Trong ngân sách được Chính phủ Nhật Bản thông qua ngày 24/12, ngân sách
dành cho quốc phòng của nước này lên tới 5.541 tỉ yên, tăng 1,5% so với
năm 2014.
Đây là năm thứ tư ngân sách quốc phòng của Nhật Bản tăng liên tiếp và là
năm đầu tiên vượt qua mức 5.000 tỷ yên kể từ khi Lực lượng Phòng vệ của
nước này được thành lập năm 1954.
Đánh giá về ngân sách quốc phòng tài khóa 2016, Bộ trưởng Quốc phòng
Nhật Bản Nakatani Gen cho biết đây là mức “có thể hài lòng."
Nguyên nhân lớn nhất khiến ngân sách quốc phòng Nhật Bản tăng mạnh là do
công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ việc di chuyển căn cứ quân sự
của Mỹ đóng tại Futenma.
Khoản kinh phí này trong năm 2016 lên tới 59,5 tỷ yen so với mức 35 tỷ yen năm 2015.
Nhu cầu liên kết chặt chẽ, điều hành chung với Mỹ trong hoạt động quân
sự cũng đòi hỏi Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản mua sắm nhiều trang thiết bị
quân sự có khả năng tương tác cao với thiết bị và tiêu chuẩn của quân
đội Mỹ.
Theo kế hoạch, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ mua một số máy bay tiếp
dầu trên không KC46 có khả năng tiếp dầu cho các máy bay quân sự của
quân đội Mỹ.
Ngoài ra, phía Nhật Bản cũng dự tính mua các máy bay vận tải cất cánh
thẳng đứng Osprey, máy bay cảnh báo sớm E2D và các thiết bị quân sự khác
nhằm nhất thể hóa hoạt động với quân đội Mỹ trong hoạt động bảo vệ đảo
đơn lẻ, nhất thể hóa trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa...
Chính phủ Nhật Bản cũng tăng các khoản chi phí cho quân đội Mỹ đóng tại
nước này lên 192 tỷ yên, tăng 2,1 tỷ yên so với tài khóa 2015.
Tuy rằng khoản ngân sách này thấp hơn nhiều mức chi dưới thời cựu Thủ
tướng Koizumi khi Nhật Bản tham gia hỗ trợ Mỹ tại Iraq và Ấn Độ dương,
song Tokyo và Washinton đã đạt được thỏa thuận khoảng kinh phí này trong
giai đoạn 2016-2020 sẽ tăng 13,3 tỷ yên so với giai đoạn 2011-2015.
Theo giới phân tích, chính giới Nhật Bản lo ngại việc cắt giảm kinh phí
dành cho quân đội Mỹ tại Nhật Bản sẽ ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác quân
sự song phương, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường sự hiện diện
quân sự tại căn cứ Yokosuka./.
(Vietnam+)