Ngày 7/7, Ngân hàng Nhà nước công bố Quyết định số 1304 ngày 7/7/2015 về
việc mua lại Ngân hàng Thương mại cổ phần Dầu khí toàn cầu (GPBank) với
giá "0" đồng. Quyết định có hiệu lực ngay từ ngày ký. Như vậy, từ nay
GPBank sẽ trở thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà
nước làm chủ sở hữu.
Việc Ngân hàng Nhà nước trực tiếp mua lại toàn bộ cổ phần của GPBank
nhằm giúp Ngân hàng Nhà nước chủ động trong việc tiếp tục tái cơ cấu
GPBank, đảm bảo mục tiêu bảo đảm sự an toàn, ổn định hệ thống các tổ
chức tín dụng đồng thời góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự
an toàn xã hội.
Ngân hàng Nhà nước trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của GPBank,
chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện
hữu.
Quyết định trên được đưa ra sau ba lần đại hội cổ đông bất thành của
GPBank trong cuối tháng Sáu và đầu tháng này. Hai lần đầu tiên, đại hội
không thể tiến hành vì thiếu cổ đông tham dự. Lần gần nhất diễn ra vào
2/7 không thành công vì không thông qua được phương án tăng vốn điều lệ.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của
người gửi tiền tại GPBank được đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Theo thông cáo này, từ năm 2012, thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã phát
hiện nhiều yếu kém, rủi ro trong hoạt động của GPBank. Ngân hàng thua lỗ
trong kinh doanh, âm vốn chủ sở hữu và quản trị, điều hành kém hiệu
quả. Trong ba năm qua, GPBank được tạo điều kiện để tự tái cơ cấu, song
theo Ngân hàng Nhà nước đơn vị đã không trình được phương án khả thi và
tiếp tục bộc lộ nhiều yếu kém.
Do vậy, Ngân hàng Nhà nước đã đưa GPBank vào diện kiểm soát đặc biệt,
đồng thời yêu cầu thuê tổ chức độc lập kiểm toán và định giá tài sản để
xác định giá trị thực của vốn điều lệ, từ đó tăng vốn đảm bảo an toàn hệ
thống đúng quy định.
"Qua ba lần tổ chức, đại hội cổ đông bất thường của GPBank không thành
công, ngân hàng cũng không đề xuất được giải pháp khả thi về tăng vốn
điều lệ," Ngân hàng Nhà nước cho biết.
GPBank là trường hợp thứ ba được mua lại với giá 0 đồng, sau Ngân hàng
Xây dựng (VNCB) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank). Hai trường hợp
trước, Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng biện pháp bắt buộc này sau khi
lãnh đạo các ngân hàng này bị bắt giữ và lộ ra nhiều sai phạm.
GPBank từng được kỳ vọng bán toàn bộ cho nhà đầu tư nước ngoài, nếu
thành công sẽ là ngoại lệ về room cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh
vực ngân hàng. Tuy nhiên, thương vụ này không thành công.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) được chỉ
định tham gia quản trị, điều hành đồng thời kiện toàn Hội đồng quản trị,
Ban điều hành và Ban Kiểm soát của GPBank. Như vậy, đến nay VietinBank
đã được chỉ định tham gia quản trị, điều hành hỗ trợ hai ngân hàng là
OceanBank và GPBank./.
Theo TTXVN