Tết Kỷ Hợi 2019 thu hút gần 700.000 lượt khách tham quan và mua sách

Đường Sách Tết Kỷ Hợi 2019 thu hút gần 700.000 lượt khách tham quan và mua sách

Đường Sách Tết Kỷ Hợi 2019 thu hút gần 700.000 lượt khách tham quan
 
Diễn ra từ ngày 2 đến 8/2 (nhằm 28 tháng Chạp đến hết Mùng 4 Tết Nguyên đán) trên các trục đường Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế, Đường Sách Tết Kỷ Hợi 2019 với chủ đề “Muôn màu của sách” tại TPHCM đã thu hút gần 700.000 lượt khách tham quan và mua sách, bán ra hơn 50.000 bản sách với tổng doanh thu 3,2 tỷ đồng.

Tại Đường Sách Tết Kỷ Hợi 2019, ngoài sự phong phú, đa dạng của các đầu sách đủ thể loại (văn học, thiếu nhi, văn hóa - lịch sử, chính trị - xã hội, khoa học, truyện tranh…), điểm nhấn nổi bật vẫn là mảng sách về biển đảo và bảo vệ chủ quyền cùng phần triển lãm giới thiệu sách và hình ảnh về kỷ niệm 320 năm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định – TPHCM; giới thiệu bộ sách “Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam”; các sách và hình ảnh về kỷ niệm 40 năm huyện Duyên Hải (Cần Giờ) sáp nhập vào TPHCM.

Trong đó, các đơn vị tham gia hoạt động tại Đường Sách Tết Kỷ Hợi 2019 (Công ty TNHH Truyền thông giáo dục và giải trí Phan Thị, Công ty CP Phát hành sách TPHCM - FAHASA, Công ty CP Sách Sài Gòn, Công ty CP Sách Thái Hà, Công ty CP Văn hóa Phương Nam, Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM, Nxb Tổng Hợp TPHCM, Nxb Văn hóa - Văn nghệ TPHCM) đã có nhiều sáng tạo trong việc trưng bày, giới thiệu sách và tổ chức các hoạt động thu hút khách tham quan Đường Sách.

Đặc biệt, khu vực sách khiếm thị cũng thu hút gần 9.000 lượt khách tham quan, tiếp xúc 38.548 lượt tài liệu.

Có thể nói, Đường Sách Tết Kỷ Hợi 2019 đã tiếp tục phát huy truyền thống và thành công của Lễ hội Đường sách Tết những năm qua, góp phần khuyến khích, phát triển văn hóa đọc trên địa bàn Thành phố, tạo không gian giải trí, hoạt động văn hóa vui xuân cho người dân và du khách đến TPHCM trong dịp Tết cổ truyền. Đặc biệt, cùng với Đường hoa Tết Nguyễn Huệ, Đường Sách Tết Kỷ Hợi tạo thành một không gian văn hóa nổi bật, thể hiện dấu ấn đậm nét của một Thành phố văn minh, hiện đại mà vẫn giàu bản sắc trên bước đường phát triển và hội nhập.

Hội Hoa xuân đón hơn 1 triệu khách tham quan
 
Hội Hoa xuân Kỷ Hợi năm 2019 với chủ đề “Xuân Bắc Nam sum họp” tại Công viên văn hóa Tao Đàn năm nay trưng bày hơn 3.000 hiện vật là các loài kỳ hoa, dị thảo, cá lạ quy tụ từ khắp mọi miền đất nước với 3 khu vực là: trưng bày triển lãm, lễ hội và trưng bày các sản phẩm đặc trưng, quà lưu niệm cho du khách.

Trong 12 ngày hoạt động, Hội Hoa Xuân Kỷ Hợi TPHCM năm 2019 đón hơn 1 triệu lượt người tham quan, thưởng ngoạn. Những khu vực thu hút đông đảo du khách đến thưởng lãm như các tiểu cảnh cây mai, cây đào; tiểu cảnh suối hoa lan và đôi thiên nga được kết bằng hoa tươi; khu vực trưng bày hoa mai, hoa lan, hoa sứ, hoa ôn đới, cắm hoa, kiểng có trái cây quý hiếm, xương rồng...

Dịp này, UBND Thành phố đã trao Bằng khen cho 40 cá nhân có nhiều đóng góp trong Hội hoa xuân; Ban tổ chức trao 380 giải thưởng cho các nghệ nhân gồm 2 giải đặc biệt, 43 giải vàng, 3 giải hiện vật đặc sắc cùng nhiều giải thưởng khác.

Đình chùa, hội quán thu hút du khách

Không chỉ là những địa điểm tâm linh để người dân đến cầu bình an, may mắn, mà các đình chùa, hội quán tại TPHCM còn là những địa chỉ du lịch thu hút du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Tại các hội quán, đình chùa những ngày Tết Kỷ Hợi 2019, có rất đông các đoàn khách nước ngoài đến viếng cảnh chùa, tham quan và tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống của người dân TPHCM đầu năm mới. Trong đó, chùa Ngọc Hoàng, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Phổ Quang, chùa Long Hoa, Hội quán Ôn Lăng, Nghĩa An, Tuệ Thành… là những địa chỉ thu hút du khách nhiều nhất.

Chùa Vĩnh Nghiêm: Là một công trình tiêu biểu của kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện đại, có thể nói Chùa Vĩnh Nghiêm (339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3) là một địa chỉ quen thuộc, không chỉ với đệ tử sùng đạo Phật, mà của hầu hết người dân thành phố, cùng các du khách thập phương đến đây chiêm bái và vãn cảnh

Du khách đến lễ Phật ở chùa Vĩnh Nghiêm
 

Hội quán Ôn Lăng (tọa lạc tại số 12 Lão Tử, Quận 5): Là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, luôn có rất đông người dân đến cúng bái. Đây là ngôi chùa lâu đời của người Hoa, bên trong chùa đặt một bàn thờ khá lớn thờ Bồ Tát Quan Âm nên thường được gọi là chùa Quan Âm.

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia - Hội quán Tuệ Thành (tọa lạc 710 Nguyễn Trãi, Quận 5) hay còn được gọi là Chùa bà Thiên Hậu cũng là một địa chỉ tâm linh và du lịch nổi tiếng thu hút các đoàn khách nước ngoài. Nơi đây được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là di tích có kiến trúc độc đáo nhất trong số các di tích tại TPHCM với lối kiến trúc cổ.

Chùa Phước Hải (toạ lạc tại 73 Mai Thị Lưu, Quận 1) hay quen gọi là chùa Ngọc Hoàng, là nơi thờ tự của đạo Minh Sư do Lưu Minh (người Quảng Đông) xây dựng từ năm 1892 đến 1906. Chùa mang kiến trúc đền chùa Trung Hoa, kiểu dáng trang trí rực rỡ. Chùa xây gạch, mái lợp ngói âm dương, trang trí bờ nóc, góc mái bằng nhiều tượng gốm màu.

Chính điện chùa Ngọc Hoàng thờ Ngọc Hoàng thượng đế... Trong chùa có nhiều tác phẩm nghệ thuật, như: tranh thờ, tượng thờ, bao lam, liễn đối, hương án,v.v.. bằng các chất liệu gỗ, gốm, giấy bồi.

Chùa Ngọc Hoàng được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

MH
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất