Thứ Năm, 3/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 30/7/2008 22:19'(GMT+7)

Ngân hàng làm nòng cốt trong kiềm chế lạm phát

Hôm nay (30/7) Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm và làm việc tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank). Cùng dự buổi làm việc có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu, lãnh đạo một số Bộ, ngành, Ban của Đảng.

Thành lập tháng 7/1988, qua 20 năm xây dựng, phát triển, đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới của đất nước, Ngân hàng Công thương Việt Nam đã từng bước tạo dựng vị trí trong hệ thống ngân hàng thương mại và nền kinh tế. Đến nay, Ngân hàng là một trong 4 ngân hàng thương mại quốc doanh chủ chốt của Việt Nam với số vốn tự có hơn 11.000 tỷ đồng, gấp 56 lần so với khi thành lập; tổng tài sản, nguồn vốn có quy mô gấp 200 lần so với năm đầu hoạt động. Ngân hàng cũng đa dạng hoá các loại hình dịch vụ và hiện đại hoá hoạt động ngân hàng theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, từng bước hội nhập thị trường tài chính- tiền tệ quốc tế.

Thay mặt các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh biểu dương những bước phát triển vượt bậc này của Ngân hàng Công thương. Nổi bật là từ một ngân hàng với hoạt động tín dụng đơn thuần trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung đã trở thành ngân hàng thương mại kinh doanh đa năng, có quy mô tài sản thuộc nhóm các doanh nghiệp lớn nhất của nước với tốc độ tăng trưởng bình quân 30% một năm; bảo toàn và phát triển nguồn vốn của Nhà nước. Đặc biệt cùng với các ngân hàng thương mại Nhà nước khác trong thời gian qua, Ngân hàng đã giữ vững và phát huy tốt vai trò chủ lực, chủ đạo, trụ cột của ngân hàng thương mại nhà nước trong hệ thống ngân hàng nhiều thành phần và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổng Bí thư cũng chỉ ra một số hạn chế của Ngân hàng Công thương. Đó là chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh chưa tương xứng với những điều kiện thuận lợi vốn có và những nguồn lực mà Nhà nước đầu tư; vẫn còn khoảng cách đáng kể về cơ chế và năng lực quản trị - điều hành, về nguồn nhân lực, về công nghệ, về khả năng quản lý và phòng ngừa rủi ro so với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới...

Tổng Bí thư nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của Ngân hàng Công thương và của hệ thống ngân hàng nước ta nói chung là làm nòng cốt, xung kích trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục và duy trì tốt tiềm năng tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội để phát triển bền vững.

Sau khi phân tích về thực tế kinh tế- xã hội đất nước, nhất là những khó khăn như lạm phát, nhập siêu lớn, đời sống của một bộ phận dân cư gặp nhiều khó khăn, tâm trạng lo lắng có phần gia tăng trong xã hội... Tổng Bí thư nêu rõ: trong nỗ lực chung vượt qua khó khăn, vấn đề hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ, quản lý và phát triển lành mạnh, hoạt động tín dụng- ngân hàng là một khâu then chốt, có ý nghĩa rất quan trọng. Theo tinh thần đó, các cấp, các ngành, trong đó có ngành ngân hàng, cần bám sát các kết luận của Bộ Chính trị, các chỉ thị, Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ... để có các quyết định phù hợp, góp phần chặn đứng và giảm dần tốc độ tăng giá, đưa lạm phát về phạm vi kiểm soát, đồng thời giải quyết kịp thời những khó khăn trong sản xuất và đời sống, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đưa đất nước tiếp tục tiến lên theo phương hướng, mục tiêu Đại hội X đã đề ra. Đối với Ngân hàng Công thương cần có biện pháp tích cực để huy động vốn, tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý theo chỉ đạo của Chính phủ, ưu tiên cho vay các dự án có hiệu quả và sớm phát huy tác dụng, các doanh nghiệp xuất khẩu, sản xuất các mặt hàng thiết yếu cho nền kinh tế để vừa góp phần chống lạm phát vừa bảo đảm các yếu tố cho sự tăng trưởng bền vững lâu dài của nền kinh tế./.


(VOV)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất