Thứ Năm, 16/5/2024
Thế giới
Thứ Năm, 17/9/2009 14:20'(GMT+7)

Nga với cuộc cải cách quân đội lớn nhất trong 200 năm qua

Một đơn vị quân đội Nga ở Vladikavkaz diễu hành khi TT Dmitry Medvedev đến thăm

Một đơn vị quân đội Nga ở Vladikavkaz diễu hành khi TT Dmitry Medvedev đến thăm

 Ông Shlykov đã mô tả cuộc cải cách này như một cuộc cách mạng sẽ có ảnh hưởng lớn đến những tính toán của Điện Cremli cho việc cắt giảm kho vũ khí của mình trong tương lai. Ông Shlykov, cựu Đại tá tình báo quân đội Nga, từng giữ chức thứ trưởng Bộ Quốc phòng và hiện đứng đầu Ủy ban chính sách an ninh thuộc Bộ Quốc phòng Nga. Ông cũng là một trong những tác giả của cuộc cải cách quốc phòng lần này.

Ông Shlykov cho biết đây là cuộc cải cách lớn nhất trong vòng 200 năm qua bởi lẽ Nga sẽ từ bỏ kiểu quân đội cồng kềnh luôn sẵn sàng cho cuộc chiến quy mô lớn. Theo cơ chế cũ ra đời năm 1874, nước Nga có một lực lượng chính quy tương đối nhỏ trong thời bình và một lực lượng quân dự bị khổng lồ gấp 5-6 lần quân chính quy. Hiện tại Bộ Tham mưu cho rằng nước Nga chỉ cần khoảng 100.000 lính nghĩa vụ và 1 triệu lính chính quy.

Lý giải về việc tại sao mối đe dọa từ NATO lại được giới quân đội rất quan tâm, ông Shlykov cho rằng họ viện vào lý do này để giữ lại hệ thống cũ kỹ, và tự cho là mình vẫn còn có ích mặc dù các sĩ quan chuyên nghiệp thuộc các sư đoàn đã chẳng làm gì suốt 15 năm qua: không huấn luyện, không tái đào tạo. Nga hiện có 20.000 xe tăng nhưng sẽ chỉ giữ lại 2.000 chiếc, số còn lại sẽ được tiêu hủy.

Bắt đầu từ 1-12 tới, Nga sẽ bắt đầu đào tạo cho lính chính quy ở các trường đặc biệt trong khoảng thời gian từ 2,5 - 3 năm và vẫn được hưởng lương. Khi tốt nghiệp ra trường, những người này có thể được hưởng mức lương khoảng 1.000 USD/tháng - đủ ''động lực'' để họ ''hăm hở'' phục vụ trong quân ngũ.

Mặc dù vấn đề cải cách quân đội Nga đã được đưa ra bàn thảo từ 15-20 năm trước đó nhưng mọi việc dường như vẫn ''dẫm chân tại chỗ''. Tuy vậy, theo ông Shlykov tình hình sẽ có tiến triển sớm vì đây thực sự là một cụộc cải cách. Năm 2003, Tổng thống Nga lúc đó là Vladimir Putin đã từng tuyên bố rằng cuộc cải cách đã kết thúc. Ông cho rằng sẽ không có cải cách mà là hiện đại hóa bởi vì khái niệm ''cải cách'' đã được các thế hệ lãnh đạo Bộ Quốc phòng thực hiện theo từng lĩnh vực ''chuyên môn riêng'' của mình. Thời kỳ Pavel Grachev (người của lực lượng không quân - lính nhảy dù) làm Bộ trưởng Quốc phòng, ông muốn giảm quân số của lực lượng bộ binh. Nhưng đến khi Marshal Igor Sergeyev lên thay, ông lại muốn sáp nhập tất cả các lực lượng hạt nhân với lực lượng thủy quân và lực lượng ném bom chiến lược… và sử dụng tiền bạc cho các lĩnh vực chiến lược. Chính điều này đã gây bất bình trong nội bộ và làm nảy sinh xung đột. Trên thực tế, giới lãnh đạo quốc phòng đã ''triệt tiêu'' lẫn nhau bằng cách sử dụng khái niệm ''cải cách''.

Chính vì vậy, khái niệm “cải cách'' không còn được coi là thuật ngữ mà là một cuộc cách mạng do Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov khởi xướng với quan điểm cho đó là một ''cách nhìn mới'' của quân đội. Ngày 1-12 là mốc thời gian không thể đảo ngược và nước Nga sẽ có một lực lượng quân đội mới. Đó chắc chắn là một cuộc cách mạng mà trong suy nghĩ của giới tướng lĩnh quân đội là rất khó chấp nhận. Điều đó cũng lý giải tại sao đại đa số tướng lĩnh quân đội không mấy hài lòng về những gì đang diễn ra. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Shlykov, điều đó đáng lẽ đã phải được thực hiện từ 5 năm, 10 năm mà đúng ra là 15 năm trước./.

( Nguồn TTXVN )

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất