(TCTG) - Ngày 14/9, tại Ia-rô-xláp (Nga) đã diễn ra Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về an ninh toàn cầu. Với chủ đề "Nhà nước hiện đại và an ninh toàn cầu", hội nghị do Tổng thống Nga bảo trợ lần này là nỗ lực quốc tế lớn nhằm tìm kiếm giải pháp cho thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính hiện nay và xem xét về những thể chế mới có thể giúp thế giới phát triển an toàn và bền vững hơn. Sự kiện này cũng cho thấy vai trò ngày càng lớn của Nga trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu.
Khác với những cuộc gặp của nhóm các nước công nghiệp hóa và phát triển năng động nhất thế giới (nhóm G20) trong thời gian qua thường tập trung tìm biện pháp giúp các nước thoát khỏi khủng hoảng, Hội nghị được Tổng thống Nga Mết-vê-đép bảo trợ diễn ra tại Ia-rô-xláp là hội nghị đầu tiên trên thế giới tập trung nhiều hơn vào việc xem xét về sự phát triển tương lai của thế giới. Đúng như chủ đề của hội nghị "Nhà nước hiện đại và an ninh toàn cầu", vấn đề trọng tâm mà hơn 500 chính khách, nhà kinh tế và nhà khoa học đến từ 18 quốc gia cùng bàn thảo trong hội nghị là con đường xây dựng một thế giới mới sau khủng hoảng, triển vọng thành lập các thể chế quốc tế mới, xác lập các tiêu chuẩn dân chủ của nhà nước hiện đại, các mô hình dân chủ, cơ cấu an ninh quốc tế mới.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt nguồn từ nước Mỹ cuối năm 2007 đã, đang và sẽ tiếp tục để lại những hậu quả khó cứu chữa cho thế giới. Cuộc khủng hoảng đã làm bộc lộ những mặt yếu của nền kinh tế Mỹ nói riêng, cũng như của hệ thống các thể chế kinh tế - chính trị trên toàn cầu vốn đang lấy đồng đôla Mỹ làm thước đo giá trị. Phát biểu tại hội nghị Tổng thống Nga Mết-vê-đép cho rằng "tất cả đều chứng kiến các chính sách được hoạch định một cách yếu kém của một quốc gia đã trở thành nguyên nhân gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu như thế nào". Mát-xcơ-va bình luận rằng điều đó là không thực sự dân chủ khi một quốc gia lại có thể tác động đến cả thế giới như vậy. Ông Mết-vê-đép cũng nói rằng các nước khác nên làm suy yếu "quyền bá chủ" của một quốc gia riêng lẻ - cụm từ thường được giới viện sỹ sử dụng để miêu tả quyền lực của Mỹ.
Ngoài ra, Tổng thống Mết-vê-đép còn lưu ý rằng cuộc suy thoái kinh tế hiện nay rõ ràng đã làm trầm trọng thêm một loạt vẫn đề xã hôi như tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thu nhập của người lao động giảm sút cùng sự xuống cấp của các điều kiện sống, tình trạng bất ổn gia tăng đang đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Chính vì vậy giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay đòi hỏi biện pháp tổng thể cả về chính trị, kinh tế, xã hội mà việc xây dựng một xã hội thực sự dân chủ và hiện đại là một yêu cầu bức thiết.
Năm ngoái, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, Nga cùng với Trung Quốc và Ấn Độ vẫn duy trì là những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và trở thành những đầu tầu kéo tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới. Sự phát triển về kinh tế, ổn định về chính trị và vững mạnh về quân sự quốc phòng đang tạo cho Nga vị thế mới trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Sự tham gia của nhiều lãnh đạo chính phủ và quan chức cấp cao các nước như Thủ tướng Pháp, Thủ tướng Tây Ban Nha, cựu Thủ tướng Italia và cựu Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) vào hội nghị tại Ia-rô-xláp hôm 14-9 cho thấy sức hấp dẫn và ảnh hưởng của Nga trên thế giới.
Mặc dù sáng kiến của Nga tổ chức Hội nghị về an ninh toàn cầu lần này mới chỉ là bước đi ban đầu, chưa có một kết quả cụ thể nào, và hơn nữa thực tế Nga cũng chưa đủ lực để tạo ra một trào lưu phát triển mới cho thế giới trong tương lai, song nếu như Nga phối hợp sức mạnh của mình cùng với các nước khác thì việc tạo ra một biến chuyển đáng kể nào đó là hoàn toàn có thể ./.
CTV Q.Sơn - P.Hằng