Thứ Ba, 15/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 21/11/2015 14:57'(GMT+7)

Nga tham chiến: Khởi đầu cho sự kết thúc hay một nút thắt mới tại Syria?

 

 

Sở dĩ có điều này là bởi chiến dịch không kích của Nga đang tạo ra những xáo trộn to lớn không chỉ trên chiến trường Syria.

Sự thay đổi đầu tiên mà người Nga đem đến là quy mô và hiệu quả của các đợt không kích. Trong hơn nửa tháng qua, với hơn 50 chiến đấu cơ đủ loại từ SU-24M tới SU-15SM, thậm chí có cả SU-34 (loại máy bay mới được đưa vào sử dụng trong quân đội Nga từ năm 2014), không quân Nga đã tiến hành hơn 600 đợt ném bom (tần suất trung bình hơn 20 đợt/ngày), tương đương với tổng số các đợt không kích của liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu trong hơn một năm qua. Đặc biệt, ngày 7-10-2015, Nga đã phô diễn sức mạnh bằng việc bắn 26 tên lửa hành trình Kalibr (tương đương tên lửa Tomahawk của Mỹ) từ các hạm tàu trên biển Caspi, cách Syria hơn 1.000 km. Việc ngày nào Bộ Quốc phòng Nga cũng đưa ra thông báo về số lượng các mục tiêu khủng bố bị tiêu diệt (theo thông báo từ phía Nga, tính đến ngày 15-10-2015, đã có gần 400 mục tiêu bị phá hủy, hàng trăm tên khủng bố bị tiêu diệt, nhiều nhóm khủng bố hoảng loạn đã phải chạy trốn sang Jordan) ít nhiều đã gây sốc cho giới truyền thông quốc tế về hiệu quả của các đợt không kích.

Sự thay đổi tiếp theo là cục diện chiến sự tại Syria. Từ chỗ đang trong tình trạng thất thế (chỉ còn kiểm soát gần 20% lãnh thổ), dưới sự yểm trợ của không quân Nga quân đội chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang bắt đầu mở các đợt tấn công nhằm chiếm lại các cứ điểm bị IS và quân nổi dậy chiếm giữ như tại các TP Homs, Hama, Aleppo. Các đợt ném bom của Nga không chỉ làm suy yếu sức mạnh của các lực lượng đối lập với chính phủ Syria, mà còn khiến nội bộ của chúng bắt đầu xuất hiện sự phân hóa.

Chiến dịch không kích của Nga đã khiến nội bộ của liên minh chống IS của Mỹ chia rẽ. Trong khi Mỹ và một số đồng minh vẫn bảo lưu phản đối chiến dịch không kích của Nga với lý do chiến dịch này không nhằm vào IS mà là các lực lượng nổi dậy chống chính quyền Tổng thống al-Assad, thì một số nước như Đức, Pháp, Iraq lại ủng hộ sự tham chiến của Nga. Hơn thế, chiến dịch không kích của Nga là minh chứng không thể rõ ràng hơn cho sự thất bại của phe liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu tại chiến trường chống IS (điều này đã được chính giới chức Mỹ thừa nhận).

Nhưng có lẽ sự thay đổi nổi bật nhất chính là hình ảnh của nước Nga. Chiến dịch không kích đã khiến rất ít người còn nhớ tới tình cảnh một nước Nga đang phải vật lộn với những lệnh trừng phạt của phương Tây vì vấn đề Ucraina, một nền kinh tế theo dự báo của LHQ sẽ sụt giảm tăng trưởng hơn 3% trong năm 2015, thay vào đó là một nước Nga mạnh mẽ và quyết đoán. Thậm chí, một số nhà phân tích còn đang thêu dệt những mục tiêu đầy tham vọng của nước Nga, như Nga muốn loại bỏ ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông, hay Nga muốn thiết lập một cuộc chơi mới không chỉ tại khu vực mà trên phạm vi toàn cầu v.v.

Trong bối cảnh cuộc chiến chống IS của liên quân hơn 60 quốc gia do Mỹ dẫn đầu không đem đến những kết quả khả quan, IS thậm chí còn đang mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài lãnh thổ của Syria và Iraq, đặc biệt bắt đầu xuất hiện sự cấu kết của IS với nhiều nhóm khủng bố khác ở Nigeria, Libya, Afghanistan, Pakistan v.v., thì rõ ràng việc Nga tham gia cuộc chiến chống khủng bố là điều cần thiết hết sức bình thường, đồng thời cũng thắp lên hy vọng có thể giúp tháo gỡ không ít nút thắt đang có tại Syria.

Tuy nhiên trên thực tế, chính những thay đổi do sự tham chiến của Nga lại đang khiến tương lai của những vấn đề có mối quan hệ trực tiếp với các đợt không kích trở nên khó đoán định hơn.

Trước hết, mặc dù đã đạt được những thắng lợi quan trọng trên chiến trường nhờ sự trợ giúp của những đợt không kích của người Nga, nhưng cũng chưa xuất hiện bất cứ một đảm bảo nào có thể khẳng định là quân đội chính phủ Tổng thống al-Assad có thể giành thắng lợi hoàn toàn. Các đợt ném bom của Nga vừa qua đúng là có hiệu quả cao nhưng do chủ yếu là nhằm vào những mục tiêu tĩnh, còn với những mục tiêu động, nhất là với những nhóm khủng bố có khả năng thích ứng rất cao như IS, thì liệu hiệu quả này có còn được duy trì? Trong khi đó, tuy công khai mục đích của chiến dịch không kích trước hết là nhằm hỗ trợ chính quyền Damascus, nhưng cho đến nay, Tổng thống Putin vẫn luôn khẳng định sẽ không điều lính bộ tham chiến, đây lại là sự hỗ trợ cần thiết nhất, thậm chí có tính quyết định giúp có thể đảo ngược hoàn toàn cục diện chiến sự tại Syria. Sự quyết tâm tham chiến đến cùng của người Nga cũng còn cần có thời gian để kiểm chứng, nhất là trong trường hợp xảy ra những vụ trả đũa của các nhóm khủng bố ngay tại lãnh thổ Nga. Hơn thế, cứ giả sử cuối cùng chính quyền của tổng thống al-Assad có thể kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ, nhưng liệu cuộc nội chiến tại đây có thể kết thúc khi mà chiến thắng đạt được chủ yếu bằng con đường bạo lực. Đặc biệt, chính quyền của Tổng thống al-Assad sẽ còn gặp khó hơn bội phần trong công cuộc tái thiết đất nước bởi chắc chắn sẽ vấp phải những biện pháp phong tỏa từ phương Tây, trong khi nguồn hỗ trợ từ Nga thì khó hy vọng là dồi dào. Kịch bản Libya thời hậu Gaddafi rất dễ bị tái hiện tại Syria.

Xét trên cả hai phương diện nội chiến và chống IS, vấn đề Syria, còn phụ thuộc rất lớn vào sự thay đổi trong quan hệ Mỹ - Nga. Theo cách nhìn thông thường, trong bối cảnh những biện pháp trừng phạt vẫn chưa thể buộc nước Nga phải nhân nhượng trong vấn đề Ucraina, sự ủng hộ phe đối lập không những không khiến tình hình Syria sáng sủa hơn mà còn bắt các đồng minh Liên hiệp châu Âu (EU) phải hứng chịu cuộc khủng hoảng người di cư, còn chiến dịch không kích IS thì bị chính giới chức Mỹ chỉ trích là thất bại, thì rõ ràng sự tham chiến của Nga có thể coi là cái phao cứu trợ giúp Washington điều chỉnh chính sách của mình. Trên thực tế, một loạt động thái của Nhà trắng, từ việc Lầu năm góc ban hành lệnh yêu cầu các máy bay Mỹ phải giữ khoảng cách tối thiểu 32,2 km với máy bay Nga trên bầu trời Syria, hơn nữa còn quy định sẽ hủy các chuyến bay trong khu vực mà Mỹ đang tiến hành chiến dịch quân sự nếu thấy máy bay Nga xuất hiện, cho đến việc Washington không phản đối Iraq tham gia trung tâm thông tin tình báo với Nga, Iran và Syria, hay Israel và Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận điều phối bay với Nga v.v., đúng là đã tạo ra cảm giác, rằng Nhà trắng đã sẵn sàng lặp lại kịch bản vụ vũ khí hóa học của Syria hồi tháng 9-2013. Nhưng khổ nỗi, ngay sau đó Washington đã từ chối tiếp đoàn cấp cao của Nga do Thủ tướng Medvedev dẫn đầu sang Washington để đàm phán về việc phối hợp chống IS, đặc biệt là quyết định tiếp tục duy trì gần 10.000 quân tại Afghanistan tới cuối năm 2016, khiến ngay cả Tổng thống Putin cũng phải nghi ngờ động cơ thực sự của Washington trong việc "nhường toàn bộ sân bãi" cho Nga tại chiến trường Syria. Cách hành xử mập mờ này của chính quyền của Tổng thống Obama có thể lại tạo ra một khoảng trống mới trong quan hệ Mỹ - Nga, nhất là khi người Nga bị sa lầy thực sự trong vấn đề Syria.

Như vậy, có lẽ sự tham chiến của Nga đang tạo thêm những nút thắt mới hơn là giúp kết thúc vấn đề Syria. Hy vọng các bên liên quan ý thức được điều này để kịp thời có những nhân nhượng hợp lý, bởi sẽ chẳng có bên nào thu lợi từ sự kéo dài của vấn đề này.

 

TS ĐỖ SƠN HẢI (theo báo Nhân dân)
 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất