Chủ Nhật, 24/11/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 24/10/2019 8:2'(GMT+7)

Ngăn chặn lệch chuẩn đạo đức của giới trẻ

Đoàn viên thanh niên làm đường bê tông tại bản Hua Cọ, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu (Sơn La). (Ảnh: Báo Sơn La).

Đoàn viên thanh niên làm đường bê tông tại bản Hua Cọ, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu (Sơn La). (Ảnh: Báo Sơn La).

GIẢM ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA INTERNET ĐỐI VỚI THANH THIẾU NIÊN

* Gần đây, trên mạng xã hội và Internet xuất hiện một số hiện tượng Khá “bảnh”, Dương Minh Tuyền… hay những clip bạo lực học đường, khiến dư luận lo lắng về những hành vi lệch chuẩn đạo đức xã hội của một số ít người trẻ hiện nay. Ông có thể chia sẻ thêm về nội dung này?

- Các hiện tượng trên, trong xã hội hiện nay không phải là hiếm. Bởi không chỉ riêng trên mạng xã hội và Internet, ngay cả trên một số báo chí chính thống hiện nay cũng phản ánh một số hành vi sai lệch trong xã hội. Điều này phản ánh thực tế, hiện tượng sai lệch xã hội trong một bộ phận giới trẻ với những biểu hiện khá đa dạng về hình thức, mức độ ảnh hưởng đối với con người và xã hội như hiện nay là vấn đề chúng ta phải quan tâm cả trên phương diện quản lý xã hội, quản lý thông tin… và giáo dục giới trẻ.

Với đặc điểm là dễ bị bị a dua, lôi cuốn bởi những điều mới lạ, người trẻ dễ bị dẫn dắt, cuốn theo những trào lưu, xu hướng không lành mạnh và đôi khi không ý thức được hệ quả xã hội của những hành vi do chính mình gây ra.

Ví dụ về câu nói của Khá “bảnh” trong clip quay cảnh vào ngân hàng nhận tiền thu được từ kênh Youtube: “Tại các bạn mà Bảnh lại phải nhận tiền” làm chúng ta phải suy nghĩ về cách mà các bạn trẻ đang dùng hình thức like, cổ vũ cho những hiện tượng mà không biết rằng mình đang “nuôi dưỡng” cho những hiện tượng sai lệch chuẩn mực xã hội.

Bên cạnh đó, cần phải quan tâm là cách đưa thông tin về các vụ án, các hiện tượng sai lệch chuẩn mực xã hội… trên Internet, mạng xã hội và ngay cả trên các báo điện tử, trang thông tin điện tử hiện nay. Dường như để tăng tính hấp dẫn đối với người đọc, tần suất xuất hiện của các tin, bài về các vụ án, hiện tượng lệch lạc khá dầy đặc trên các báo điện tử, mạng xã hội và thông tin được mô tả khá chi tiết diễn biến sự việc và hành vi thực hiện. Như vậy, thay vì đạt được mục đích cảnh báo và định hướng dư luận xã hội, cách đưa thông tin không phù hợp vô hình chung đã tạo nên hệ quả ngược, đó là những người trẻ có thể bắt chước theo hành vi đó.

Có 64 triệu người Việt Nam đang dùng Internet, trong đó, 62 triệu người dùng sử dụng mạng xã hội. Người Việt bỏ ra 6 giờ 42 phút để tiếp cận các thông tin trên Internet hằng ngày, trong đó 2 giờ 32 phút là cho mạng xã hội. (Nguồn: Báo cáo Digital 2019 của Tổ chức “We are social”).

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra về ảnh hưởng của môi trường sống, môi trường gia đình, mối quan hệ cá nhân, truyền thông, Internet… đến hành vi của cá nhân. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, ảnh hưởng của Internet, mạng xã hội đối với giới trẻ sẽ tác động ở một số vấn đề: Thứ nhất, giới trẻ không nhận thức được thông tin đúng - sai, không tiếp nhận được thông tin chính thống và chuẩn mực để điều chỉnh hành vi. Do đó, dễ có những suy nghĩ và hành động sai lệch. Thứ hai, ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần. Chẳng hạn, những thanh niên dành quá nhiều thời gian để sử dụng Internet và mạng xã hội có nguy cơ cao dẫn tới trầm cảm, bạo lực... Thứ ba, những thông tin trên mạng xã hội và Internet có thể dẫn tới hành vi tập nhiễm, bắt chước. Như vậy có thể thấy, giới trẻ vừa là chủ thể nhưng đồng thời cũng là “nạn nhân” của những công cụ này.

* Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, lối sống của người trẻ hiện nay?

- Trước hết, chúng ta có thể nhận thấy, ưu thế của các phương tiện truyền thông hiện nay là dễ dàng truyền tải thông tin một cách thoải mái. Điều này cũng lý giải tại sao nhiều người tham gia mạng xã hội, gây sốc để truyền thông vào cuộc. Đôi khi, truyền thông vô tình lại giúp cho những nội dung đó lan truyền nhanh hơn. Người trẻ có cơ chế học theo và bắt chước, lây nhiễm hành vi. Khi không có những chỉ dẫn, cảnh báo, họ bị lôi cuốn bởi sự tò mò, tính hấp dẫn của thông tin và dễ bị lệ thuộc theo định hướng của thông tin hoặc tập nhiễm về hành vi.

Về vấn đề này, trong nghiên cứu sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005, chúng tôi cũng đã đề xuất giải pháp: “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thông tin trên Internet, mạng xã hội”. Ở các nước, trong luật thanh thiếu niên có quy định rõ ràng, những thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ em, thanh thiếu niên, đều được kiểm soát và có chế tài xử lý.

Thứ hai, cần xem xét khi chúng ta đã có chuẩn mực, có quy định, thì việc quản lý, chế tài xử phạt hành vi sai lệch, vi phạm được thực hiện như thế nào? Chúng ta đã có những quy định như: người dưới 18 tuổi không được vào vũ trường; quán karaoke không hoạt động sau 0 giờ; tại cổng các trường học không bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi... nhưng trên thực tế, rất ít người bị kiểm soát và xử phạt bởi những quy định này. Khi những quy định pháp luật, chuẩn mực xã hội không được thực hiện, nghĩa là các chế ước xã hội điều chỉnh hành vi của con người bị suy giảm thì điều nguy hiểm là con người không biết sợ, không cảm thấy phải điều chỉnh hành vi, dẫn tới việc vi phạm lại phổ biến hơn.

Như vậy, cùng với những thay đổi của cơ chế kiểm soát xã hội đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật, thì đối với bản thân thanh thiếu niên, họ cũng cần phải được trang bị về kiến thức, hiểu biết cách thức, kỹ năng nhận biết và giải quyết vấn đề.

Trong một nghiên cứu so sánh gần đây của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ về mối quan hệ giữa cha mẹ, con cái và Internet cho thấy, khi con cái truy cập vào Internet, cha mẹ cùng hoạt động, hướng dẫn cho trẻ kỹ năng khai thác thông tin, nhận biết thông tin “đúng - sai” thì những tác động tiêu cực đối với giới trẻ khi sử dụng Internet và mạng xã hội thấp hơn so với những trường hợp gia đình không hỗ trợ, hướng dẫn cho con cái.

Có thể khẳng định, những thanh thiếu niên được nuôi dạy trong những gia đình có cha mẹ quan tâm, được lớn lên trong môi trường xã hội tích cực, bên cạnh đó việc tổ chức định hướng, giáo dục cho thanh thiếu niên với những mục tiêu và phương pháp thích hợp, sẽ giảm thiểu được những ảnh hưởng tiêu cực trong môi trường thông tin đa dạng như hiện nay.

