Hiện nay, một bộ phận nhân dân giảm sút lòng tin đối với Đảng, hoàn toàn không phải từ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoặc từ đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB, ĐV). Nếu đường lối, chủ trương, chính sách không đúng, đội ngũ CB, ĐV thoái hóa, biến chất thì làm sao đất nước ta có được những thành tựu to lớn về kinh tế-xã hội, làm thay đổi diện mạo đất nước, làm sao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế có được như ngày nay.
Nhân dân ta giảm sút lòng tin ở Đảng, thậm chí mất lòng tin ở một bộ phận không nhỏ CB, ĐV, ở người đứng đầu một số ngành, đơn vị, địa phương, kể cả những cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể ở Trung ương và các cấp, bởi họ không phải là những tấm gương sáng cho quần chúng noi theo; trái lại, là tấm gương xấu cho những kẻ xu nịnh, vụ lợi, làm mất uy tín Đảng. Một bộ phận không nhỏ nữa là những CB, ĐV đang sống “trung bình chủ nghĩa”, rất dễ phân tâm, vô cảm, ngoài cuộc. Họ thường phê phán, kêu ca, nhưng không hành động cụ thể, nói không đi đôi với làm, không nêu được gương sáng gì trong quần chúng... Nêu gương, “làm mẫu” của cán bộ ngày nay thật sự là một cuộc chiến đấu để tự chỉnh đốn mình, chỉnh đốn tổ chức đảng. Cuộc chiến ấy hết sức cam go và cũng đòi hỏi hy sinh: Hy sinh những tham vọng thấp hèn và chủ nghĩa cá nhân đang ngự trị trong mỗi con người. Trước đây, Tổng Bí thư Lê Duẩn từng cảnh báo: “Đảng là một tổ chức chiến đấu. Ai ở trong Đảng mà không đủ điều kiện và đủ sức chiến đấu thì nên ra khỏi Đảng, làm người cảm tình với Đảng thì tốt hơn”.
Nhiều CB, ĐV đã qua các trường lớp chính trị, chắc đều nhớ câu nói bất hủ của C.Mác trong tác phẩm “Phê phán Cương lĩnh Gôta”: “Mỗi bước tiến của phong trào thực tế còn quan trọng hơn là cả một tá cương lĩnh”. Câu nói đó không phải hạ thấp vai trò lý luận, mà cùng với lý luận, đề cao thực tiễn, hành động và việc làm cụ thể, đặc biệt là việc làm nêu gương.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, trong bài viết “Mừng Đảng ta 34 tuổi”, nhắc lại 10 nhiệm vụ ghi trong Điều lệ Đảng do Đại hội lần thứ III thông qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải phục tùng nghiêm chỉnh kỷ luật của Đảng. Gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của các đoàn thể cách mạng của quần chúng mà mình tham gia... Gương mẫu trong lao động sản xuất, trong công tác, trong việc chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ, trong việc bảo vệ tài sản của Nhà nước và của tập thể, thực hành tiết kiệm, tích cực đấu tranh chống lãng phí, tham ô”. Những năm gần đây, trước nguy cơ biến chất trong Đảng, ngay từ Hội nghị lần thứ tư (tháng 12-2011), Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã đề ra một trong những nhiệm vụ cấp bách là: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng”. Những việc cần và có thể làm ngay, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, là: “Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại... Nghiêm túc thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm”.
Để cụ thể hóa, ngày 7-6-2012, Ban Bí thư ban hành “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt”. Quy định nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”. Quy định về trách nhiệm nêu gương này đã chỉ ra 7 lĩnh vực cần nêu gương: Về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình, phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật; đoàn kết nội bộ. Ngày 19-12-2016, Bộ Chính trị lại ra Quy định “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”.
Các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng liên tiếp được ban hành, các quy định về nêu gương liên tục được cụ thể hóa, cho thấy, vai trò nêu gương của CB, ĐV đặc biệt quan trọng biết nhường nào. Việc làm cấp bách, kịp thời đó của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã tạo chuyển biến bước đầu trong ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số cán bộ thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, thậm chí vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong CB, ĐV và nhân dân. Qua các vụ án tham nhũng, các tiêu cực, lợi ích nhóm, các sai phạm nguyên tắc Đảng, có không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao, gây bức xúc trong đội ngũ đảng viên và nhân dân. Rõ ràng, các quy định nêu gương đã ban hành trước đó chưa đủ sức nặng tạo nên động lực, lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, chưa tạo được sức mạnh làm xoay chuyển tình hình theo hướng tích cực của cả hệ thống chính trị. Một trong những lý do là các quy định đã ban hành chưa xác định cụ thể nội dung nêu gương của các vị trí trọng trách Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, nên dễ tạo ra sự ngộ nhận còn có những khoảng trống, vùng cấm...
Để thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, chống lại sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục ban hành “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Mặc dù chủ yếu tập trung xác định cụ thể trách nhiệm nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, nhưng quy định này tiếp tục thực hiện các quy định nêu gương trước, lại nằm trong tổng thể đồng bộ với các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nên tất cả CB, ĐV không thể cho phép mình đứng ngoài cuộc. Mục đích, yêu cầu, nội dung quy định mới thể hiện đòi hỏi rất cao của toàn Đảng, toàn dân đối với đội ngũ CB, ĐV chúng ta. Với vị trí xung kích, đột phá đi đầu của các đồng chí Trung ương, sự đồng tâm, hiệp lực cả đội ngũ đảng viên, chúng ta tin tưởng rằng, đợt “ra quân” tự chỉnh đốn, tự đổi mới bằng nêu gương sáng lần này, Đảng ta sẽ mang lại niềm tin mới cho toàn dân đang mong đợi, kỳ vọng.
Theo QĐND