Nga chính thức công nhận một sự thật 3 về trước
Hãng tin RIA Novosti đưa tin, ngày 15-8-2016, trong cuộc phỏng vấn trên Kênh truyền hình Russia-24, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Xec-gây Shôi-gu cho biết: “Sự hiện diện của Nga ở Xy-ri đã giúp quốc gia này tránh được một cuộc tấn công bằng 624 tên lửa hành trình của NATO”.
Cũng theo nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Xec-gây Shôi-gu, 624 tên lửa hành trình của NATO đã sẵn sàng tấn công tổng lực vào Xy-ri chỉ trong 1 ngày đêm. Trong trường hợp cuộc tấn công này xảy ra, Xy-ri có thể sẽ bị phá hủy gần như hoàn toàn và việc khôi phục lại cấu trúc quốc gia sẽ gần như không thể.
Tướng Xec-gây Shôi-gu nói về cuộc tấn công “trừng phạt” Xy-ri do Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma đã từng tuyên bố dự kiến phát động trong tháng 8-2013, cách đây vừa đúng 3 năm. Vào thời điểm đó, cả thế giới “nín thở” chờ đợi các kênh truyền thông lớn của Mỹ và Phương Tây sẽ truyền hình trực tiếp về một một cuộc chiến tranh xâm lược với quy mô và tính chất khốc liệt như cuộc chiến tranh xâm lược Nam Tư do NATO tiến hành vào cuối năm 1998, đầu năm 1999, nhân danh “bảo vệ nhân quyền”, hoặc “can thiệp nhân đạo” (!?).
Công nghệ quen thuộc tạo cớ phát động chiến tranh
Tương tự như chuyện Mỹ phát động cuộc chiến tranh xâm lược I-răc vào ngày 20-3-2003 với lý do giả tạo rằng “Tổng thống Xat-đam Hut-xen sở hữu vũ khí hóa học”, ngày 21-8-2013, vũ khí hóa học đã được sử dụng và sát hại hàng ngàn người ở Gu-ta (Ghouta), ngoai ô thủ đô Đa-mat của Xy-ri. Trong khi chưa thể khẳng định ai đã gây ra vụ thảm sát đó và cũng không cần chờ đợi Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) kiểm tra thẩm định thông tin này, nhưng Mỹ đã lên tiếng cáo buộc “Quân đội Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học” và mượn cớ đó, Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma quyết định đơn phương tiến hành chiến dịch tấn công ồ ạt trong vòng 3 ngày để “trừng phạt Xy-ri” mà không cần được phép của HĐBA LHQ, cũng không cần được phép của Quốc hội Mỹ.
Theo tính toán của Oa-sinh-tơn, đòn tiến công bằng tên lửa và bom vào Xy-ri nhằm tạo điều kiện cho “các lực lượng đối lập ôn hòa” ở Xy-ri giành ưu thế trên chiến trường mà vào thời điểm đó đang thuộc về Quân đội Xy-ri, tiến tới loại bỏ Tổng thống Xy-ri Ba-xa An At-xat.
Xy-ri không phải là Nam Tư hay I-răc
Dĩ nhiên, để phát động chiến dịch tấn công ồ ạt vào Xy-ri, Mỹ không thể không tính đến khả năng bị “dính đòn” đáp trả trước khả năng phòng thủ của nước này. Theo giới phân tích, nếu như Nam Tư được Nga chuyển giao tên lửa phòng không S-300 thì NATO đã không thể dám liều lĩnh phát động chiến tranh xâm lược quốc gia này. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 1998 nước Nga dưới thời Tổng thống Bô-rit En-xin (Boris Yelsin) đã không có đủ ý chí chính trị để chuyển giao S-300 cho Nam Tư và vì thế quốc gia này đã bị ném bom rải thảm.
Xy-ri năm 2013 là một trường hợp hoàn toàn khác. Quốc gia này là đồng minh của Nga và V.Pu-tin đã trở lại Điện Krem-lin. Theo hợp đồng đã được ký kết, Nga chuyển giao nhiều loại vũ khí cho Xy-ri, trong đó không loại trừ khả năng có cả tên lửa phòng không S-300 và nhiều loại vũ khí hiện đại khác. Còn các sỹ quan của Xy-ri được đào tạo khá bài bản trong các học viện quân sự của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Do đó, Mỹ không thể mạo hiểm can thiệp quân sự vào quốc gia này và vì thế Lầu Năm Góc nhận thấy cần “nắn gân” Xy-ri trước khi mở chiến dịch tấn công ồ ạt vào các mục tiêu trên lãnh thổ quốc gia này. Hơn nữa, vào thời điểm đó, Nga đang hiện diện ở căn cứ quân sự Tartus của Xy-ri trên bờ biển Địa Trung Hải.
Giới quân sự Mỹ thực sự bị “choáng” sau đòn “nắn gân” Xy-ri
Theo tin của báo Mỹ “Los Angeles Times”, dẫn các nguồn tin ngoại giao và quân sự xin được dấu tên từ Trung Đông và Mỹ, cho biết ngày 30-8-2013, Lầu Năm Góc đã sử dụng 1 máy bay F-22 Raptor phóng 4 quả tên lửa hành trình “Tomahawk” để "nắn gân" sức mạnh phòng không của Xy-ri trước khi khai hỏa chiến dịch can thiệp quân sự nhằm vào Xy-ri. Tuy nhiên, ngay tức khắc, hệ thống phòng không của Xy-ri đã bắn rơi chiếc F-22 và cùng với 4 tên lửa hành trình “Tomahawk” bằng vũ khí phòng không của Nga.
Cũng theo báo “Los Angeles Times” và báo “Oklahoma Post” (Mỹ) dẫn các nguồn tin quân sự của Mỹ cho biết, máy bay F-22 và 4 tên lửa hành trình “Tomahawk” của Mỹ bị bắn rơi do hỏa lực của tên lửa phòng không S-300 cải tiến và dàn pháo-tên lửa phòng không “Pansir-S1” do Nga chuyển giao cho Xy-ri.
Báo “Oklahoma Post” còn cho biết, ngày 30-8-2013, 3 máy bay của Xy-ri là MiG-31 và MiG-29 bay về hướng đột nhập của máy bay Mỹ trên vùng lãnh hải của Xy-ri ở Địa Trung Hải. Vào thời điểm đó, máy bay của Mỹ chỉ cách bờ biển Xy-ri khoảng 20 km. Tuy nhiên, khi “chạm trán” với máy bay của Xy-ri, máy bay của Mỹ rút lui. Ngày 1-9-2013, kịch bản tương tự được lặp lại vào khoảng 10h sáng. Người Mỹ nhận thấy, bầu trời Xy-ri được bảo vệ và không tìm thấy được bất kỳ một “lỗ hổng” nào trong hệ thống phòng không của họ.
Một nguồn tin ngoại giao tiết lộ với báo “As-Safir” của Li-băng rằng, Mỹ đã phóng 2 quả tên lửa hành trình về phía Địa Trung Hải và ngay lập tức cũng bị bắn rơi. Sự kiện này gây nên các cuộc tranh cãi cho đến khi phía I-xra-en tuyên bố rằng họ đã phóng 2 quả tên lửa đó trong khuôn khổ một cuộc “diễn tập quân sự chung với Mỹ”. Phía I-xra-en cũng giải thích thêm là việc 2 quả tên lửa đó rơi xuống biển “không liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Xy-ri”.
Theo báo “As-Safir” của Li-băng, Mỹ đã phóng 2 quả tên lửa đường đạn từ căn cứ quân sự của NATO ở Tây Ban Nha. Ngay lập tức, các ra-đa của Nga đã bắt chặn được và vô hiệu hóa chúng, trong đó 1 một quả bị nổ tung trên không trung, quả thứ 2 bị gây nhiễu và rơi xuống biển. Đúng vào thời điểm đó, chỉ huy cơ quan tình báo Nga thông qua “đường dây nóng” đã thông báo cho cơ quan tình báo Mỹ biết rằng “đòn tiến công của Mỹ nhằm vào Xy-ri cũng có nghĩa là nhằm vào Nga”.
Sở dĩ phía Nga không tiết lộ chi tiết về 2 quả tên lửa của Mỹ bị bắn rơi là nhằm giữ cho mối quan hệ giữa Mỹ và Nga không bị leo thang đến mức nguy hiểm. Mat-xcơ-va còn đề nghị Oa-sinh-tơn xem xét lại chính sách và cách tiếp cận đối với cuộc khủng hoảng Xy-ri và khẳng định với phía Mỹ rằng, Nga không thể từ bỏ sự hiện diện của mình ở Địa Trung Hải. Để tránh cho Mỹ rơi vào tình thế khó xử, chính I-xra-en đã tự nhận họ phóng thử 2 quả tên lửa đó để “thử nghiệm lá chắn tên lửa”.
Cuộc đối đầu trực tiếp không tuyên bố này giữa Mỹ và Nga chứng tỏ, trong vấn đề Xy-ri, người Nga sẵn sàng hành động đến cùng.
Mỹ tìm cách hoãn binh trong danh dự
Sau cú “nắn gân” gây “choáng” trên, Mỹ nhận thấy Xy-ri là một đối thủ “khó chơi” và không có cách nào khác là phải tìm cách thoái lui trong danh dự.
Từ chỗ tuyên bố “sẵn sàng tiến công trừng phạt Xy-ri trong 3 ngày” mà không cần chờ có Nghị quyết của HĐBA LHQ, cũng như được phép của Quốc hội Mỹ, Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma đã ngay lập tức chuyển quyết định tấn công Xy-ri sang Quốc hội “để xem xét”. Còn Quốc hội Anh cũng nhanh chóng thông qua quyết định “Luân Đôn sẽ không tham gia chiến dịch tấn công Xy-ri của Mỹ”, mặc dù trước đó Thủ tướng Đa-vit Ca-mơ-run tuyên bố “như đinh đóng cột” rắng Anh sẽ cùng với Mỹ “dạy cho Xy-ri một bài học”!.
Cuộc gặp lịch sử giữa Ô-ba-ma và Putin tại Diễn đàn G-20 ở Xanh Pê-tec-bua
Với tâm trạng “không mấy vui vẻ”, Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma đã tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Xanh Pê-tec-bua do Nga chủ trì ngày 5-9-2013. Tuy nhiên, ông Ô-ba-ma quyết định sẽ không gặp Tổng thống Nga V.Pu-tin tại Hội nghị này với lý do “Mat-xcơ-va chứa chấp nhân viên tình báo Et-ga Xnâu-đơn (Edward Snowden) vừa bỏ chạy khỏi Mỹ và xin cư trú tại Nga.
Trước khi khai mạc Hội nghị G-20, Bộ trưởng Ngoại giao Xy-ri và Bộ trưởng Ngoại giao I-ran đã có chuyến thăm Nga và cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xec-gây La-vrôp đạt được “một thỏa thuận rất quan trọng”.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20, Tổng thống Nga V. Pu-tin tuyên bố, nếu Mỹ chứng minh được Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học thì Nga sẽ ủng hộ hành động quân sự của Mỹ trừng phạt Xy-ri. Nếu không chứng minh được điều đó thì hành động tấn công trừng phạt Xy-ri là hành động xâm lược một quốc gia có chủ quyền.
Còn Tổng thống Xy-ri lên án Mỹ là quốc gia đầu tiên cáo buộc chính quyền Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Đa-mat trong khi chưa có bằng chứng rõ ràng. Ông khẳng định: “Mỹ sẽ đối mặt với thất bại giống như các cuộc chiến mà họ đã từng phát động trước đây, bắt đầu là Việt Nam, và cho tới tận ngày nay. Nếu có ai có ảo tưởng rằng Xy-ri sẽ trở thành con rối của phương Tây thì điều đó sẽ không xảy ra. Chúng tôi là một quốc gia độc lập và chúng tôi sẽ chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố đồng thời xây dựng mối quan hệ với những ai mà chúng tôi thấy tốt cho nhân dân Xy-ri”.
Còn Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma tuy tuyên bố sẽ không gặp Tổng thống Nga V. Pu-tin nhưng rút cuộc ông vẫn có cuộc gặp “mặt đối mặt” kéo dài tới khoảng 30 phút với người đống cấp Nga và hai bên đã đạt được “thỏa thuận mang tính lịch sử”.
Vậy, “thỏa thuận lịch sử” giữa Ô-ba-ma với Pu-tin là gì?
Dư luận chỉ được biết đến “thỏa thuận mang tính lịch sử” đó sau khi biết Nga đề xuất sáng kiến độc nhất vô nhị trong lịch sử chiến tranh thế giới là đề nghị Xy-ri chuyển toàn bộ khu vũ khí hóa học của họ sang quyền kiểm soát của LHQ để tiêu hủy và sẽ tham gia Hiệp ước quốc tế cấm sử dụng vũ khí hóa học.
Ngay lập tức, Xy-ri chấp nhận sáng kiến này, còn Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma tuyên bố ngừng cuộc tấn công quân sự Xy-ri. Lúc này, dư luận mới biết được nội dung “thỏa thuận rất quan trọng” mà Bộ trưởng Ngoại giao Xy-ri, Bộ trưởng Ngoại giao Iran và Bộ trưởng Ngoại giao Nga đạt được trước khi khai mạc Hội nghị G-20 là gì.
Sau sáng kiến của Nga, tại kỳ họp của Đại hội đồng LHQ, các nước thành viên HĐBA LHQ đã đạt được sự thống nhất và thông qua Nghị quyết số 2118 về Xy-ri, trong đó khẳng định lộ trình huỷ bỏ vũ khí hoá học của Xy-ri vào cuối năm 2014, đồng thời loại bỏ mọi hành động can thiệp quân sự vào Xy-ri khi chưa được phép của HĐBA LHQ.
Như vậy, cuộc tấn công quân sự vào Xy-ri đã hoàn toàn được loại trừ. Sáng kiến có ý nghĩa chiến lược của Nga về hủy bỏ kho vũ khí hóa học của Xy-ri đã đạt được nhiều mục đích mà tất cả các bên đều chấp nhận. Một số chuyên gia phân tích so sánh sáng kiến của Nga là có một không hai vì nó “vừa khiến cho sói đang đói cồn cào cảm thấy no bụng, còn cừu non vẫn sống sót và không bị ăn thịt”! Đó là: (1) giúp Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma gỡ được thế bí, rút quyết định tấn công Xy-ri mà vẫn giữ được thể diện của một chủ nhân Giải Nô-ben Hòa Bình; (2) Nga tránh được một sự dính líu đầy rủi ro trong cuộc chiến tranh Xy-ri nếu xẩy ra; (3) Xy-ri tránh được một cuộc chiến tranh tàn phá khốc liệt như Nam Tư đã từng bị NATO tấn công vào cuối năm 1998 đầu năm 1999; (4) Trung Đông và thế giới tránh được một hiểm họa chiến tranh lớn./.
Đại tá Lê Thế Mẫu