* Còn về phía các tổ chức Đoàn, hội, đội, thưa ông?

- Trong thời gian qua, các cấp bộ đoàn đã triển khai phương thức tận dụng ưu thế của Internet, mạng xã hội để thông tin, tuyên truyền cho đoàn viên, thanh thiếu niên. Qua các bài đăng, trang thông tin, trang cá nhân, các cấp bộ đoàn định hướng giáo dục, định hướng thông tin dư luận, bình luận (comment), tâm sự của các bạn trẻ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thanh thiếu niên. Đây cũng là một cách để giáo dục về đạo đức, lối sống cho thanh niên.

Từ nhiều năm nay, gần đến kỷ niệm ngày thành lập Đoàn hay trong những dịp diễn ra sự kiện lớn, cách thức những người trẻ là đoàn viên, thanh niên trên cả nước đồng loạt dùng ảnh đại diện trên trang cá nhân trên mạng xã hội là cờ Đoàn, mặc áo Đoàn hay đăng tải các khẩu hiệu của Đoàn... Và khi đưa hình ảnh đại diện như vậy, bản thân mỗi người trẻ cũng sẽ nhân lên lòng tự hào, từ đó, tự nhủ bản thân phải tự có trách nhiệm nói đúng và làm đúng. Đây là một cách làm khá tích cực. Những hành động đó đã tạo sự lan tỏa, khơi gợi tình yêu, trách nhiệm của thanh niên đối với tổ chức của mình, đối với đất nước.

Tôi cho rằng, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên hiện nay không thể là trách nhiệm của riêng ai. Chúng ta không thể đổ lỗi cho mỗi gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội, các tổ chức Đoàn, Hội hay đổ lỗi cho quản lý nhà nước và truyền thông. Vấn đề quan trọng là các giải pháp xã hội cùng làm thế nào để mỗi người trẻ có được sự hiểu biết, văn hoá thực hành quy tắc, chuẩn mực đạo đức, pháp luật. Bởi khi thanh thiếu niên đã tự mình xây dựng được “màn chắn” tự bảo vệ, thì tác động của những thông tin sai lệch hay các trường hợp như Khá “bảnh” chỉ như một hiện tượng, nổi lên rồi chìm đi. Kiến thức, kỹ năng giúp thanh thiếu niên biết nhận biết đúng - sai và không bị dẫn dắt bởi những thông tin sai lệch chuẩn mực.

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA LỰC LƯỢNG THANH NIÊN TIÊN TIẾN

* Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một thế hệ thanh niên hiện nay, thưa ông?

- Nếu chúng ta nói tới tất cả hơn 23 triệu thanh niên trong cả nước thì rất khó. Tôi nghĩ rằng, với lực lượng đoàn viên, thanh niên được tập hợp, hoạt động trong các tổ chức của Đoàn, Hội như hiện nay, họ đại diện cho lực lượng thanh niên tiên tiến, tích cực chiếm khoảng 70% trong cơ cấu dân số thanh niên, sẽ là nhóm xã hội tích cực có thể lôi cuốn thanh niên cả nước hướng về mục tiêu chung của đất nước và vào các hoạt động của thanh niên. 

Kết quả nghiên cứu nhiều năm gần đây của Viện Nghiên cứu Thanh niên đều khẳng định, phần lớn thanh niên hiện nay có lập trường chính trị vững vàng, có lòng tin mạnh mẽ vào mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng, của dân tộc và sự lãnh đạo của Đảng. Những băn khoăn, suy nghĩ, trăn trở của thanh niên đối với xã hội, đất nước và của chính bản thân thanh niên đã nói lên chính những vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm để hoàn thiện hơn.

Ví dụ, khi được hỏi trong tình huống hay hoàn cảnh nhất định đòi hỏi tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, dân tộc, có tới 82,7% thanh niên có thái độ quan tâm và bày tỏ mong muốn được làm gì đó giúp ích cho đất nước khi chủ quyền Tổ quốc bị xâm phạm. Bên cạnh đó, khi nghiên cứu về giá trị sống hiện nay của thanh niên, đa số thanh niên đều hướng đến những giá trị tốt đẹp của xã hội như: hạnh phúc, hòa bình, cống hiến…

Theo số liệu điều tra qua các năm của Viện Nghiên cứu Thanh niên, có một tỷ lệ rất lớn từ 60-70% thanh niên mong muốn, nguyện vọng được vào Đảng. Đây là một điều đáng mừng về mục tiêu, lý tưởng phấn đấu của thanh niên. Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng, trong 89 năm qua đã thực hiện tốt vai trò giáo dục, xây dựng lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, thường xuyên bổ sung đội ngũ đảng viên trẻ cho Đảng.

Ở một góc độ khác chúng ta thấy, thanh niên ngày nay đã phát huy tích cực vai trò của tuổi trẻ trên tất cả các lĩnh vực xã hội. Trong thành tựu chung của sự phát triển đất nước, có sự đóng góp vô cùng quan trọng của lực lượng thanh niên.

Tháng Thanh niên năm 2019 với chủ đề “Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng” đã được triển khai sâu rộng tại 67/67 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc. Các cấp bộ Đoàn đã tham gia làm mới gần 154 km (tăng 51 km so với năm 2018), tu sửa 1820 km đường giao thông nông thôn (tăng 573 km so với năm 2018), trồng mới hơn 2,1 triệu cây xanh… Các hoạt động bảo vệ môi trường, hưởng ứng Giờ trái đất, trồng mới cây xanh... được triển khai thường xuyên và rộng khắp. Tổ chức khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 1.851.000 người (tăng trên 28 nghìn người so với năm 2018); vận động hiến tình nguyện được hơn 128.000 đơn vị máu; sửa chữa, xây dựng mới 1.284 nhà nhân ái với số tiền trên 41 tỷ đồng; hỗ trợ học bổng cho gần 42.000 học sinh, sinh viên nghèo vượt khó với tổng trị giá trên 29,5 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 30.000 gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng với tổng số tiền trên 29,4 tỷ đồng.

Trong các hoạt động xã hội, với các phong trào tình nguyện, hoạt động hiến máu nhân đạo, thiện nguyện, bảo vệ môi trường…, lực lượng đoàn viên, thanh niên luôn phát huy tính xung kích, tình nguyện đi đầu của tuổi trẻ. Không phải ngẫu nhiên màu áo xanh của Đoàn trở thành biểu tượng được xã hội nghi nhận - màu áo xanh tình nguyện. Hình ảnh thanh niên tình nguyện, tiếp sức mùa thi, những việc làm tình nguyện, thiện nguyện hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, định kỳ hoặc không định kỳ, trên mọi mặt trận, ở tất cả các địa phương đã trở thành dấu ấn trong nhận thức xã hội, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội.

Vì vậy, không thể vì quá nhiều thông tin tiêu cực trên Internet và truyền thông, không phải vì những đối tượng cá biệt trong xã hội mà cho rằng “thanh niên của mình quá tệ hại”. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một thế hệ thanh niên tiên tiến, tích cực, phát huy vai trò của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

* Vậy, theo ông, đâu là điểm mấu chốt để tăng cường việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên hiện nay?

- Thế hệ thanh niên ngày nay đa số vẫn là tích cực, muốn hướng đến và muốn làm những điều tốt đẹp dù mặt này, mặt khác, vẫn còn những thanh niên có hành vi, có biểu hiện không phù hợp với đạo đức và chuẩn mực xã hội. Thậm chí đôi khi, ngay chính bản thân thanh niên còn không biết, đó là hành vi không phù hợp.

Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thanh niên về hành vi sai lệch của thanh thiếu niên cho thấy, hành vi sai lệch của thanh niên vẫn còn biểu hiện trên nhiều khía cạnh cả trong tư tưởng, trong môi trường học tập, công việc, trong tham gia hoạt động văn hoá và cả việc vi phạm pháp luật… Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chế tài của chúng ta thực hiện chưa nghiêm. Vì vậy, chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa việc thực hiện các chuẩn mực xã hội, quy định của luật pháp trở thành văn hoá của mỗi tổ chức, cộng đồng và trong xã hội và khi đó cơ chế tự kiểm soát, điều chỉnh hành vi của các thành viên trong xã hội và của thanh niên được hình thành, phát triển. Đơn cử, hiện nay, nhiều trường đại học đã yêu cầu sinh viên phải học giáo trình gốc, không photo và dùng giáo trình photo. Điều này giúp sinh viên biết và thực hiện đúng chuẩn mực về bản quyền, sở hữu trí tuệ, tạo nên thói quen thực hành chuẩn mực pháp luật trong thanh niên.

Bộ chỉ số phát triển thanh niên (Youth Development Index) bao gồm 18 chỉ số đo lường sự tiến bộ của phát triển thanh niên trong 5 lĩnh vực quan trọng của đời sống thanh niên: 1. Giáo dục; 2. Sức khỏe và hạnh phúc; 3. Việc làm và cơ hội; 4. Sự tham gia đời sống chính trị; 5. Sự tham gia đời sống công dân.

Về phía gia đình và nhà trường, bố mẹ và thầy, cô giáo phải thực sự gương mẫu, chuẩn mực trong lối sống, quan tâm, lắng nghe những chia sẻ của các em, phát hiện những lệch lạc, sai trái để kịp thời uốn nắn. Chế ước trong gia đình, chế ước trong môi trường xã hội, quy định pháp luật để điều chỉnh các hành vi rất quan trọng. Chúng ta không thể buông lỏng, hay mâu thuẫn với những quy định, chế ước đó. Nếu như thanh niên sống trong môi trường mà mọi người xung quanh không gương mẫu, vô tổ chức, ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Nếu trong môi trường mà mọi người đều thực hiện nghiêm quy định, chuẩn mực, có chế tài xử phạt những ai vi phạm thì hành vi của thanh niên cũng vì thế mà điều chỉnh.

Đối với các tổ chức Đoàn, Hội, Đội cần tăng cường những chương trình định hướng về các giá trị nhân văn, giáo dục ý thức trách nhiệm của thanh thiếu niên đối với xã hội. Gia đình và nhà trường cũng phải đồng hành với thanh niên trong việc giáo dục và định hướng giá trị này.

Ngoài ra, bản thân mỗi đoàn viên, thanh thiếu niên cũng phải tự trau dồi, nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng cho mình để phòng vệ trước thông tin xấu, độc; phân loại, chọn lọc thông tin đúng - sai; có kỹ năng phản bác lại những thông tin sai lệch.

Trong thời gian gần đây, có thể ghi nhận sự tham gia của không ít người trẻ trên các mặt của đời sống xã hội. Nhiều đại biểu trẻ tham gia các cấp ủy, là đại biểu quốc hội. Nhiều hoạt động tham gia của thanh niên góp ý vào dự thảo các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến thanh niên… Qua những hoạt động này, người trẻ được bày tỏ tiếng nói của mình, đóng góp vào sự phát triển của đất nước; đồng thời thể hiện quyền, trách nhiệm và năng lực của thanh niên. Hiện nay, sự tham gia của thanh niên là một trong 5 chỉ số đánh giá sự phát triển của thanh niên. Vì vậy, trong thời gian tới, cũng cần có cơ chế và cách thức để người trẻ, từ trẻ em, đội viên, đoàn viên, thanh niên nói lên chính vấn đề của mình trong cuộc sống, những nguy cơ người trẻ đang gặp phải. Nếu không, chúng ta cũng không biết, không nhận diện được người trẻ đang vướng mắc điều gì để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Thu Hằng (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất